Kỷ niệm 60 năm Ðường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021)

Biểu tượng của ý chí, khát vọng thống nhất Tổ quốc

60 năm trước, ngày 23/10/1961, Ðoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) được thành lập, đánh dấu sự ra đời của tuyến đường huyền thoại để chi viện cho Cách mạng miền nam mang tên Ðường Hồ Chí Minh trên biển. Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Ðại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long (ảnh bên) - nguyên Phó Viện trưởng Lịch sử quân sự Việt Nam, về tầm vóc và những thông điệp trường tồn của hải trình kỳ vĩ ấy.

Sơ đồ tuyến Ðường Hồ Chí Minh trên biển
Sơ đồ tuyến Ðường Hồ Chí Minh trên biển

- Thưa ông, vì sao Trung ương Ðảng lại quyết định mở Ðường Hồ Chí Minh trên biển?

Biểu tượng của ý chí, khát vọng thống nhất Tổ quốc -0

- Trước hết cần phải khẳng định rằng, quyết định mở tuyến vận tải quân sự bằng đường biển và quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết định táo bạo đó là một quyết sách đúng đắn và sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh và tài thao lược của Ðảng ta. Có thể nói, khi mà tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ chưa thể vươn tới các chiến trường ở xa và nằm sâu trong vùng địch kiểm soát thì quyết định mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển là kịp thời và chính xác, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc chiến tranh cách mạng ở miền nam lúc bấy giờ.

Ðoàn 759 được giao việc chuẩn bị phương tiện, bảo đảm kỹ thuật, công tác bảo mật, xây dựng kế hoạch và tổ chức cho tàu vượt biển đưa hàng vào nam. Việc khảo sát, thăm dò địa điểm lập bến cũng như đưa hàng từ các bến đến tận chiến trường được giao cho các tỉnh ở ven biển miền nam triển khai thực hiện.

Chỉ tính riêng trong những năm 1961 - 1964, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã thực hiện thành công 88 chuyến, vận chuyển được 4.719 tấn vũ khí vào các chiến trường. Cùng khoảng thời gian đó, đường Hồ Chí Minh trên bộ chỉ vận chuyển được 2.912 tấn, trong khi phải huy động tới hơn 12.000 người hành quân mất hàng tháng trời mới vào tới nơi. Ðưa ra vài con số so sánh như vậy để thấy rằng quyết định mở tuyến chi viện bằng đường biển là một quyết định cần thiết và sáng suốt. Nó vừa bảo đảm được yếu tố bí mật, hạn chế được thiệt hại; vừa tiết kiệm được thời gian và nhân lực vận chuyển, hàng lại đến được tận những chiến trường xa xôi nhất của đất nước.

- Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Ðường Hồ Chí Minh trên biển cũng là một mặt trận nóng bỏng, nơi thử thách bản lĩnh, trí tuệ và lòng quả cảm của con người Việt Nam?

- Nói đến Ðường Hồ Chí Minh trên biển trước hết phải nói đến những thủy thủ đoàn của những "con tàu không số". Với họ, mỗi một hải trình đưa vũ khí vào nam là một cuộc thử thách trí thông minh, bản lĩnh và lòng quả cảm. Trong suốt hải trình lênh đênh trên biển, họ không chỉ thường xuyên phải đối mặt với sự phong tỏa và truy lùng, khám xét của máy bay và tàu chiến địch, phải trải qua những cuộc đấu trí căng thẳng và sẵn sàng chấp nhận hy sinh, mà còn phải vượt qua điều kiện thời tiết trên biển khắc nghiệt. Ðặc biệt là kể từ sau "Sự kiện Vũng Rô", khi yếu tố bí mật của tuyến đường không còn, cán bộ, chiến sĩ trên những "con tàu không số" đã nghĩ ra nhiều ý tưởng táo bạo, cải tiến phương tiện, điều chỉnh hải trình. Nhiều chuyến tàu được cải trang, cải dạng thành tàu buôn, tàu đánh cá nước ngoài, tàu chuyên chở hàng nông sản của dân địa phương, tàu của Quân đội Sài Gòn... Hải trình của các chuyến cũng được thay đổi, chọc thẳng ra vùng biển quốc tế rồi chạy dọc ven lãnh hải của các nước Philippines, Malaysia, Indonesia, vòng vào vịnh Thái Lan, sau đó mới quặt về Cà Mau để xuống hàng… Ðối với các chuyến ở Khu 5 thì đi ra hải phận quốc tế, chọn thời cơ thuận lợi chạy thẳng vào gần bờ biển bãi ngang thả hàng xuống rồi quay ra luôn trong đêm. Lực lượng từ trong bến sẽ ra vớt hàng đưa vào bờ. Có thời kỳ, thông qua kênh ngoại giao, một số tàu phải cập cảng Sihanoukville của Campuchia để xuống hàng, rồi từ đó trung chuyển về Tây Nam Bộ qua tuyến đường giao liên 1C.

