Bứt tốc nâng cao chất lượng các tiêu chí

Chủ động thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã đạt 9/9 tiêu chí. Thời gian tới, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu huyện nỗ lực, bứt tốc, nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Hiệp Hòa phát triển nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Hiệp Hòa phát triển nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Điều làm nên thành công ấn tượng ở Hiệp Hòa là người dân luôn đồng lòng, sôi nổi chung tay đóng góp xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 10 năm triển khai, tổng nguồn lực đã huy động của huyện là hơn 4.635,126 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của cộng đồng dân cư, vốn khác là hơn 1.575,93 tỷ đồng để phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, phát triển dịch vụ, du lịch. Ngoài ra, toàn huyện đã huy động nhân dân hiến được hơn 400.462 m2 đất, tháo dỡ 106.241 m2 tường rào và 580 nghìn ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, dồn điền đổi thửa và xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, điển hình như: xã Danh Thắng, Hùng Sơn, Mai Trung... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn huyện và con em xa quê đóng góp 168,6 tỷ đồng.

Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: Suốt những năm qua, chúng tôi đã phát động rộng rãi các phong trào thi đua đi vào chiều sâu, nội dung đa dạng, hình thức phong phú, tạo sự đồng thuận cao và sức lan tỏa, làm thay đổi nhận thức của người dân, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và kịp thời tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia giám sát; bảo quản tốt các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bắc Giang, để giúp Hiệp Hòa hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2021, tỉnh đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo, hỗ trợ huyện. Theo đó, thành viên Tổ công tác tùy theo chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành mình, rà soát xem Hiệp Hòa còn khó khăn, vướng mắc sẽ đề xuất huyện khắc phục, hoàn thiện.

Thời gian tới, để nâng cao các tiêu chí, Hiệp Hòa xác định nông nghiệp vẫn là trụ đỡ trong phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định an ninh trật tự ở nông thôn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ và an toàn theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: "Hiệp Hòa có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình này sản xuất theo hướng hữu cơ tiếp tục được duy trì và nhân rộng, nhiều mô hình thực hiện liên kết toàn phần, khép kín trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả cao".

Cũng theo lãnh đạo huyện, Hiệp Hòa đã và đang hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch gắn với liên kết theo chuỗi giá trị (vùng trồng rau hàng hóa tập trung 700 ha tại các xã: Hoàng Lương, Quang Minh, Đông Lỗ, Xuân Cẩm, Đoan Bái, Lương Phong, vùng sản xuất nếp cái hoa vàng, lúa chất lượng cao 1.040 ha tại các xã: Thái Sơn, Hoàng Vân, Ngọc Sơn, Lương Phong, Xuân Cẩm, Hoàng An, Danh Thắng, Đoan Bái… vùng trồng lạc giống 800 ha tại các xã Danh Thắng, Ngọc Sơn, Lương Phong, Thường Thắng, Mai Trung.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, đầu tư nâng cấp các cơ sở sản xuất tập trung hiện có tại các xã Thường Thắng, Danh Thắng và Hùng Sơn, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi với quy mô 38 ha; sắp xếp quy mô chăn nuôi đối với các cơ sở chăn nuôi trang trại, gia trại hiện có. Khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng công nghệ chăn nuôi lợn hữu cơ.

Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và đặc sản, thế mạnh của địa phương theo Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; tập trung nâng hạng sản phẩm OCOP (phấn đấu ít nhất một sản phẩm được đánh giá năm sao); kiểm soát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm đạt OCOP, xác định sản phẩm đạt OCOP là "Sản phẩm chất lượng, tin dùng", giấy thông hành vào siêu thị, doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, có cơ chế khuyến khích các đơn vị số hóa hoặc sử dụng công nghệ số vào dịch vụ thương mại, bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện.