Điều trị bệnh nhân Covid-19

Cần chủ động nguồn cung oxy

Trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, việc sử dụng khí oxy để hỗ trợ hô hấp được coi là phần việc quan trọng nhất. Chính vì vậy, trước diễn biến dịch Covid-19 đang có chiều hướng phức tạp tại nhiều địa phương, việc tăng cường năng lực sản xuất, cung ứng nhằm hỗ trợ các bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh là yêu cầu cấp thiết.

Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm nguồn cung oxy cho các cơ sở khám, chữa bệnh trước diễn biến dịch phức tạp. Ảnh: Duy Hiệu
Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm nguồn cung oxy cho các cơ sở khám, chữa bệnh trước diễn biến dịch phức tạp. Ảnh: Duy Hiệu

Hạ tầng oxy y tế còn nhiều hạn chế

Qua thống kê, tại Việt Nam, tỷ lệ người bệnh Covid-19 có nhu cầu thở oxy từ nhẹ như thở oxy qua mặt nạ, oxy gọng kính, oxy dòng cao đến nặng như thở máy không xâm nhập, xâm nhập, ECMO dao động trong khoảng từ 8,5 - 11,5%. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế, tại Việt Nam, công suất cung ứng oxy trên cả nước mỗi ngày đạt gần 1.200 tấn oxy lỏng/ngày và có thể nâng lên thêm 50% - 100% khi cần thiết.

Thực tế, điều trị Covid-19 vừa qua cho thấy, hạ tầng kỹ thuật oxy y tế ở các cơ sở khám, chữa bệnh cơ bản đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường quy nhưng gặp hạn chế khi số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng cao. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến quận, huyện chưa có hệ thống oxy trung tâm, thiếu vỏ chứa oxy và không dự phòng cơ số vỏ chứa khi phải luân chuyển, hoặc hỗ trợ điều trị, quản lý tại nhà, vận chuyển cấp cứu... Đối với các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận nguồn cung ứng oxy, khả năng điều phối, huy động nguồn cung ứng oxy chưa đáp ứng kịp thời trong tình huống dịch bệnh tăng cao, hoặc trong tình trạng thiên tai, thảm họa.

Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, theo PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, phần lớn bệnh viện ở đây không có hệ thống oxy âm tường. Khi phải điều trị Covid-19, lượng oxy lớn sẽ bị thất thoát, không sử dụng được các kỹ thuật như thở oxy dòng cao HFNC, hiệu quả chăm sóc kém do cần có người theo dõi lượng oxy liên tục, thay bình oxy, vận chuyển oxy. Chưa kể, cơ sở vật chất ở nhiều địa phương còn thiếu thốn, không có khả năng cách ly, cần phải vào các cơ sở điều trị và cách ly tập trung. Khi đó, các bệnh viện dã chiến phù hợp hơn so các bệnh viện thông thường. Nhiều người già có nguy cơ nhưng không cần chăm sóc tại bệnh viện, có thể được chăm sóc tại bệnh viện dã chiến. Còn các bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng có thể được chăm sóc y tế tại nhà.

Tăng cường khả năng cung ứng

Mới đây, Bộ trưởng Y tế đã ban hành Đề án Tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Mục tiêu chính của Đề án là hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức kết nối chặt chẽ cung - cầu để khai thác và sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn lực sản xuất oxy y tế trong nước, chuẩn bị cơ sở hạ tầng oxy y tế điều trị người bệnh Covid-19 theo các kịch bản, diễn biến dịch bệnh với phương châm "4 tại chỗ".

Việc vận chuyển, cung ứng oxy là một yếu tố quan trọng, nếu không chuẩn bị tốt, có phương án sẵn sàng, khả thi sẽ có nguy cơ thiếu hụt, gián đoạn cung ứng oxy y tế trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các thời điểm khi số bệnh nhân tăng cao. "Năng lực sản xuất thì có thể nâng lên, tuy nhiên khâu yếu nhất là vấn đề vận chuyển và chuẩn bị tiếp nhận oxy. Do đó, các địa phương cần chủ động ngay các phương án chuẩn bị về oxy y tế. Đối với nhà sản xuất phải lên phương án cung ứng, vận chuyển, chiết nạp... để kịp thời cung ứng, điều phối phù hợp với thực tiễn" - Vụ trưởng Nguyễn Minh Tuấn nói.

Đại diện một công ty sản xuất oxy phía nam cũng cho rằng, vì oxy là mặt hàng cần thiết, phải vận chuyển nhanh cho các cơ sở y tế, nên mong muốn chính quyền các địa phương nơi có các cơ sở y tế đặt hàng oxy tạo điều kiện về thủ tục, giấy tờ để ưu tiên cho xe vận chuyển oxy qua các chốt kiểm dịch. Đơn vị sản xuất oxy này cũng đặt ra tình huống, nếu có ca nhiễm Covid-19 sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế để thực hiện cách ly, khoanh vùng theo đúng quy định, duy trì hoạt động công ty, tránh đứt gãy sản xuất.

Tại Hà Nội, từ nhiều tháng qua, theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, với mục tiêu phải đáp ứng đủ oxy cho 32 bệnh viện sẵn sàng phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, Sở Y tế đã khảo sát nhanh lượng oxy cần dự trù trong giai đoạn có 10.000 người mắc, trong đó có 2.000 trường hợp tầng 2 và 3 cần khoảng 16 tấn oxy lỏng/ngày. Giai đoạn có 8.000 trường hợp mắc tầng 2 và 3 cần 64 tấn oxy lỏng/ngày. Hiện nay, về cơ bản các bệnh viện đã triển khai ký hợp đồng nguyên tắc với các công ty cung cấp khí y tế. Phía các công ty cung cấp khí y tế cũng đã cam kết cung cấp đủ khí y tế trong trường hợp thành phố có 40.000 người mắc bệnh Covid-19. Về phía các địa phương, theo ý kiến của một cán bộ y tế tỉnh miền núi phía bắc, cần xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh đầu tư bổ sung hệ thống oxy lỏng cho một số bệnh viện nhằm tăng cường năng lực điều trị Covid-19, bảo đảm sau khi hết dịch thì các hệ thống này vẫn duy trì và phát huy tốt hiệu quả sử dụng.

Các chuyên gia nhận định, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát trong một năm tới vẫn còn cao. Do đó, cần duy trì những cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 ở khu vực riêng biệt, có hệ thống dẫn oxy y tế để điều trị, không trưng dụng từ cơ sở hạ tầng có sẵn, phải vay mượn thiết bị y tế. Tại tất cả các tỉnh, thành phố hiện nay đều phải chuẩn bị trong tình huống dịch bệnh cao nhất, chuẩn bị đầy đủ từ cơ sở hạ tầng, oxy, hồi sức cấp cứu. Đặc biệt, khi bệnh nhân tăng thì giải pháp điều trị F0 tại nhà có trạm y tế lưu động phụ trách, phải cung cấp đủ oxy, thuốc, túi an sinh… giúp giảm tải cho các tầng điều trị. 

Ngày 24/10, phát biểu tại Hội nghị kiểm điểm, đánh giá 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, mối lo là sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều và đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch. Do đó, các địa phương không được chủ quan, phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch.