An toàn Giao thông

Xe quá khổ, quá tải ngày càng lộng hành

Tình trạng xe quá tải đang bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt có nhiều xe cơi nới kích thước để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên nhiều tuyến quốc lộ.

Xe quá tải khiến nhiều tuyến đường địa phương, quốc lộ xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Nguồn | Bộ GTVT
Xe quá tải khiến nhiều tuyến đường địa phương, quốc lộ xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Nguồn | Bộ GTVT

Lực lượng chức năng thời gian qua tập trung cho việc phòng, chống dịch Covid-19, nhiều chủ xe, lái xe lợi dụng tình hình nên tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại, lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng...

Chỉ riêng tháng 10, một số địa phương tiếp tục bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các Trạm Kiểm soát trọng tải xe lưu động. Lực lượng Thanh tra các Sở Giao thông vận tải và Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ duy trì công tác kiểm soát trọng tải xe bằng cân xách tay đạt nhiều kết quả khả quan: kiểm tra hơn 3.300 xe, phát hiện 335 xe vi phạm, tước 82 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 2,597 tỷ đồng, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, cân bằng thị phần các loại hình vận tải.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải về tình trạng hàng loạt các tỉnh, thành phố để xe quá tải "lộng hành". Văn bản còn nêu rõ các xe siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe, chở hàng với kích thước, khối lượng không đúng với nội dung trong Giấy phép lưu hành xe, hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành xe giả vẫn được xuất, xếp hàng và ra khỏi các cảng, lưu thông trên các tuyến đường, đặc biệt lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A bắc-nam.

Tình trạng xe chở quá tải, quá khổ, cơi nới xảy ra thường xuyên ở Dung Quất khiến người dân rất bức xúc. Thượng tá Vũ Thanh Giang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ngãi cho hay: "Có trường hợp xe quá tải gần 300%. Còn phần lớn quá tải hơn 100% tải trọng cho phép". Tuy nhiên, cơ quan chức năng rất khó phát hiện bắt quả tang vì lực lượng cảnh giới còn nhiều hơn cả lực lượng chức năng.

Sáng sớm ngày 7/11, xe ô-tô tải ben biển kiểm soát 60C-566.58 chở vượt quá tải trọng cho phép lưu thông qua cầu dây văng Bình Phong Thạnh bắc ngang sông Vàm Cỏ Tây khiến cầu bị sụp lún, nhiều đoạn thanh chắn và dây văng cầu bị đứt, hư hỏng nặng. UBND huyện Mộc Hóa bước đầu xác định xe chở quá tải gấp nhiều lần so với tải trọng cho phép của cầu chỉ có 5 tấn.

Toàn tuyến Pháp Vân-Ninh Bình có 7 trạm thu phí, trong đó VEC quản lý 3 trạm, còn lại của BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ 4 trạm. Đầu vào tại các trạm của VEC đã được lắp đặt cân kiểm soát xe quá tải tại trạm thu phí. Tuy nhiên, 4 trạm Thường Tín, Vạn Điểm, Khê Hồi và trạm tại Hà Nam trên đoạn tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa được lắp đặt hệ thống cân để kiểm soát xe quá tải. Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải chạy trên tuyến này. Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ cho hay: "Xe chở vật tư, vật liệu chủ yếu là từ Hà Nam đi đường cao tốc để vào Hà Nội. Việc không có cân để từ chối xe quá tải lưu thông vào cao tốc khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn".

Trong khi đó, tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cửa ngõ Thủ đô đang thực hiện kiểm soát trọng tải xe rất hiệu quả. 15 trạm thu phí trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng đều có làn lắp đặt trạm cân để kiểm soát tải trọng xe, trong đó các trạm đầu tuyến có 2 làn có hệ thống cân. Theo ông Lê Xuân Tú, Phó Giám đốc Công ty quản lý khai khác đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, mỗi ngày đơn vị phát hiện và từ chối phục vụ từ 30-50 xe chở quá tải. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là kết quả cân xe vi phạm chưa chuyển được cho lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính, đơn vị chỉ từ chối phục vụ bằng việc yêu cầu xe quay đầu.

Ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay: "Công ty BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ đã lập đề án đề xuất lắp đặt hệ thống cân tự động trên tuyến để kiểm soát xe quá tải. Tuy nhiên, hiện phải chờ tiêu chuẩn cơ sở cho hệ thống này. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn cơ sở hệ thống cân tự động để áp dụng trong thời gian sớm nhất". Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng vừa trình Bộ Giao thông vận tải đề án kiểm tra tải trọng xe tự động trên toàn quốc, nhằm hạn chế sự can thiệp do con người tác động vào quá trình cân kiểm tra, tăng cường xử phạt vi phạm xe quá tải và loại bỏ tiêu cực.