Băn khoăn ngành học mới!

Thực hiện quyền tự chủ theo Luật Giáo dục đại học hiện hành nhằm thu hút người học, gần đây, không ít cơ sở đào tạo đã mở thêm nhiều ngành học mới. Vấn đề đặt ra là, liệu những ngành mới ra đời ấy liệu có đồng bộ với điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo? Và bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát, giám sát, tự chịu trách nhiệm của các nhà trường sẽ được thực hiện ra sao?

Nhiều cơ sở đào tạo ngày càng ý thức về thực học, thực nghiệp. Trong ảnh: Học viên thực hành học nghề tại Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hutech
Nhiều cơ sở đào tạo ngày càng ý thức về thực học, thực nghiệp. Trong ảnh: Học viên thực hành học nghề tại Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hutech

"Trăm hoa đua nở"

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay vẫn còn đang diễn ra ở nhiều trường, nhất là tại các tỉnh phía nam. Đáng chú ý, nhiều trường đã công bố mở thêm các ngành học mới, như: Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh mở thêm ngành Kinh doanh nông nghiệp, Bất động sản, Luật kinh tế, Kiến trúc đô thị,...; Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh cũng mở các ngành mới: Quản lý công, Công nghệ thực phẩm, Ngôn ngữ Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, một số trường ngoài công lập cũng bổ sung ngành: Trường đại học Văn Lang mở ngành Y khoa và Y học cổ truyền; Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh mở thêm hai ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học và Điều dưỡng; Trường đại học Gia Định và Trường đại học Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh có thêm năm ngành học mới. Hay như trường tư thục có số ngành mới mở nhiều nhất - Trường đại học Hoa Sen - mở 11 ngành học mới. Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng mở tới 16 ngành mới,...

Trong số đó, các ngành: Kinh doanh nông nghiệp, Kinh tế thể thao, Trí tuệ nhân tạo, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng (Truyền thông kỹ thuật số)... là những ngành được dự báo sẽ cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai. Tuy thế, dư luận còn không ít băn khoăn về những chuyên ngành được mở mới mang tính đặc thù cao, như ở lĩnh vực y - dược với những yêu cầu khắt khe trong đào tạo.

Việc nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước mở thêm nhiều ngành mới, bước đầu cho thấy các trường đã ý thức tốt về quyền tự chủ, đồng thời thể hiện sự đa dạng hóa dịch vụ đào tạo, từ đó tạo thêm sức ép cạnh tranh để mỗi cơ sở đào tạo tự đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, chuyện ồ ạt mở thêm các ngành mới khi chưa sẵn sàng về nguồn nhân lực giảng dạy và cơ sở vật chất, chưa bảo đảm các quy định hoặc không đủ số lượng sinh viên để tổ chức lớp có thể dẫn đến chất lượng đào tạo không cao, gây hệ lụy cho cả người học và xã hội.

GS, TS Phạm Tất Dong - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực khuyến nghị: "Các trường cần hết sức cân nhắc, không nên mở ngành đào tạo nếu chất lượng đào tạo không bảo đảm, bởi những ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và quy hoạch ngành nghề là rất lớn và kéo dài. Nếu như mở ra các mã ngành khác chuyên môn truyền thống của mình thì chắc chắn là không thể có sự đầu tư như mong muốn được, cũng không thể mời được các chuyên gia giỏi nhất của ngành muốn đào tạo".

Siết trách nhiệm

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học - có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, cho phép các trường đại học tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu bảo đảm các điều kiện theo quy định.

Đó là điều bình thường nhằm thu hút người học và mở rộng hoạt động đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, tạo thêm nguồn thu cho các nhà trường. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các ngành mới mở liệu có thật sự bảo đảm chất lượng hay không!? Việc quá "linh hoạt" trong mở ngành, có trường chỉ chuyên đào tạo các ngành kỹ thuật thì nay lại mở ngành kinh tế, hay trường chuyên đào tạo kinh tế lại mở cả ngành y, rồi đào tạo cả giáo viên mầm non,... gây không ít băn khoăn cho thí sinh trong lựa chọn ngành nghề.

Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, "việc các trường đại học mở thêm nhiều ngành mới không phải là vấn đề đáng lo ngại. Quan trọng phải là kiểm soát chất lượng chương trình, đội ngũ giảng viên đủ trình độ và điều kiện thực hiện đào tạo. Điều chỉnh như thế nào thì cũng phải bảo đảm chất lượng. Muốn bảo đảm trường mở ngành mới mà trước đây chưa có thì phải xem xét chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, phát triển các chương trình đào tạo ra sao. Điều này quyết định chất lượng của nguồn nhân lực, nếu khâu chuẩn bị không tốt thì khó bảo đảm đầu ra tốt được, ảnh hưởng đến chất lượng lao động".

Còn PGS, TS Lê Văn Thanh - nguyên Viện trưởng Viện đại học Mở Hà Nội, chuyên gia tuyển sinh cảnh báo: "Nếu các trường ồ ạt mở ngành mới, sau một thời gian sẽ khiến thị trường nhân lực bị bão hòa. Đây cũng là điều cần phải tính đến, tính sớm vì sẽ ảnh hưởng đến không chỉ nhà trường mà cả người học, gây hậu quả lâu dài". Song song với việc bảo đảm thực hiện quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo, ngành giáo dục cần có thêm những quy chế, quy định, siết trách nhiệm nhà trường, đồng thời tăng cường vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. "Mặc dù các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí để trường đại học mở các ngành, chuyên ngành mới hiện nay là rất chặt chẽ nhưng vẫn cần phải siết chặt, tăng cường kiểm tra hơn nữa" - PGS, TS Lê Văn Thanh nhấn mạnh.