Những guồng xe kết nối yêu thương

Hà Nội cùng cả nước đang trải qua những ngày đầy căng thẳng vì đại dịch hoành hành. Lệnh giãn cách liên tiếp được đưa ra nhằm hạn chế tối đa tình trạng lây lan dịch bệnh. Các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, ta-xi, xe khách liên tỉnh... ngừng hoạt động. Vậy người ngoại tỉnh mắc kẹt lại Hà Nội trong thời điểm này sẽ phải xoay xở thế nào? Những bệnh nhân ngoại tỉnh vừa đến lúc được bác sĩ ký giấy xuất viện sẽ ra sao?

Về đến nhà rồi! Chúc nhau bình an vượt qua mùa dịch. Ảnh trong bài: Nhóm Những chuyến xe yêu thương cung cấp.
Về đến nhà rồi! Chúc nhau bình an vượt qua mùa dịch. Ảnh trong bài: Nhóm Những chuyến xe yêu thương cung cấp.

Với lòng trắc ẩn, hai vợ chồng anh Nguyễn Bình Minh (trú tại Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) sau một hồi bàn bạc, ngay trong đêm đã đưa ra ý tưởng thành lập một nhóm thiện nguyện chuyên đưa, đón bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đến bệnh viện hoặc trở về nhà. Những trái tim đã chạm đến trái tim. Chỉ sau một đêm, đã có xấp xỉ 30 nghìn lượt tương tác ủng hộ ý tưởng của họ.

Đọc dòng chia sẻ của anh Minh, Hưng Trần, vốn đang là quản trị viên của Hội yêu xe Honda Civic miền bắc cảm giác như có một sợi dây kết nối mối đồng cảm sâu sắc. Mạng ảo nhưng tình người rất thật. Trò chuyện, trao đổi, nói ít hiểu nhiều. Những chuyến xe yêu thương ra đời nhanh chóng, ấm áp như chính cái tên anh em họ đã đặt.

Anh Nguyễn Bình Minh, người biên những dòng chia sẻ lên mạng xã hội một năm về trước, nay vẫn là “chủ tịch” của nhóm thiện nguyện. Hiện số người tham gia nhóm lên đến hơn 4,1 nghìn người, trong đó 100 thành viên có sẵn phương tiện, luôn sẵn sàng lên đường. Thời gian đầu mới thành lập, do nguồn lực còn mỏng, nhóm chỉ nhận hỗ trợ cho bệnh nhân nhi, chủ yếu là các bé bệnh nhân của Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong đợt giãn cách gần đây, khi nhóm đã vững vàng hơn, các thành viên đã bàn nhau mở rộng đối tượng chuyên chở gồm cả người già, người bị bệnh hiểm nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn...

Phòng công tác xã hội của các bệnh viện rất kịp thời và linh hoạt liên hệ với nhóm, hỗ trợ bệnh nhân và tài xế giấy đi đường, xét nghiệm âm tính với virus SAR-CoV-2. Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là hai địa chỉ thường xuyên liên lạc với nhóm mong muốn được “chia lửa” cùng đơn vị trong thời điểm khó khăn này. Thông báo chung của nhóm chỉ nhận những cuốc xe dưới 300 km. Tuy nhiên trên thực tế, có những hoàn cảnh không thể bỏ mặc, anh em thường tặc lưỡi vượt rào.

Vợ chồng anh Nguyễn Bình Minh vốn có nếp sống duy trì nhiều năm nay là tham gia các hoạt động cộng đồng. Từ ngày dành dụm mua được xe ô-tô, họ thường đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển cơm, cháo đến các bệnh viện phân phát cho bệnh nhân nghèo. Dự án chở bệnh nhân nghèo về quê đến với vợ chồng họ tự nhiên như duyên lành vậy.