Giữa biển cả mênh mông, những thủy thủ luôn phải sẵn sàng với các tình huống đụng máy bay hay tàu chiến địch cũng không có chỗ trú ẩn. Trong số hàng trăm chuyến xuất bến đã có không ít chuyến không đến được tới đích, nhiều thủy thủ đoàn đã phải chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, kiên quyết không để tàu và hàng rơi vào tay địch; một số cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng nằm lại cùng xác con tàu thân yêu của mình, những người còn sống nhờ nhân dân địa phương che chở, đùm bọc rồi lặn lội vượt Trường Sơn tìm đường ra bắc để đi chuyến mới, trong số đó có thể kể đến như: Tàu 143 (bến Vũng Rô tháng 2/1965), Tàu 41 (bến Ðức Phổ tháng 11/1966), Tàu 43 (bến Sa Kỳ tháng 3/1967), Tàu 198 (bến Ba Làng An - Quảng Ngãi tháng 7/1967), Tàu 165 (bến Vàm Lũng - Cà Mau tháng 2/1968), Tàu 43 (bến Ba Làng An tháng 2/1968), Tàu 235 (bến Hòn Hèo tháng 2/1968)... Khó có thể nói hết sự thông minh, mưu trí, can trường và bản lĩnh cũng như sự hy sinh cao cả của các thủy thủ đoàn trên những con tàu vượt biển đưa hàng vào nam. Chính kẻ địch cũng phải thừa nhận "trên những con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập, tiếp tế cho Mặt trận giải phóng, Việt Cộng rất gan góc và thiện chiến. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại một dấu vết" (1).

- Phải chăng sẽ là không đầy đủ khi nói đến Ðường Hồ Chí Minh trên biển mà không nhắc đến những cán bộ, chiến sĩ, người dân hoạt động thầm lặng tại các "bến tiếp nhận" và trung chuyển hàng tới tận các chiến trường, thưa ông?

- Ðúng vậy. Nếu không có những con người làm công việc thầm lặng tiếp nhận, bảo vệ và cất giữ hàng hóa rồi trung chuyển đến tận các chiến trường thì sự thành công của những chuyến tàu khó mà trọn vẹn, thậm chí thất bại. Họ được xem như "những cánh tay nối dài" của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Họ là những người lo chuẩn bị hàng hóa, phương tiện cho các chuyến tàu; là những cán bộ, chiến sĩ trung chuyển hàng hóa của Ðoàn 962; là những thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C...; là những người làm nhiệm vụ tiếp nhận tại các bến: Vàm Lũng, Kiến Vàng, Rạch Gốc, Bồ Ðề, Cái Bầu... (Cà Mau), Rạch Cỏ, La Ghi, Phước Thiện, Hồ Tàu, Khâu Lầu, Láng Nước (Trà Vinh), Cồn Rừng, Khâu Băng, Eo Lói, Cồn Tra, Cồn Ðiệp, Thừa Ðức, Thới Thuận (Bến Tre), Lộc An (Bà Rịa), Hòn Hèo (Khánh Hòa), Vũng Rô (Phú Yên), Lộ Giao (Bình Ðịnh), Ðạm Thủy, Ba Làng An, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Hố Chuối, Bình Ðào (Quảng Nam)...

- Nếu cần một đánh giá khái quát về tầm vóc, vị trí của Ðường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, ông sẽ nói gì?

- Ðường Hồ Chí Minh trên biển là một kỳ công chiến lược, một hiện tượng kỳ lạ vượt khỏi sự tưởng tượng của không ít người. Chính người Mỹ cũng đã phải thừa nhận: "Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhận thấy số lượng vũ khí rất lớn mà Việt Cộng đang sử dụng được vận chuyển bằng đường biển. Nhưng sự triệt hạ con đường đó là vô cùng khó khăn" (2).

Trong suốt 14 năm tồn tại, vượt qua những thử thách khốc liệt, có những thời điểm tưởng như đứt gãy, song bằng ý chí và nghị lực phi thường, trên tuyến đường này ta đã vận chuyển vào các chiến trường ở miền nam 152.876 tấn vũ khí và hàng hóa các loại; đưa đón hơn 80.026 lượt cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt trong đó có nhiều cán bộ cao cấp của Ðảng và Quân đội.

Ðường Hồ Chí Minh trên biển cho thấy nhãn quan nhạy bén, sắc sảo của Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự sáng tạo trong tổ chức, sử dụng hợp lý và hiệu quả các phương thức vận chuyển; sự phát huy cao độ nhân tố con người với bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh, sự mưu trí và lòng quả cảm hiếm có của những con người hoạt động trên tuyến. Ðường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến đường kết nối giữa hậu phương lớn miền bắc với tiền tuyến miền nam, là một biểu tượng của ý chí, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc của toàn thể dân tộc Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Từ năm 1961 đến tháng 4/1975, Ðoàn 759/125 đã vận chuyển vào nam 44.324 tấn vũ khí và hàng hóa. Riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 có 143 chuyến, chở 8.741 tấn vũ khí hạng nặng, đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ vượt 65.721 hải lý.

----------------------

(1) Tài liệu địch. Phông số 2.Hồ sơ 25, Trung tâm thông tin. TTXVN.
(2) Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ. Phông 34. Hồ sơ 106. Lưu trữ Văn phòng T.ƯÐ.

PHƯƠNG THẢO (thực hiện)