Cần hệ thống bảo vệ mạnh mẽ cho trẻ em

Những ngày qua, cả xã hội rúng động bởi vụ việc thương tâm của bé N.T.V.A, cô bé mới tám tuổi đã phải trải qua thời gian dài bị bạo hành bởi chính người thân trong gia đình, và ra đi. Song, bên cạnh thương tâm, có lẽ chúng ta cũng nên đặt cho nhau những câu hỏi lớn hơn, xa hơn: Làm thế nào để giải quyết gốc rễ vấn đề, chứ không chỉ cắt bỏ một "ngọn cây mục, chiếc lá sâu"?

Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bị bạo hành, dù bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi đó như thế nào. Ảnh: Trương Việt Hùng-UNICEF Vietnam
Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bị bạo hành, dù bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi đó như thế nào. Ảnh: Trương Việt Hùng-UNICEF Vietnam

Sự đứt gãy của một "hoạt động xuyên suốt"

Theo bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em: "Trong thời gian giãn cách xã hội, người có thể phát hiện ra dấu hiệu cháu bé bị bạo hành sớm nhất chính là hàng xóm hay ông bà nội ngoại hai bên". Thế nhưng, từ vụ việc đau lòng nói trên, một câu hỏi bức thiết được đặt ra: Có hay không trạng thái ngại ngùng, e sợ can thiệp vào việc "dạy dỗ con nhà người ta"?

Cần phải khẳng định: Mọi hành vi xâm hại trẻ em, cho dù là nguy cơ hay hiện hữu, cũng đều không thể là "chuyện riêng" của bất kỳ bậc cha mẹ, gia đình nào. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em, làm rõ: "Trách nhiệm cung cấp, xử lý, thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi của mọi cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân đến cơ quan có thẩm quyền đã được Luật Trẻ em 2016 quy định. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã là những nơi có trách nhiệm và thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp để xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em".

Phân định như vậy để thấy rõ, cho dù chỉ là nghi ngờ, người dân cũng có thể tố cáo. Vậy muốn trình báo thì phải tìm đến đâu?

Đã có một thời gian, hằng ngày mỗi thuê bao cá nhân đều nhận được dòng tin nhắn khuyến cáo từ Cục Trẻ em: "Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Hãy gọi ngay đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111". Song, những đợt truyền thông như vậy thường chỉ được diễn ra vào khoảng giữa năm-vào tháng 6, Tháng hành động vì trẻ em, hoặc sau mỗi vụ việc đau lòng.

Bà Nguyễn Thuận Hải-Trưởng Tổng đài 111-bộc bạch: "Chúng tôi là tổng đài hoạt động xuyên suốt, nhưng kinh phí thì có hạn. Nếu như có chỉ đạo, chính sách để kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong truyền thông thì chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn!". Thêm vào đó, các cơ quan truyền thông, báo chí cũng cần thường xuyên phổ biến về đường dây nóng. Hay để gần gũi với trẻ em hơn, Tổng đài có thể quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là YouTube-YouTube Kids.

Và rõ ràng, chiến lược truyền thông ấy cần được diễn ra liên tục, cho tới khi 111 trở thành số điện thoại "nằm lòng", giống như 113, hay 114.

Một nhu cầu bức thiết

Liên quan đến vụ việc đau lòng mới xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, đưa ra khuyến nghị rộng hơn: "Cần có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho phụ nữ và trẻ em, một hệ thống với các nhân viên chuyên trách. Không phải các tình nguyện viên hay các cán bộ phúc lợi không được đào tạo, mà cần có các nhân viên chuyên nghiệp có trình độ-những người có thể xác định, can thiệp, đáp ứng với nhu cầu và bảo vệ trẻ em và phụ nữ".

Đối với câu chuyện của N.T.V.A, trước khi xem xét đến vấn đề bị bạo hành, em đã là một bé gái kém may mắn khi bố mẹ ly hôn. Khi gia đình tan vỡ hay gặp vấn đề, cá nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là trẻ em. Nhiều chuyên gia nhất trí: Để vượt qua các thách thức nói trên, sẽ cần tới các chính sách vĩ mô như tạo ra một mạng lưới dịch vụ xã hội chuyên nghiệp và hợp lý để hỗ trợ gia đình (chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, đối phó với bạo hành gia đình), giáo dục, truyền thông… nhằm nâng cao nhận thức toàn dân về vai trò của đời sống gia đình.

Hơn nữa, chúng ta có số liệu cập nhật về số vụ ly hôn, nhưng lại thiếu số liệu về trẻ em trong các mô hình gia đình tan vỡ đó. Bà Nguyễn Thuận Hải cũng chia sẻ: "Rất khó để thống kê được, trong mỗi ca mà Tổng đài ghi nhận thì có bao nhiêu em lớn lên trong gia đình ly hôn. Điều này tạo nên một khoảng trống về dữ liệu nghiên cứu". Đặc biệt hơn, chúng ta cũng chưa có một hệ thống nhân viên công tác xã hội tại mỗi xã, phường để quan tâm đến đối tượng trẻ em đặc thù.

Hiện nay, hệ thống công tác xã hội hoạt động ở nước ta chưa thật sự hiệu quả như mong đợi. Thứ nhất, các nhóm chính trị xã hội làm về vấn đề này trên cơ sở tình nguyện, không thống nhất, chưa chuyên nghiệp hóa và không rõ ràng, cụ thể. Thứ hai, tại nhiều địa phương, các cán bộ phường, xã, công an "gánh đỡ" trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội, nên chắc chắn còn thiếu kỹ năng. Thứ ba, chúng ta vẫn thiếu những địa điểm, những kênh cung cấp thông tin, tư vấn, nhận báo cáo ở mức độ thấp để đưa ra những giải đáp, nâng cao nhận thức, bảo vệ quyền lợi của cá nhân trên nhiều vấn đề như bạo lực gia đình, học đường, nhận thức về giới… Thay đổi thật sự đã trở thành nhu cầu bức thiết.

Sau tiếng chuông cảnh báo gay gắt vừa gióng lên từ sự vụ bé N.T.V.A xấu số, tất cả không nên lại một lần nữa trầm lắng dần theo những dư âm…

TS Lưu Hồng Minh, nguyên Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền):

"Chúng ta đã từng đặt mục tiêu đào tạo bài bản 40.000 nhân viên công tác xã hội, nhưng chưa thực hiện được do chủ trương giảm biên chế trong cơ quan Nhà nước. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần đưa ra những biện pháp, chính sách để hệ thống nhân viên công tác xã hội làm việc trong Nhà nước-hoặc các tổ chức ngoài nhà nước như các tổ chức phi chính phủ, các chương trình theo tháng, năm…-được phát huy vai trò".