Bổ sung kịch bản ứng phó thiên tai cực đoan, dị thường

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, năm 2022 được dự báo sẽ có những diễn biến thời tiết hết sức phức tạp và có nhiều yếu tố dị thường, trái quy luật, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng chủ động trong ứng phó và nâng cao năng lực dự báo nhằm giảm thiệt hại.

Đợt mưa lũ bất thường vừa qua gây sạt lở đường ở xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi. Ảnh: PHẠM ANH
Đợt mưa lũ bất thường vừa qua gây sạt lở đường ở xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi. Ảnh: PHẠM ANH

Nhiều hình thái thời tiết dị thường

Sự dị thường của thời tiết năm nay được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai dẫn chứng, thể hiện trong đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo giông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa ngày 30/3-2/4 vừa qua. Theo thống kê 10 năm gần đây, đây là đợt mưa lớn trái mùa hiếm gặp gây ngập lụt diện rộng ở khu vực Nam Trung Bộ. Đặc biệt, đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19/2-24/2 tại các tỉnh miền bắc, nhiệt độ giảm sâu, một số nơi xuống tới âm 1,4 độ C, trở thành đợt không khí lạnh mạnh nhất trong 40 năm so cùng kỳ gần đây. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng (gần bằng nửa thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ tháng 5-11 năm nay có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Trong đó, khoảng 4-6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Mùa mưa năm nay cũng được dự báo sẽ bắt đầu sớm hơn ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong đó, Bắc Bộ có mưa nhiều, cao hơn lượng mưa trung bình nhiều năm và đề phòng các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra từ khoảng tháng 6-8. Các tỉnh Trung Bộ khả năng sẽ xuất hiện các đợt mưa lớn gây lũ và ngập lụt xảy ra trong các tháng 10, 11.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tác động của biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng lên. Cập nhật nhận định từ các cơ quan khí tượng quốc tế, chuẩn sai nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2022 được dự báo tiếp tục tăng, từ 0,97 độ C đến 1,21 độ C so giá trị trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Năm 2022 có thể là năm thứ tám liên tiếp có nhiệt độ đã vượt quá 1 độ C so nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp.

Thống kê vừa qua cho thấy, năm 2022 cũng ghi nhận mùa bão đến sớm trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương. Theo ông Khiêm, hiện tượng ENSO đang ở trạng thái La Nina (pha lạnh) và dự báo còn tiếp tục duy trì đến hết mùa hè năm 2022 với xác suất 65-70%. Dự báo của các mô hình toàn cầu, La Nina thậm chí kéo dài đến mùa thu nhưng với xác suất thấp hơn, 50-55%. Đây được xem là chu kỳ ảnh hưởng kéo dài của hiện tượng La Nina, khá giống với giai đoạn 2010-2012.

Từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, bên cạnh những việc làm được, công tác phòng chống thiên tai vẫn còn một số khiếm khuyết, để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn. Việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ", nhất là xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở một số nơi còn mang tính hình thức. Khả năng ứng phó tình huống thiên tai lớn còn hạn chế, bị động, lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, năm 2021 và đầu năm 2022, khi mưa lũ dồn dập, công tác vận hành, điều tiết lũ hồ chứa và sự phối hợp giữa các địa phương còn tồn tại nhiều bất cập. Nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu, mới đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu thực tế của các địa phương.

Trước tình hình thiên tai diễn ra ngày càng dị thường và không theo quy luật, với quan điểm phòng, chống thiên tai thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ", đại diện Bộ Công thương cho biết, một số nội dung về quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa thủy điện tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP đang phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi theo hướng: Giao cho các chủ sở hữu công trình trực tiếp kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện kiểm tra công tác kiểm tra đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của các chủ hồ. Cùng với đó, phân giao việc xây dựng bản đồ ngập lụt rõ ràng hơn nữa đối với đơn vị chủ trì, nguồn kinh phí để thuận tiện triển khai thực hiện. Đồng thời, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ - Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình vận hành liên hồ chứa cho phù hợp điều kiện, tình hình thực tế; chỉ đạo các UBND tỉnh có công trình hồ chứa trên cùng một lưu vực sông liên tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ để việc điều tiết lũ các hồ chứa thủy điện bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.

Chuyển dịch từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, trang thiết bị để huy động ứng phó các tình huống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", nhất là với bão mạnh, lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao năng lực của lực lượng phản ứng nhanh tại chỗ, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp ngay từ giờ đầu trước khi có lực lượng bên ngoài tiếp cận. Việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ phòng, chống thiên tai cấp huyện và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai là rất cần thiết. Cùng đó, các tỉnh, thành phố nghiên cứu, chỉ đạo và hoàn thiện mô hình hoạt động của Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã và trách nhiệm của các cấp trong tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.