Phạt nặng, xử nghiêm để thay đổi nhận thức

Cuối năm 2021, Chính phủ ban hành đồng thời 3 nghị định liên quan đến an toàn giao thông (ATGT) và trật tự, an toàn xã hội. Cả ba nghị định 123, 139, 144 có hiệu lực ngay từ ngày 1/1/2022 và đều tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính, nhằm bảo đảm tính răn đe của pháp luật.

Chung tay xây dựng văn hóa giao thông là trách nhiệm của mọi công dân. Ảnh | ngs.edu.vn
Chung tay xây dựng văn hóa giao thông là trách nhiệm của mọi công dân. Ảnh | ngs.edu.vn

Thời gian gần đây, nhất là trong 2 năm vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng chức năng căng mình chống dịch, xuất hiện nhiều trường hợp bất tuân pháp luật của người tham gia giao thông. Trên các tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không trên cả nước vẫn xảy ra tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, lấn làn, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh, tín hiệu giao thông. Thực tế, vi phạm giao thông có nhiều nguyên nhân mà chủ yếu do ý thức của người điều khiển phương tiện còn hạn chế, chủ quan, nhiều vi phạm có thể dẫn đến các vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mặc dù Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có hiệu lực từ đầu năm 2020, tuy nhiên, mức xử phạt hành chính vẫn chưa phù hợp với tính chất, mức độ của một số hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Nghị định 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 với nhiều mức xử phạt rất thấp, không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, dễ dẫn đến việc người dân “nhờn” luật.

Để triển khai có hiệu quả các quy định vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và triển khai Năm ATGT 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó mục tiêu đầu tiên là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đặc biệt lưu ý: “Tăng cường tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy, xe đạp điện, đây là hai nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và làm tăng tỷ lệ thương vong trong các dịp lễ, Tết; không vì Tết mà nể nang, xuê xoa trong xử lý các hành vi vi phạm; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia giao thông và lực lượng thực thi nhiệm vụ”.

Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng: “Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, bảo đảm tính răn đe, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, ngăn chặn tai nạn giao thông”.

Nhiều chuyên gia giao thông cùng nhận định, Chính phủ kịp thời ban hành quy định tăng chế tài xử phạt vi phạm  hành chính về giao thông thời điểm hiện nay là cần thiết khi hành vi vi phạm đang có dấu hiệu gia tăng. Điển hình tại Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người lái, thuyền viên tăng gấp 100 lần ở mức phạt tối đa so với quy định cũ tại Nghị định 132/2015/NĐ-CP.

Cùng với tăng cường chế tài xử phạt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ và thay đổi nhận thức để theo kịp quy định mới của pháp luật. Đồng thời, lực lượng thực thi pháp luật cũng phải thật sự nghiêm khắc trong việc xử lý vi phạm, bảo đảm tính công bằng giữa những người tham gia giao thông. Với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ hiện nay nếu xử lý nghiêm khắc, người vi phạm khó có thể trốn tránh. Một khi thực hiện nghiêm chắc chắn quy định pháp luật sẽ phát huy tác dụng, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông.