Áo blouse kiên cường nơi tâm dịch

Ðợt dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Phía sau con số những ca bệnh luôn là cuộc chạy đua thần tốc dập dịch bằng mọi giá, với lòng dũng cảm và sự hy sinh thầm lặng, kiên cường của đội ngũ y, bác sĩ trong sứ mệnh ở tuyến đầu.

Nhóm nhân viên y tế tại khu cách ly ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh tranh thủ nghỉ ngơi sau nhiều giờ làm việc. Ảnh: Cao Tuân
Nhóm nhân viên y tế tại khu cách ly ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh tranh thủ nghỉ ngơi sau nhiều giờ làm việc. Ảnh: Cao Tuân

Trắng đêm, chưa biết ngày về

Một ngày làm việc liên tục từ 18 đến 20 giờ là những điều chúng tôi mắt thấy tai nghe khi tiếp xúc với các cán bộ y tế huyện Việt Yên - tâm dịch của tỉnh Bắc Giang và cả nước. Ðược phân công phụ trách lĩnh vực truy vết, DS Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên ngày nào cũng làm việc từ sáng tinh mơ đến đêm muộn. Chị bộc bạch, từ hôm địa phương có ca dương tính ở khu công nghiệp, đêm nào ngủ nhiều cũng chỉ được ba tiếng. Gọi là ngủ chứ nằm xuống chị vẫn phải cầm điện thoại xem lại các báo cáo, số liệu từ cơ quan chuyên môn và các địa phương… Chỉ riêng công việc báo cáo các ca bệnh, truy vết các trường hợp tiếp xúc trên địa bàn mà ba người làm không xuể. “Công việc cứ quay cuồng. Ðiện thoại cấp trên chỉ đạo liên tục, nhiều lúc nghe ca bệnh tăng thêm từng ngày mà tim đập mạnh, lồng ngực như muốn vỡ ra. Có khi thêm ca dương tính mới, cấp trên gọi giục báo cáo, tôi vừa khóc vừa làm”, chị Kim Anh lạc giọng nói.

Với cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Việt Yên, từ hôm đợt dịch ập đến, hằng ngày lúc chuông điểm 5 giờ sáng, mọi người đã có mặt, từng lớp áo bảo hộ, khẩu trang, tấm chắn che mặt... được mang lên người một cách cẩn thận. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng mình đang bước vào một trận chiến thật sự. Bác sĩ Hoàng Văn Luận, Khoa Xét nghiệm - Trung tâm Y tế Việt Yên cho biết, không ít y, bác sĩ sụt vài ki-lô-gam do ăn uống thất thường, ngủ ít, thường xuyên làm việc với cường độ cao. Là Trưởng khoa Xét nghiệm nên từ khi có dịch, cứ thêm các ca dương tính, anh lại cùng các cán bộ của trung tâm chuẩn bị máy móc, phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, bình phun, đồ bảo hộ… lên đường thực hiện nhiệm vụ. Bác sĩ Luận kể, như đêm 15-5, các cán bộ trong Khoa Xét nghiệm đi lấy mẫu ở Khu công nghiệp (KCN) đến tận 23 giờ mới xong. Hôm sau, chủ nhật nắng gắt, mọi người vẫn trong trang phục bảo hộ, làm việc liên tục nhiều giờ liền.

Bắc Giang hiện đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng đối với bốn huyện, trong đó huyện Việt Yên và một phần huyện Yên Dũng là nguy cơ cao nhất - ba xã đã cách ly theo Chỉ thị 16 từ đêm 17-5. Các chuyên gia đánh giá, trong thời gian tới Bắc Giang vẫn đối mặt tình trạng tiếp tục gia tăng ca nhiễm, vì vậy tỉnh đang xây dựng kịch bản 3.000 người mắc. Ðể tiếp sức cho điểm nóng này, những ngày qua, hàng trăm chuyên gia, y, bác sĩ của Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên… đã chi viện, mang tinh thần sẵn sàng nhất, mạnh mẽ nhất để chung tay giúp Bắc Giang sớm dập dịch. 200 nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Ðiển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã tình nguyện đến giúp sức cho Bắc Giang. Ngay sau khi đến Bắc Giang, đoàn đã chia làm 10 tổ công tác để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, KCN Quang Châu (Việt Yên).

Chị Nguyễn Thị Hương (SN 1983), điều dưỡng viên Bệnh viện Việt Nam - Thụy Ðiển Uông Bí chia sẻ: “Ngày đến Bắc Giang, khi vừa đặt chân đến địa phương, đoàn chỉ có thời gian nghỉ ngơi khoảng hơn một giờ là lên đường đi lấy mẫu cho công nhân trong KCN Quang Châu. Hai đêm lên đây là hai đêm ngủ chập chờn vì đêm nào cũng phải đi lấy mẫu đến hơn 2 giờ sáng”. Hơn một năm qua, chị Hương phải gác lại mong muốn chăm sóc gia đình để phục vụ nhiệm vụ chống dịch. “Con trai lớn nhà tôi dự kiến thi lên lớp 10 vào tháng tới. Còn con nhỏ thì chuẩn bị vào lớp 1. Ngày chia tay chỉ biết động viên con ôn tốt, thi tốt để mẹ yên tâm và hoàn thành công việc”, chị Hương tâm sự. Theo chị Hương, ở những đợt dịch trước, chị cũng đã có khoảng nửa tháng (chưa kể thời gian cách ly) đến tâm dịch Ðông Triều (Quảng Ninh), còn chuyến đến Bắc Giang lần này, chị xác định chưa biết ngày về.
 

Áo blouse kiên cường nơi tâm dịch -0
 Bộ Quốc phòng triển khai hỏa tốc hai bệnh viện dã chiến tại cơ sở 2 Trường Sĩ quan Chính trị (tỉnh Bắc Ninh) và Trung đoàn 831 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NĂNG TUẤN

Hai phía của nỗi lo

Theo các chuyên gia y tế, sự khác biệt ở đợt bùng phát thứ tư này là dịch Covid-19 đã tiến công vào những “thành trì” quan trọng trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, là các cơ sở y tế và các khu, cụm công nghiệp. Tại Hà Nội, hai cơ sở y tế lớn thuộc quản lý của Bộ Y tế là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại huyện Ðông Anh và Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều tại huyện Thanh Trì đã buộc phải cách ly y tế.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện là cơ sở tiếp nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất cả nước. Từ khi bệnh viện được chỉ định là nơi điều trị Covid-19 (đầu năm 2020), các nhân viên y tế đã bước vào chế độ làm việc áp lực và không ngơi nghỉ, hy sinh cả thời gian dành cho gia đình, người thân. Bác sĩ Phạm Văn Phúc là một trong số các bác sĩ đang điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện cho biết: “Chưa bao giờ bệnh viện chúng tôi tiếp nhận lượng bệnh nhân lớn như hiện nay, bao gồm các ca nặng tại các tỉnh phía bắc. Vì thế, việc bố trí nhân lực cũng như có các phương án điều trị tối ưu cho các ca bệnh nặng là vấn đề khó, nhưng chúng tôi vẫn luôn nỗ lực hoàn thành, vì sức khỏe và sinh mạng người bệnh”.

Theo Bác sĩ Phúc, đợt dịch này với lượng bệnh nhân lớn, nhiều ca mắc Covid-19 có bệnh nền nặng cần can thiệp và cần nhiều trang thiết bị hơn cho quá trình điều trị, do đó lực lượng bác sĩ, điều dưỡng được huy động tăng gấp ba lần so đợt dịch trước. “Ðây là lần thứ tư chúng tôi “trực chiến”, cách ly tại bệnh viện, tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nhưng đây cũng là lần nặng nề nhất mà chúng tôi tham gia. Lần này cả bệnh viện cách ly y tế. Ngay trong bệnh viện đã có những trường hợp bị lây nhiễm. Vì thế, ngoài việc tham gia cách ly điều trị bệnh nhân, tất cả nhân viên đều có nguy cơ bị nhiễm, đều là những người có tiếp xúc với F0. Thế nên, sẵn sàng điều trị người bệnh thì cũng phải có tâm lý chính mình cũng bị lây bệnh bất cứ lúc nào”, Bác sĩ Phúc nói. Những ngày này, bác sĩ làm việc tại bệnh viện cũng được coi là F1, nên gia đình, con cái là F2, đang cách ly tại nhà. “Hết cách ly, mong mỏi lớn nhất của mỗi y, bác sĩ là được về nhà ôm con cái vào lòng”, Bác sĩ Phúc bày tỏ.

“Trong cuộc chiến không tiếng súng này, có thể chúng ta phải chịu đựng những thiệt thòi, những rủi ro, nhưng không vì thế mà chúng ta chùn bước”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhắn nhủ như vậy trong thư gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành y tế cùng đoàn kết chống dịch Covid-19. Những chiến sĩ áo trắng là những người đi trước về sau trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 cam go, dai dẳng và chưa có ngày kết thúc này. Không chỉ ngưỡng mộ, tri ân đội ngũ y tế, ý thức mỗi người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch sẽ là những phương thức chia sẻ hiệu quả và ý nghĩa nhất, trên hành trình chống dịch còn nhiều nỗi gian nan.                  

Áo blouse kiên cường nơi tâm dịch -0
Lực lượng chức năng làm việc với các trường hợp F1 của bệnh nhân 2.911 tại khu tập thể ga Cổ Loa, xã Việt Hùng, huyện Ðông Anh. Ảnh: Giang Huy                                                                                                 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa quyết định tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân tại TP Hà Nội gồm: Nhân dân và cán bộ huyện Ðông Anh; Trung tâm Y tế huyện Ðông Anh; Nhân dân và cán bộ thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Ðông Anh, thành phố Hà Nội và bốn cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19. Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, huyện Ðông Anh, TP Hà Nội đã linh hoạt chuyển từ trạng thái phòng ngự là chính sang kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tiến công, lấy tiến công là chính để dập tắt dịch bệnh, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 45. Khoanh vùng ổ dịch “ba lớp” đó là: Lớp lõi có dịch giãn cách theo Chỉ thị 16, lớp tiếp theo thực hiện theo Chỉ thị 15, lớp ngoài cùng theo Chỉ thị 19. Cách thức thực hiện phong tỏa “ba lớp” đã “khóa chặt” nguồn lây theo từng mức độ và giảm ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt và lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, huyện triển khai toàn bộ kịch bản ứng phó dịch bệnh ở mức cao nhất, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; thực hiện “ba trước” là “đánh giá nhận định trước”, “chuẩn bị phương án trước”, “phát hiện hành động trước” gắn với thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”.