Trở về từ lằn ranh sinh tử

Tối hôm trước nhận tin thông báo, sáng hôm sau đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai có mặt đầy đủ lên đường vào An Giang. Khi đến đây, tình hình dịch Covid-19 diễn ra khá phức tạp. Các trung tâm hồi sức (ICU) luôn trong tình trạng quá tải, các bệnh viện tầng 2 tại các huyện cũng lấp đầy bệnh nhân tổn thương phổi có bệnh lý nền.

Ca mổ bắt con cho sản phụ mắc Covid-19 nặng tại ICU tỉnh An Giang.
Ca mổ bắt con cho sản phụ mắc Covid-19 nặng tại ICU tỉnh An Giang.

Tôi được phân công làm trưởng nhóm hỗ trợ 1 trong 3 bệnh viện khu vực đảm nhiệm ICU tầng cuối, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang nằm trong thành phố Châu Đốc. Bệnh viện được giao nhiệm vụ thu dung và điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng thuộc tầng cuối, quản lý hỗ trợ chuyên môn cho 5 huyện, thị xã.

Những ngày đầu tiên, mục tiêu tôi đề ra cho cả nhóm là sắp xếp lại bệnh phòng, thực hiện phân loại bệnh nhân ra thành từng nhóm nguy cơ, đưa họ vào các vị trí thích hợp giúp các nhân viên y tế theo dõi một cách hệ thống hơn. Trong bối cảnh nhân lực hạn chế, việc giảm bớt khối lượng công việc hành chính, bám sát bệnh nhân giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Bước tiếp theo là hỗ trợ đi sâu vào chuyên môn, thúc đẩy áp dụng kỹ thuật cao trong bệnh phòng. Cuối cùng là hỗ trợ các tuyến có bệnh viện tầng 2 kiểm soát bệnh lý nền tốt hơn, tạo con đường vận chuyển nâng/hạ tầng bệnh nhân an toàn. Từ đó sẽ giảm tải được cho các khu ICU.

Trong các nhóm bệnh nguy cơ, phụ nữ có thai luôn là đối tượng dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng nặng. Bởi lá phổi phải gánh chịu lượng oxy cho cả mẹ và con. Không ít trường hợp hồi sức thất bại, ngay cả nơi có đầy đủ trang thiết bị tối tân, khiến rất nhiều bác sĩ đã cảm thấy bất lực khi đứng trước những ca bệnh phức tạp như vậy. Chị Châu Thị Nu Nu, 25 tuổi, mang thai lần 2 ở tuần 35, phát hiện dương tính với Covid-19 qua test nhanh. Được hướng dẫn tự theo dõi tại nhà, đến ngày thứ 5 tình trạng diễn biến nặng sau đó chuyển đến trung tâm ICU trong tình trạng suy hô hấp nặng, oxy hóa máu giảm nghiêm trọng 85%. Phổi tổn thương lan tỏa hai bên, đáp ứng với thở oxy kém, nguy cơ suy thai cao. Bệnh nhân thở oxy lưu lượng cao (HFNC) không hiệu quả, sau đó chuyển sang thở máy. Bác sĩ Dương Văn Phước, trưởng tua trực ngày hôm đó tổ chức hội chẩn toàn bệnh viện với đoàn Bạch Mai. Quyết định mổ ngay buổi trưa với hy vọng có thể cứu sống được thai nhi và giảm tải cho cơ thể người mẹ. Trước khi đi vào hôn mê và thở máy, bệnh nhân chỉ kịp thều thào: "Bác sĩ ráng cứu mẹ con em...".

Với nhiều người bệnh, đó có thể là những câu nói cuối cùng. Và nỗi ám ảnh đó luôn đeo bám lấy người bác sĩ mỗi khi gặp lại những câu chuyện tương tự. Đối với tôi, thời gian trong tâm dịch TP Hồ Chí Minh là những ngày tháng không thể nào quên được. Các cuộc hội chẩn diễn ra liên tục, hầu hết các chuyên khoa đều có mặt nhanh chóng. Ca mổ ngay tại bệnh phòng diễn ra trong 30 phút, cháu bé non tháng nặng 2,4 kg có suy hô hấp một chút được chuyển lên khoa Nhi ngay sau đó. Còn bệnh nhân rơi vào cơn bão Cytokine khá mạnh mẽ. Lúc đó chỉ hy vọng có thể cứu được cháu bé. Trong quá trình hỗ trợ chuyên môn tại bệnh viện, nhóm các nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai đã thúc đẩy triển khai áp dụng nhiều kỹ thuật cao, chuẩn hóa quy trình điều trị như ECMO, thở máy ARDS, mở màng phổi cấp cứu. Đặc biệt mở rộng kỹ thuật lọc máu hấp phụ trong cơn bão Cytokine. Trong vài ngày theo dõi, bệnh nhân được phát hiện thêm có tình trạng bệnh cơ tim chu sản (bệnh suy tim liên quan đến thai nghén). Điều đó tác động càng làm sự trao đổi oxy trở nên tồi hơn.

Một điều may mắn rất lớn, sau một tuần tích cực điều chỉnh thuốc, chị Châu Thị Nu Nu phục hồi dần, tình trạng trao đổi oxy có cải thiện. Sau đó chị đã bỏ được máy thở và chuyển sang thở oxy lưu lượng thấp. Sự hồi sinh kỳ diệu ấy là minh chứng cho những nỗ lực chiến đấu không mệt mỏi của nhân viên y tế, ngay trong điều kiện hạn chế về nhân lực cũng như vật lực. Nhiệm vụ của đoàn Bạch Mai là biến những điều kỳ diệu trở nên bình thường cho các đồng nghiệp ở nơi này.

Em bé sinh non từ người mẹ nhiễm Covid-19 chuyển nặng được chăm sóc ở khoa Nhi đã phục hồi tốt. Bệnh nhân đã được đoàn tụ với gia đình. Cuộc đoàn tụ diễn ra trong những ngày cuối cùng của một năm đầy mất mát đau thương, ngay khi hơi thở mùa xuân đang cận kề. Những cuộc trở về từ lằn ranh mỏng manh sinh tử ấy, chính là động lực giúp cho các nhân viên y tế tiếp tục cố gắng, cố gắng trên cả sức của mình để có thêm thật nhiều cuộc đoàn tụ vỡ òa hạnh phúc như thế.