An toàn trong nới giãn cách

Từ ngày 21/9, Hà Nội bắt đầu nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg, bỏ phân vùng và kiểm soát giấy đi đường. Chuyển sang trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh nguy cơ dịch vẫn còn, đang đòi hỏi cơ quan chức năng cần những giải pháp hợp lý nhằm sớm thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Bên trong khu tiếp đón cấp cứu của Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết
Bên trong khu tiếp đón cấp cứu của Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết

Vẫn còn nguy cơ

Trong hơn một tuần qua, số ca mắc Covid-19 mới hằng ngày của Hà Nội ghi nhận ở mức thấp, xấp xỉ 20 ca, như ngày 20/9 có chín ca. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong đợt giãn cách thứ tư, số ca mắc Covid-19 trung bình đã giảm mạnh.

Tính từ ngày 24/7, trong đợt đầu thành phố giãn cách xã hội để phòng dịch, trung bình ghi nhận 71,2 ca mắc mới/ngày, đến đợt giãn cách thứ tư chỉ còn trung bình 25-27 ca/ngày; số ca nhiễm trong cộng đồng cũng giảm mạnh, từ 35 ca/ngày xuống còn 2,7 ca/ngày. “Hà Nội cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đã kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các trường hợp nguy cơ cao”, bà Hà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dù số ca cộng đồng giảm song Hà Nội vẫn xuất hiện rải rác các chùm ca bệnh hoặc ổ dịch mới. Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, thành phố vẫn đang ở giai đoạn còn nguy cơ, và phải đặt chung trong bối cảnh với các địa phương khác, vì Hà Nội là huyết mạch giao lưu của cả nước, nguồn bệnh lây từ bên ngoài vào vẫn rất cao.

Như trường hợp một lái xe đường dài về Hà Nội xét nghiệm dương tính mới đây, hay trước đó một lái xe luồng xanh cũng gây ổ dịch hơn 50 ca F0 ở Giáp Bát, quận Hoàng Mai. “Một nguy cơ mà chúng tôi đánh giá sẽ rất khó khăn là tinh thần, tư tưởng chủ quan của một số cơ quan, người dân, như lò xo bị nén suốt mấy tháng nay, khi mở ra rất dễ quá đà trong khi nguy cơ dịch vẫn cao. Vì vậy, kết quả chống dịch có bền vững hay không phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn”, ông Phong nói.

Ngoài ra, tuy Hà Nội đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi một với 94,2% số người trên 18 tuổi, nhưng trạng thái thành phố vẫn chưa thể về “bình thường mới”, vì mũi hai mới chỉ đạt tỷ lệ 12%. Bởi Bộ Y tế quy định, muốn trở về “bình thường mới”, phải hơn 70% số người dân trên 18 tuổi tiêm mũi một và hơn 20% tiêm mũi hai. “Dự kiến giữa tháng 11, Hà Nội sẽ phủ vaccine mũi hai cho người dân, từ đó nghiên cứu việc cho học sinh trở lại trường”, ông Phong nhận định.

Giải pháp ứng phó mới

Nới lỏng một số hoạt động với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm sức khỏe cho người dân, theo ông Trương Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), thời gian tới việc xét nghiệm trên địa bàn sẽ thay đổi theo hướng thu hẹp quy mô, lấy mẫu những người có yếu tố dịch tễ, với nhóm đối tượng có nguy cơ cao như chuỗi cung ứng, người giao hàng, khu phong tỏa, khu vực nguy cơ cao, không thực hiện xét nghiệm diện rộng như thời gian qua.

Phân loại mức độ nguy cơ để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo nguyên tắc “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”. Tiếp tục rà soát tiêm vét mũi một vaccine phòng Covid-19 cho người dân từ trên 18 tuổi trở lên chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, tiêm mũi hai cho những người đã tiêm mũi một trên cơ sở số vaccine được phân, giao của Bộ Y tế. Bên cạnh, Sở Y tế Hà Nội mới đây cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập đặt cảnh báo phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh.

Ứng phó với dịch trong giai đoạn mới, theo các chuyên gia y tế, Hà Nội cần phong tỏa chặt ổ dịch ở những khu vực nào còn F0. Phát huy vai trò giám sát của tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, khu tập thể… để tránh tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”. Bởi người dân trong khu vực phong tỏa là những đối tượng nguy cơ cao nhiễm bệnh, nếu không kiểm soát tốt việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sẽ làm tăng số lượng F0, lan truyền dịch ra ngoài khu vực phong tỏa.

Hà Nội cũng cần truyền thông mạnh mẽ hơn để người dân khai báo sớm khi có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 và xét nghiệm ngay cho nhóm này. Ngành y tế cần tăng cường hệ thống giám sát chủ động các trường hợp ho sốt, từ trạm y tế tới các phòng khám và bệnh viện.

Một chuyên gia bày tỏ quan điểm rằng, khi đã xác định sống thích ứng an toàn với Covid-19 thì Hà Nội nên sớm triển khai hình thức cách ly, theo dõi y tế tại nhà và không nên kéo dài thời hạn cách ly quá hai tuần. Việc cách ly tại nhà sẽ giúp giảm áp lực cho lực lượng y tế, phát huy được vai trò của hệ thống chính quyền cơ sở, y tế cơ sở và quan trọng nhất là giảm tâm lý lo lắng cho người dân.

Thành phố chỉ nên cách ly tập trung F1, điều trị F0 không triệu chứng hoặc có biểu hiện bệnh nhẹ tại cơ sở điều trị đối với những trường hợp không đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà như Bộ Y tế đã hướng dẫn. “Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới hay chính tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, việc triển khai cách ly, điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà là giải pháp ứng phó hiệu quả khi dịch bùng phát mạnh. Sớm triển khai cách ly tại nhà sẽ giúp Hà Nội có đầy đủ kinh nghiệm để chuẩn bị cho tình huống khó lường của dịch bệnh”, vị chuyên gia nói.

Cùng đó 5K vẫn là chiến lược phòng ngừa quan trọng và còn phải áp dụng lâu dài, càng cần thực hiện nghiêm khi Hà Nội đã dỡ bỏ giãn cách và ở trong tình hình “bình thường mới”. Điều này đòi hỏi mỗi người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Các cửa hàng, dịch vụ được phép hoạt động trở lại phải có trách nhiệm, bảo đảm khoảng cách, không để tập trung đông người. Và cần tăng cường sự giám sát của mỗi người dân, với trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch phải xử phạt nghiêm minh.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin: Từ nay đến ngày 30/9, Bộ Y tế chưa có kế hoạch rút lực lượng chi viện đang tham gia điều trị tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Sau ngày 30/9, các bệnh viện tuyến trung ương sẽ không rút ngay mà sẽ là song song, gối đầu, bảo đảm điều trị cho bệnh nhân hiện có. Bộ Y tế cũng đang tăng cường xây dựng hệ thống y tế cơ sở, cũng như các hệ thống điều trị nhằm tăng cường nhân lực, năng lực cho ngành y tế TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.