"Hệ sinh thái" thuận lợi cho hoạt động thiện nguyện

Dự thảo sửa đổi Nghị định 64/2008/NÐ-CP quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện đang được Ban soạn thảo (Bộ Tài chính) tiếp thu ý kiến đóng góp để chỉnh lý. Góp ý của các chuyên gia hầu hết tập trung khuyến nghị không chỉ ở khâu quản lý, phòng, chống hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện, cứu trợ để trục lợi, mà còn đề xuất những cơ chế khuyến khích xã hội hóa hoạt động thiện nguyện.

Oxfam cấp phát xô chứa nước 80 lít kèm bộ dụng cụ vệ sinh hộ gia đình. Ảnh: Thông Hải (TTXVN)
Oxfam cấp phát xô chứa nước 80 lít kèm bộ dụng cụ vệ sinh hộ gia đình. Ảnh: Thông Hải (TTXVN)

Cần quy định cụ thể, chi tiết

Có thể thấy những hoạt động thiện nguyện do các tổ chức, cá nhân khởi xướng và tiến hành thời gian qua đã mang lại những hiệu quả đáng kể, thể hiện tinh thần "tương thân tương ái", truyền thống nhân nghĩa tốt đẹp của dân tộc ta. Song, thực tế hoạt động cũng cho thấy tồn tại không ít những bất cập cả trong quy chế, quy định và sự phối kết hợp của các thành phần liên quan. Từ đòi hỏi của thực tiễn, tháng 10-2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương xây dựng Nghị định mới, thay thế Nghị định số 64/2008/NÐ-CP. Với bản dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính xây dựng và công bố để lấy ý kiến đóng góp, nhiều phân tích cho rằng, Dự thảo đã tích hợp đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo hướng tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân thuận lợi hơn khi hoạt động thiện nguyện, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp tình hình mới.

Trước tiên, không ít kiến nghị cho rằng, khi sửa đổi Nghị định 64, có hai vấn đề pháp luật cần giải quyết, đó là: Ðiều 11, Luật Phòng, chống thiên tai 2013 quy định vận động, quyên góp, phân bổ nguồn lực từ cộng đồng… theo quy định của pháp luật; trong khi đó, Ðiều 457 và 671, Bộ luật Dân sự 2015 lại quy định, hành động thiện nguyện là quyền dân sự.

Ở góc nhìn của một chuyên gia lập pháp, đề cập tính tổng thể, thống nhất trong hệ thống pháp luật, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, các vấn đề đặt ra trong hoạt động thiện nguyện và cứu trợ không phải ít. Vấn đề là tìm cách xử lý hiệu quả. Thực tế, nhiều giải pháp lập pháp là quan trọng và cần được triển khai. "Các giải pháp lập pháp sẽ phát huy tác dụng nếu chúng phù hợp với văn hóa của người Việt. Các quy phạm pháp luật cũng chỉ thật sự có ý nghĩa khi được thực thi trong cuộc sống", TS Dũng nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Hà Nội) kiến nghị, quy định chung phải phân biệt tài trợ trực tiếp, riêng tư, có địa chỉ cụ thể; là hoạt động công khai, có tính đại chúng; quy định quyền chính đáng của các tổ chức, cá nhân, được Nhà nước khuyến khích, phối hợp và bảo trợ; quy định các quyền pháp lý và các lợi ích tinh thần, vật chất mà bên tổ chức hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối cứu trợ và bên tài trợ, đóng góp được hưởng. Ðặc biệt, cần quy định chi tiết về các mô hình tổ chức hoạt động thiện nguyện theo hướng quy định nghĩa vụ của bên tổ chức có đề án hoạt động và văn bản cam kết, đăng ký với chính quyền; công khai hóa và trách nhiệm báo cáo, giải trình. Tương tự, bên đóng góp, tài trợ có nghĩa vụ sử dụng tài sản hợp pháp của mình để đóng góp, tài trợ; bên nhận tài trợ có nghĩa vụ sử dụng các khoản đóng góp đúng mục đích của Nhà tài trợ và cam kết của cá nhân. Luật sư Lập cũng nhấn mạnh vào bên giám sát, rằng bộ phận này cũng cần thiết tham gia phối hợp, hỗ trợ, có chương trình cụ thể, tránh gây phiền hà; quy định rõ về giải quyết các khiếu nại, tranh chấp; xử lý quan hệ quốc tế.

Chặt chẽ và chuyên nghiệp

Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế, không ít ý kiến bày tỏ quan ngại về tình trạng các cá nhân, tổ chức tham gia cứu trợ thiếu chuyên nghiệp dẫn đến chồng chéo, lãng phí, chưa công bằng nên gây mất đoàn kết trong dân, người làm cứu trợ bị gièm pha, thậm chí đã có hiện tượng lợi dụng cứu trợ để trục lợi.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo "Ðóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Nghị định 64/2008/NÐ-CP", ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam phân tích, mặc dù Việt Nam đã đạt ngưỡng phát triển trung bình nhưng vẫn còn nhiều người nghèo cần hỗ trợ, cộng với đặc thù địa lý khiến cho Việt Nam luôn đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, công tác cứu trợ từ thiện - nhân đạo vẫn là hoạt động phổ biến và luôn được quan tâm. Vì lẽ đó, quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định cần tính đến việc mở rộng đối tượng tham gia cứu trợ, thiện nguyện đến mọi tổ chức, cá nhân; thay đổi tư duy của chính quyền và đoàn thể trong công tác cứu trợ - từ "quản lý" cứu trợ đến "điều phối và hỗ trợ" nhằm bảo đảm hoạt động cứu trợ hiệu quả. Cùng đó, cần tăng cường sự chuyên nghiệp và phối hợp trong công tác cứu trợ để bảo đảm hiệu quả và an toàn.

Ðồng quan điểm với ý kiến của đại diện Oxfam tại Việt Nam, tâm đắc với chữ "chuyên nghiệp", ông Trần Ðăng Tuấn - đại diện Quỹ Trò nghèo vùng cao cho rằng, định hướng chính sách chủ đạo của nghị định sửa đổi là cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng "hệ sinh thái" cho các hoạt động thiện nguyện và cứu trợ khẩn cấp. Hệ sinh thái đó dựa trên nền tảng cung cấp thông tin cho nhau giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ. "Người đi làm từ thiện tấm lòng thì có thừa nhưng thiếu thông tin, trong khi cái thuận lợi lớn nhất của địa phương chính là thông tin. Nghị định 64 cũ đã không giải quyết được việc phát huy mặt mạnh nhất của hệ thống Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương là thông tin. Vì vậy, trong Dự thảo cần có quy định rõ về cơ chế cung cấp thông tin. Tạo nên hệ sinh thái cho hoạt động từ thiện hài hòa, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, có sự đồng thuận giữa hệ thống quản lý và cộng đồng thì mới lâu dài" - ông Tuấn lưu ý.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các chương trình cứu trợ khẩn cấp, nhiều ý kiến kiến nghị bổ sung thêm điều, khoản về "đánh giá mức độ, phạm vi thiệt hại". Ðại diện Oxfam đề nghị bổ sung một phụ lục cho Nghị định (hoặc một văn bản hướng dẫn tách rời) về "hướng dẫn quy trình đánh giá thiệt hại, vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và dịch bệnh". Phụ lục này sẽ như một "cẩm nang" dành cho các tổ chức, cá nhân tham khảo, thực hiện, bảo đảm sự chặt chẽ và chuyên nghiệp.

Mỗi một chính sách để thật sự phát huy tác dụng, có hiệu quả trên thực tế, bên cạnh môi trường thuận lợi, còn cần có các chính sách cụ thể về ưu đãi thuế hoặc miễn trừ cho công tác từ thiện, đi kèm với đó là những chế tài xử lý nếu có vi phạm. Hoạt động tôn vinh, ghi nhận đóng góp của những tấm gương làm từ thiện tích cực, hay trách nhiệm xử lý sai phạm cũng cần được quy định rõ hơn trong Dự thảo lần này.