Niềm vui nào ghé chơi

Tôi thích những chuyến đi, nhất là trong tâm thế vô định, thả lỏng, không bận tâm thời gian và luôn hồi hộp chờ xem điều gì chờ mình ở phía trước

Minh họa | LÊ THIẾT CƯƠNG
Minh họa | LÊ THIẾT CƯƠNG

Cảm giác hồi hộp ấy thực sự là một giá trị.

Tôi tự thấy mình dễ vui lắm. Tất nhiên cũng dễ buồn nữa. Hình như càng lớn tuổi thì người ta càng nhạy cảm. Nhạy cảm tới mức lồng ngực ngày một dễ bị nhói đau hơn. Thôi thì, cái gì cũng có giá của nó. Nói một cách hơi chua chát thì thế.

Dù vậy, tôi vẫn thích suy tư về niềm vui hơn.

Ở vùng đất nam miền trung này, đi suốt cả mấy chục phút đồng hồ không gặp một bóng người. Có lẽ do thiên nhiên quá rộng, hay do cư dân quá thưa?

Phía sau những dãy nhà kia, bên dưới bầu trời đầy mây trắng tuyệt đẹp kia, là biển, cũng tuyệt đẹp.

Tôi chưa từng thấy biển ở đâu xa xỉ kiêu hãnh như thế.

Cũng chưa thấy núi đồi ở đâu dịu dàng như thế.

Càng chưa thấy ở đâu gió trong trẻo, thản nhiên, lơ đễnh và nhiệt thành đến thế.

Bọn tôi dừng xe ở ven đường. Cứ đỗ sát lề cho cẩn thận chứ thực ra ngoài bọn tôi ra có ai đâu. Con đường dài hun hút, mịn màng, lên dốc xuống dốc với dải phân cách sơn trắng tinh vắt qua những quả đồi. Tôi gọi chúng là những quả đồi thôi, dù ở đây người ta gọi là núi. Núi này mà so với núi quê tôi thì ăn nhằm gì. Nhưng chúng hình như có giá hơn về mặt vật chất. Ít nhất thì chúng hầu như không có đá. Và chúng đón trọn vẹn những cơn gió già hàng triệu triệu tuổi cứ ngày đêm thổi vào từ biển. Độc quyền, không thứ gì tranh giành.

Người ta dựng lên trên đỉnh đồi những cột điện gió khổng lồ. Tôi nghĩ rằng những người thiết kế ra cột điện gió hẳn phải có tâm hồn nghệ sĩ lắm, vì những cái cột ấy đẹp không thể tả được. Đẹp không thể chịu được. Trắng, cao, mảnh khảnh, quay đều đặn không mỏi mệt và cho ra một nguồn năng lượng sạch khổng lồ. Tôi dùng điện thoại để quay một đoạn video gửi về cho bố. Bố tôi năm nay hơn 90 rồi, và một trong những niềm hứng thú bất tận của ông là được chứng kiến những kỳ quan nhân tạo. Tiếc rằng ông đã quá lớn tuổi để đi xa chứ nếu không nhất định tôi sẽ đưa bố đến đây, để bố được đứng dưới chân cột điện gió cao mấy chục mét, ngửa mặt lên nhìn những cánh quạt vĩ đại kia.

Anh đứng tựa lưng vào cửa xe, khoanh tay kiên nhẫn chờ. Khi tôi ngoái lại, có lẽ anh nhìn thấy nụ cười thoáng chốc như trẻ thơ của tôi, hoặc là ánh mắt tôi phải lấp lánh lắm, anh mỉm cười. Anh ấy có nụ cười của mẹ, ánh mắt của bố, sự dịu dàng đôn hậu, kiên định và mạnh mẽ, thêm một chút lãng mạn của cả hai người cộng lại.

Bên phải bọn tôi, tức là bên phải con đường, rất gần thôi, là biển.

Nhiều người hỏi tôi có thích biển không?

Tôi phải nghĩ một lúc mới trả lời được. Bởi một từ “thích” không đủ, không chính xác.

