Ám ảnh tai nạn giao thông đường sắt

Thời gian vừa qua, tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt có chiều hướng gia tăng báo động, không chỉ gây thiệt hại về người, tiền của mà còn gây bất ổn cho xã hội. Điều đáng nói, dù có nhiều biện pháp giảm thiểu, song hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Vấn đề cấp bách hiện nay, ngành đường sắt và các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ để đưa ra những giải pháp phù hợp, nhất là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần sớm xây dựng, hoàn thiện đề án chung để giảm thiểu TNGT.

Đường ngang được mở ra không có rào chắn, người gác dẫn đến những vụ tai nạn đường sắt ở khu phố 3, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa (Đồng Nai).
Đường ngang được mở ra không có rào chắn, người gác dẫn đến những vụ tai nạn đường sắt ở khu phố 3, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa (Đồng Nai).

Kỳ I: Những “điểm đen” tử thần

Ý thức người dân sống cạnh đường sắt và nhất là người tham gia giao thông đi qua đường ngang chưa cao, bất cẩn; các đường ngang không đủ rộng, hệ thống cảnh giới, cảnh báo lạc hậu… Tất thảy là những nguy cơ dẫn đến các vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng, thương tâm.

Nỗi đau chưa nguôi

Đến giờ, những người dân chứng kiến vụ TNGT đường sắt xảy ra vào ngày 4-2 tại thị trấn Gôi (Vụ Bản, Nam Định) vẫn chưa hết bàng hoàng. Vào thời gian khoảng 15 giờ 30 phút, đoàn tàu Thống Nhất TN1 đi đến Km 98 + 800 khu gian Trình Xuyên - Núi Gôi đã đâm vào xe ô-tô du lịch loại 16 chỗ làm cho hai người tử vong và năm người bị thương. Chiếc ô-tô bị hất văng xa cả chục mét, đầu xe bẹp dúm. Ông Nguyễn Hữu Lợi, người dân sống cạnh đường dân sinh cho biết: “Dù đã có biển cảnh báo nhưng lái xe không quan sát tàu hỏa nên đã cho xe quay đầu ngay đường ngang nên đã bị tàu đâm. Nhìn cảnh chiếc xe lộn mấy vòng, rồi người chết, người bị thương thật ám ảnh”.

Cũng bàng hoàng không chỉ với hành khách, mà cả người dân khi chứng kiến vụ tai nạn lật tàu SE2 tại khu vực Lăng Cô - Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế) vào ngày 20-2. Một số nhân chứng nhớ lại: Do chiếc ô-tô tải chở đá cố tình vượt qua đường sắt khi tàu SE2 đang lao tới. Va chạm quá mạnh làm đầu máy SE2 đứt rời và lật nghiêng, ba toa tàu tiếp theo cũng bị trật khỏi đường ray, xe tải bị kéo lê khoảng 40 m văng xuống cạnh đường ray, hư hỏng nặng. Vụ tai nạn làm ba người chết tại chỗ, bốn người bị thương, chi phí cứu nạn và sửa chữa tốn kém hàng chục tỷ đồng.

Trở lại xã Văn Bình (Thường Tín, Hà Nội), nơi vụ tai nạn đã xảy ra cách đây hơn năm tháng, nỗi đau và sự ám ảnh vẫn chưa nguôi ngoai cho gia đình nạn nhân, người gác chắn và người dân quanh khu vực. Nhân viên trực gác Nguyễn Hữu Dư cho biết: Cung đường này năm nào cũng có tai nạn thương tâm xảy ra. Hôm đó tôi nhớ như in ngày 24-10-2016, chiếc xe ô-tô hiệu Honda CRV chở theo bảy người trên xe chạy trên QL 1A đang cố gắng băng qua đoạn đường sắt thuộc thôn Văn Giáp đã bị tàu hỏa đâm khiến năm người chết và hai người khác bị thương nặng…

Theo lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an), nguyên nhân các vụ tai nạn đường sắt xảy ra ngày càng tăng chủ yếu là do thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đi qua đường ngang đã dẫn đến các vụ tai nạn đáng tiếc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo số liệu thống kê, hiện nay lưu lượng mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu chạy trên tuyến bắc-nam, trong khi hiệu suất an toàn thấp, nhất là đường ngang cắt qua đường sắt quá nhiều, dẫn đến hàng trăm vụ TNGT mỗi năm. Tính riêng quý I-2017 đã xảy ra 97 vụ, làm 50 người chết, 57 người bị thương… Điều đáng lo ngại hơn, các vụ TNGT đường sắt có diễn biến khá phức tạp, tăng cả ba tiêu chí, gây bức xúc trong dư luận.

Sống chung với… nguy hiểm

Tình trạng người dân thiếu ý thức như trồng rau, cho con nhỏ ăn cơm, phơi quần áo… diễn ra ở hai bên đường sắt vốn dành riêng cho tàu hỏa chạy hoạt động đã, đang gây nguy hiểm đến tính mạng cũng như an toàn giao thông. Đáng lo hơn, tại các tuyến đường sắt chạy song song với QL 1 từ khu vực ga Văn Điển, ga Tía, ga thị trấn Phú Xuyên, người dân tổ chức lao động, sinh hoạt ngay bên cạnh đường sắt. Trong đó nhiều đoạn, người dân tự ý xé rào sắt mở đường ngang, có hộ bắc cầu gỗ qua đường sắt và rào chắn để vận chuyển đồ đạc, buôn bán.

Mới đây theo chân lái tàu Nguyễn Cảnh Dương (Xí nghiệp đầu máy Hà Nội) đi từ ga Hàng Cỏ về Nam Định, phóng viên đã ghi nhận không ít “khoảnh khắc chết”… hụt khi chính người dân sinh sống hai bên đường sắt vẫn vô tư “đùa giỡn” khi tàu chạy qua. Anh Dương cho biết: Nhiều vụ tai nạn do trẻ em và thanh niên nghịch dại, một số do bất cẩn, chủ quan. Có trường hợp mới đây, từ xa tôi nhìn thấy và đã kéo còi, nhưng khi tàu chạy tới nơi thì người bố mới kéo đứa trẻ ngồi chơi ở trên đường ray ra. Thật đứng tim! “Nhiều lái tàu đôi khi rơi vào tình huống bất khả kháng và vô cùng “ám ảnh” khi phát hiện có người trên đường ray, dù đã kéo còi, thao tác phanh khẩn cấp để giảm tốc độ, nhưng vẫn không cứu vãn được tình thế - anh Dương nhấn mạnh.

Tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương, nơi có đường sắt đi qua, chúng tôi ghi nhận một thực trạng đáng lo lắng hơn khi người dân đi qua gác chắn không tuân thủ gác chắn cảnh báo tự động đường sắt, nhân viên trực gác chắn. Điều đó không chỉ gây ra tai nạn, mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác, gây thiệt hại rất lớn cho ngành đường sắt. Anh Nguyễn Huy Tâm, ở nút K35+ 637 (thôn An Khoái, Phú Xuyên), tâm sự: “Không thể hiểu được khi người dân lại coi thường mạng sống mình đến vậy. Mặc dù tàu đến, chúng tôi đã kéo cần chắn, nhưng họ vẫn cố tình lách qua, thậm chí trong lúc tình thế cấp bách, chúng tôi phải để họ đâm gãy barie... Có trường hợp chúng tôi đã kéo cần, họ bắt chúng tôi nhấc lên cho họ đi, không nhấc thì bị chửi, dọa đánh”.

Ở một địa bàn khác, tuyến đường sắt bắc - nam đi qua trên địa phận Đồng Nai dài hơn 89 km, chạy qua bốn huyện Xuân Lộc, Long Khánh, Thống Nhất, Trảng Bom và TP Biên Hòa. Vì quá nhiều đường ngang, người tham gia giao thông cố tình vi phạm dù đã được cảnh báo, nhắc nhở, nhưng người dân vẫn bỏ ngoài tai dẫn đến những vụ tai nạn đường sắt thương tâm. Mới đây, ngày 27-3, trên tuyến đường sắt bắc - nam, đoạn qua phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa đã xảy ra vụ TNGT đường sắt làm một người đi xe máy bị chết. Nguyên nhân do người tham gia giao thông cố tình băng qua đường sắt, mặc dù đã được ông Vũ Viết Lập, người trực tiếp cảnh giới tại đây căng cờ báo hiệu tàu đến và được nhiều người ngăn lại... nhưng tai nạn vẫn xảy ra.

Theo lực lượng chức năng cho biết, ở mỗi điểm nút, nếu xảy ra quá hai vụ TNGT trong 5 năm, được gọi là “điểm đen”. Trong bảng theo dõi của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cả nước có hàng trăm “điểm đen” như vậy, nhưng đáng quan ngại hơn đó là “điểm đen” trong ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa được “xóa”…

Khó “bịt, đóng” đường ngang?

Là cán bộ cơ sở, ông Bùi Công Thản, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thường Tín nêu lên một thực trạng, tổng chiều dài đường sắt qua huyện là hơn 17 km. Trong đó có hơn 160 đường ngang và lối đi và chỉ có 26 đường ngang được cấp phép, 30 đường ngang không được cấp phép nhưng chưa thể xóa bỏ được. Vì sao vậy? Ông Thản trả lời: “Vì xóa là “chặn đường sống” của người dân bởi một lối mở ra sẽ có rất nhiều người dân bám vào đó sinh sống, làm ăn. Với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, người dân sống bám vào quốc lộ, bám vào đường sắt, nên việc người dân sống chung với hiểm nguy… là khó tránh khỏi!”.

Liệu có cách nào khác giảm thiểu đường ngang, tự phát không? Ông Thản cho hay, có những vị trí chúng tôi đề xuất được cấp phép và gác chắn, nhưng Bộ GTVT vẫn chưa đồng ý. Mặc dù chúng tôi đã đề xuất làm đường gom, gộp các đường ngang nhỏ vào một đường ngang lớn, nhưng cấp trên còn đang xem xét…

Tại Đồng Nai, suốt chiều dài hơn 89 km đường sắt, có 123 điểm giao cắt với đường bộ. Trong đó 57 đường ngang hợp pháp, 66 đường ngang trái phép. Các vụ TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn Đồng Nai hầu hết đều xảy ra ở những đường ngang trái phép này. Nhiều cán bộ địa phương cho rằng, để giảm thiểu thấp nhất TNGT đường sắt, một trong những khâu quan trọng là xóa đường ngang bằng cách tạo đường gom, tổ chức người gác chắn, cảnh giới; từ đó tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành kỷ cương. Tuy nhiên, nhiều nơi “kêu” không đủ nguồn lực, đành “chờ”… ngành đường sắt.

Đem những vướng mắc của địa phương gặp lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Tạ Mạnh Thắng, Trưởng ban ATGT (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR), cho biết: Hiện nay có nhiều đường ngang hẹp, thiếu tầm quan sát, không có gờ giảm tốc… Đây chính là các điểm tiềm ẩn nguy cơ rất cao về TNGT mà cơ quan chức năng thống kê chiếm 80% tổng số vụ TNGT đường sắt. Tuy vậy để giảm thiểu TNGT, tại các đường ngang lớn phải có người gác, cảnh báo. Nhưng kinh phí đầu tư cho một gác chắn, bình quân một năm phải chi 700 triệu đồng! Đó là con số khổng lồ mà ngành khó lòng kham nổi.

Ám ảnh tai nạn giao thông đường sắt ảnh 1

Vụ tai nạn giữa tàu SE2 và ô-tô tải tại đường ngang ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) khiến ba người chết, nhiều người bị thương. Ảnh: LÊ HIẾU

Năm 2016 đã xảy ra 381 vụ TNGT đường sắt, trong đó 41 vụ nghiêm trọng, làm chết 166 người, bị thương 274 người, làm bế tắc chính tuyến 656,5 giờ, làm chậm tàu 1.239 giờ, hỏng 135m đường sắt, 19 đầu máy, 17 toa xe và 269 phương tiện đường bộ.

Hiện nay cả nước có hơn 5.700 đường ngang trong đó có 1.514 đường ngang hợp pháp, và chỉ có 641 đường ngang có người gác; bình quân 1 km đường sắt có 1,85 lối giao cắt.

(Còn nữa)