Bồi đắp "người công dân hiện đại" ngay dưới mái trường

Trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, việc đổi mới giáo dục công dân để làm cho môn học thật sự hữu ích, hiệu quả và mang tính khai phóng, nhằm giáo dục nên những người công dân có phẩm chất, năng lực phù hợp thời đại mới đã trở thành yêu cầu cấp thiết.

Hoạt động ngoại khóa cung cấp cho học sinh, sinh viên nhiều kỹ năng sống hữu ích. Ảnh: iSer Ninh Thuận
Hoạt động ngoại khóa cung cấp cho học sinh, sinh viên nhiều kỹ năng sống hữu ích. Ảnh: iSer Ninh Thuận

Nhật Bản, hình ảnh người công dân mơ ước được nhấn mạnh rõ ở ngay chương đầu tiên và ở điều đầu tiên của Luật Giáo dục cơ bản. Trong điều 1 quy định về "Mục đích giáo dục" ghi rõ "Giáo dục phải nhằm hoàn thiện nhân cách con người và giáo dục nên quốc dân khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần đồng thời có đầy đủ phẩm chất cần thiết với tư cách là người làm chủ xã hội-quốc gia hòa bình và dân chủ". Ở đây "quốc dân" (kokumin) cũng có hàm nghĩa là "công dân". Những nét phác thảo về người công dân đó được đưa ra cụ thể trong Mục tiêu giáo dục ở "điều 2". Đó là những người công dân có "tri thức và văn hóa rộng rãi", có "đạo đức và tình cảm phong phú", "thân thể khỏe mạnh", "tinh thần độc lập tự chủ", biết "truy tìm chân lý", "tôn trọng chính nghĩa và trách nhiệm", "tôn kính và hợp tác lẫn nhau", "tôn trọng truyền thống và văn hóa", "yêu mến quê hương và đất nước", "tôn trọng sinh mệnh", "có đóng góp vào bảo vệ môi trường"…

Tại Việt Nam, điều 2 Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội ban hành ngày 14/6/2019, cũng đề cập "giáo dục công dân" như sau: "Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế". Như vậy, những cụm từ quan trọng nhất, đáng chú ý nhất là "có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân".

Tuy nhiên, rất đáng tiếc khi sự nhấn mạnh này đã không được thể hiện tập trung, mạnh mẽ và rõ ràng hơn trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Do đó, chương trình này vẫn cần phải tiếp tục được hoàn thiện, sửa đổi. Trong tiến trình đó, việc học hỏi từ quốc tế là quan trọng.

Trở lại với câu chuyện của Nhật Bản, những nội dung liên quan giáo dục công dân được tiến hành ở bậc tiểu học thông qua các môn học như "Nghiên cứu xã hội" (Xã hội), "Đời sống", "Đạo đức". Đến bậc học trung học cơ sở, môn "Công dân" chính thức có mặt và là một phân môn nằm trong môn "Nghiên cứu xã hội" và có quan hệ mật thiết với hai phân môn khác của môn này là Lịch sử và Địa lý. Đến bậc học THPT, "Công dân" trở thành một môn học và được chia thành các phân môn như "Kinh tế - Chính trị", "Luân lý", "Xã hội hiện đại" để học sinh có thể tự chọn một trong số đó để học.

Đối với Việt Nam, giáo dục công dân cũng được thực hiện từ tiểu học tới trung học phổ thông với cấp độ tăng dần từ các nội dung, được lồng ghép phối hợp trong môn "Đạo đức" và được thực hiện như một môn học độc lập từ THCS trở đi. Thời lượng dành cho môn học này cơ bản là… một tiết/tuần, nhưng điều đáng nói không phải là số lượng mà là chất lượng giảng dạy.

Chúng ta có thể tham khảo, tiếp thu cách thức mà các nhà giáo dục Nhật Bản đã lựa chọn làm điểm nổi bật trong chương trình giáo dục công dân của nước này. Đó là chú trọng đến các trải nghiệm của học sinh trong đời sống thực tế ở gia đình, địa phương, lấy đó làm điểm xuất phát để xây dựng chương trình và nội dung giáo dục trong thực tiễn. Trong các môn học như "Nghiên cứu xã hội", "Xã hội hiện đại", các vấn đề mà học sinh đối mặt trong thực tế như "bắt nạt", "tự sát", "ngại tiếp xúc với xã hội", "cô độc"… trở thành nội dung học tập và thảo luận. Các vấn đề của xã hội địa phương như "già hóa dân số", "ô nhiễm môi trường", "phúc lợi"… cũng được chú ý.

Nếu tiến hành theo phương thức này, người giáo viên cần phải chủ động nhiều hơn trong việc biên soạn và tiến hành các nội dung "giáo dục trong thực tiễn". Các trải nghiệm, những vấn đề mà học sinh đang đối mặt trong cuộc sống ở gia đình, xã hội địa phương cần phải trở thành xuất phát điểm để học sinh phát hiện, đào sâu, nghiên cứu chúng, điều tra, thảo luận, hợp tác giải quyết chúng trong tư cách là "công dân". Phương thức học tập phù hợp sẽ không phải là thụ động ngồi nghe giảng hay chỉ đọc sách giáo khoa, thảo luận, phát biểu ý kiến thuần túy, mà sẽ phải thông qua các hoạt động như điều tra thực tiễn (quan sát, phỏng vấn, điều tra bằng bảng hỏi, làm các phóng sự), xây dựng các sản phẩm truyền thông (clip, bài báo, áp-phích, kiến nghị, thư ngỏ…), tiến hành hoạt động công dân (vận động gia đình, người dân địa phương tham gia các dự án công ích, dự án phục vụ cộng đồng…). Nói một cách ngắn gọn, môn học giáo dục công dân phải tạo ra môi trường thuận lợi nhất để học sinh được trải nghiệm làm người công dân hiện đại, ở ngay trong trường học.