Tôi tò mò về biển thì đúng hơn. Biển với tôi luôn là một bí ẩn, chứa đựng trong nó nỗi sợ hãi của một người rất nhát gan như tôi. Trong một bộ phim tài liệu nổi tiếng có tên “Our Planet” - Hành tinh của chúng ta - người ta nói đại ý rằng: Con người có thể đặt chân lên mặt trăng - một hành tinh cách chúng ta khoảng bằng 30 lần đường kính Trái đất, nhưng lại không thể/ chưa thể đặt chân xuống nơi sâu nhất của đại dương - ngay trên bề mặt Trái đất. Chưa một thiết bị nào dù của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có thể được thả xuống đáy biển nơi có độ sâu “chỉ khoảng” 10 km, mà không bị bóp cho bẹp dúm. Đáy biển của trái đất vẫn là một nơi hoàn toàn bí mật cho đến những ngày này của thế kỷ này. Với các nhà khoa học, các nhà thám hiểm hàng đầu mà đại dương còn bí ẩn như vậy thì với tôi, một người phải đến năm 26 tuổi mới lần đầu tiên nhìn thấy biển, biển còn là một nỗi hoang mang bất tận đến đâu.

Từ sau năm 26 tuổi ấy, thỉnh thoảng tôi ra biển.

So với những cánh rừng mà tôi có trong cả ký ức và hiện tại, rừng thân thiện và an toàn hơn vì tôi biết có gì ở trong nó. Tôi sinh ra và lớn lên ở trong rừng, tôi biết cả hơi thở hay cảm xúc của rừng, tôi thậm chí cảm thấy mình có thể chạm đến linh hồn của rừng. Biển thì ngược lại. Biển khiến tôi choáng ngợp. Tôi thấy sợ và tôi cũng thấy một điều gì đó giống như tự hào vì đã được làm người trên một địa cầu mà ba phần tư là đại dương.

Tôi tựa vào vai anh khi chúng tôi đứng trên bờ và nhìn ra một cái vịnh xanh trong và yên tĩnh, hàng trăm tàu thuyền đậu san sát để tránh một cơn bão sắp vào. Tôi thích anh cao lớn thế này, vượt hẳn lên, và dường như đủ để che cho tôi giống như cái vịnh kia có thể che chắn cho những con tàu. Tôi thích cái mầu xanh mà người ta sơn lên thân tàu, cả những chiếc thuyền thúng tròn vành vạnh cũng sơn mầu xanh. Xanh của thuyền hòa với xanh của trời, của nước. Trái tim gầy guộc quá nhiều xúc cảm của tôi bị bóp nghẹt vì vẻ đẹp ấy, vẻ đẹp hài hòa và vĩ đại.

Là tôi đang nói về niềm vui đấy.

Anh tôi kể lúc nhỏ tôi có thể vui cả ngày chỉ với một mảnh sành có mấy cái vân đẹp. Tôi rửa đi rửa lại. Tôi dùng nó để đào những cái lỗ trên hè nhà mà tôi tin rằng với những cái lỗ ấy lũ kiến có thể trú ngụ qua mùa đông miền núi lạnh giá dài lê thê. Tôi nắm chặt mảnh sành ấy trong tay kể cả khi đi ngủ. Bây giờ, tôi không thể cầm trong tay một chiếc thuyền thúng mầu xanh, dù nhìn xa nó rất bé, chẳng hơn gì mấy cái mảnh sành khi xưa. Nhưng tôi vẫn thấy niềm vui như một con chim nhỏ đang đập cánh trong lồng ngực mình. Một con chim nhỏ bé với niềm vui màu nước biển.

Tôi yêu thiên nhiên này biết mấy! Tôi luôn muốn thốt lên câu ấy mỗi khi đặt chân tới một vùng đất mà tất cả vẻ đẹp của nó dường như cùng lúc trỗi dậy, động đậy, rung khẽ, thu hút sự chú ý của tôi. Như là khi tôi leo lên một đồi cát ở đằng kia. Đồi cát cao vút, có tên hẳn hoi, nhưng tôi chẳng muốn nhớ tên nó làm gì. Dưới chân đồi là hồ nước, sâu thẳm, dưới tận cùng của dốc cát vàng dựng đứng. Là một cái vách bằng cát mà nó dựng thẳng tắp đến mức nhìn xuống suýt rơi tim ra ngoài. Tôi hét lên run rẩy và vừa lùi ngược lại vừa hỏi: Làm sao nó có thể dựng đứng như thế mà không đổ? Những hạt cát giữ nhau bằng gì?

Chúng giữ nhau bằng gió. Anh nói.

Là những cơn gió luôn xô cát vào nhau, đẩy chúng dính vào nhau. Đó cũng là lý do những đồi cát luôn biến dạng không ngừng.

Nắng thật là ấm.

Trong khi đó miền bắc thì rét quá. Mưa làm cái rét bò vào tận xương...

Ven con đường chạy sát mép biển hoa giấy nở như ai đó vốc những vốc lớn bột màu và ném lên triền đồi. Bất giác tôi nhớ câu hát này: “Tôi thấy hạnh phúc bên kia đồi/ Gọi những bình yên nào ghé chơi...”. Tự hỏi, bên kia đồi là gì? Bên kia những đồi hoa giấy kia ấy. Và tôi có cần phải băng qua ngọn đồi kia để tìm thấy hạnh phúc, hay hạnh phúc chỉ đơn giản là tôi đang ở đây, cảm thấy thiên nhiên tươi đẹp đang được thở hơi thở của nó trong khi tôi tự do thở hơi thở của tôi?

Tôi cứ muốn tự hỏi mãi, rằng tại sao ở đây hoa giấy lại đẹp nhường ấy? Chỗ nào cũng thấy những bụi rất lớn, rất rậm rạp, và bụi nào cũng đang nở. Hình như chúng nở quanh năm ở xứ này. Càng nhiều gió, càng ngợp nắng thì càng nở. Những bông đẫy đà đậm sắc. Nếu chọn một loài hoa để chỉ bung ra rạng rỡ nhất bất kể nắng gió dữ dội bạo liệt đến đâu, có lẽ chỉ là hoa giấy thôi. Tôi nhớ chậu hoa còi cọc mà tôi trồng trên ban-công. Khi tôi chăm sóc quá thì nó đầy lá xanh và không có một bông nào dù nhỏ xíu. Khi tôi bỏ quên thì nó trổ hoa. Dù gầy mòn thì nó cũng trổ hoa. Sao lại khắc khổ vậy trời?

Rồi thì sẽ rất nhớ cái cảm giác xúc động kiểu như ngộp thở vì một khung cảnh còn hơn cả tranh đột ngột hiện ra trước mắt. Không máy ảnh máy quay nào có thể ghi được trọn vẹn vẻ đẹp kia đâu, bao gồm cả âm thanh và sự tĩnh lặng, mầu sắc và mùi hương.

Chợt thấy mình thật nhỏ bé quá. Chợt thấy thật hạnh phúc vì có thể trải qua những khoảnh khắc này. Thật là muốn tâm hồn mình như một cánh cửa, có thể mở toang để đón nhận những xúc cảm mãnh liệt từ sa mạc, từ đại dương, từ núi đồi.

Ký ức ở đâu đó, xa lắm. Ký ức, tựa như cái mảnh sành mà tôi vẫn dùng để đào những cái lỗ nhỏ trên hè nhà bằng đất. Còn hiện tại là những cơn gió tự do hoang dã. Những cơn gió liệu có giúp tôi đào những cái hố to hơn, sâu hơn để đôi khi, đôi khi thôi, tôi vùi mình xuống đó, nhìn lên bầu trời rồi suy tư về sự hữu hạn của kiếp người trong không gian vô tận của vũ trụ?

Rồi thì sẽ rất nhớ vùng đất này với tất cả sự lộng lẫy, quyến rũ, bí ẩn, hoang vắng và phóng túng như không có thật của nó...