Từ ngày nhóm đi vào hoạt động, Hà Nội đã trải qua nhiều đợt bùng dịch nhưng giai đoạn này đang là căng thẳng nhất từ trước đến nay. Anh Minh nói: Ngày nhiều chúng tôi chở ba chuyến còn bình thường gần như ngày nào cũng có xe lăn bánh. Có trường hợp bệnh nhân có nhu cầu gấp, thành viên tại Hà Nội không thu xếp được, các thành viên tỉnh lân cận Hà Nội, thậm chí cả trăm cây số sẵn sàng chạy xe về đón bệnh nhân. Chỉ trong mấy ngày đầu Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chúng tôi đã tổ chức gần 40 chuyến xe đưa các bệnh nhân đến những điểm chốt kiểm soát tại các cửa ngõ vào thành phố, hoặc có chuyến chúng tôi kết nối được để có thể về nhà. Sau 14 tháng hoạt động, chúng tôi kêu gọi được đông đảo thành viên tham gia hơn. Những ngày đầu giãn cách của đợt dịch này nhóm đã kết nối với nhau để đón, giao, chuyển bệnh nhân từ chốt tỉnh này sang tỉnh kia. Phòng Công tác xã hội của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là nơi phối hợp tạo điều kiện cho nhóm rất nhiều trong việc đưa đón bệnh nhân trở về nhà an toàn. Ba ngày một lần, các thành viên được tham gia test miễn phí Covid-19. Kết quả của tờ xét nghiệm cho cả tài xế và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân là thẻ thông hành để vượt qua các chốt kiểm soát.

Trưởng nhóm Nguyễn Bình Minh từ ngày “nhậm chức” phải sắm thêm điện thoại. Hai tay hai máy, lúc nào cũng rộn ràng. Vừa nhận cuộc gọi bệnh nhân đang cần xe ở Viện Huyết học, chưa kịp điều xe thì lại nhận cuộc gọi báo tin bệnh nhân đã được thành viên nhóm đưa về nhà an toàn. “Gia đình cháu N.T.A đã về đến Lào Cai an toàn. Bố mẹ con chân thành biết ơn và cầu chúc anh chị em Những chuyến xe yêu thương dồi dào sức khỏe giúp đỡ thêm được nhiều hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch”... Ngày nào cũng nhận lời cảm ơn của các gia đình bệnh nhân, mà cứ phải gọi điện cảm ơn trực tiếp, nghe được tiếng nhau mới chịu cơ! Anh Minh vừa đọc tin nhắn, vừa bình, kiểu hóm hỉnh đặc trưng của “giai phố”. Trong cuốn sổ mang danh trưởng nhóm của mình, anh Minh chia thành nhiều mục. Có mục ghi tên, số điện thoại, tài khoản trên mạng xã hội Facebook, Zalo của các thành viên của nhóm; mục ghi tên, số điện thoại, thông tin cơ bản cần nắm của các “khách hàng ruột” tức là những bệnh nhân phải đi lại bệnh viện nhiều lần - lưu lại thế để khi bệnh nhân gọi là mình nhớ, không phải gọi điện đến viện xác minh, cũng tránh hỏi bệnh nhân nhiều vừa tiết kiệm tiền, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân - anh giải thích. Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân bị “mắc kẹt” lại Hà Nội bởi nhiều nguyên do, cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Những guồng xe kết nối yêu thương -0
 Nhung Lê - cô gái vàng của nhóm, trong chuyến đưa mẹ con bệnh nhi về nhà.

Không nhiều thành viên là nữ, nhưng “ít mà chất”, “cô gái vàng” là những từ anh em trong nhóm hay đùa yêu khi nhắc đến cô gái 29 tuổi Nhung Lê. Tham gia hoạt động với nhóm chưa đầy một năm, cô gái trẻ đã đảm nhận hơn 20 cuốc xe đưa đón bệnh nhân, chủ yếu là tuyến các tỉnh miền núi địa hình hiểm trở như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu. Vốn tính nhiệt tình năng nổ, tuy sống và làm việc ở Bắc Ninh, nhưng cô luôn kịp thời “chia lửa” cho nhóm trong những tình huống khẩn cấp. Đêm giao thừa mới đây là kỷ niệm khó quên khi cô gái trẻ một mình quyết định lái xe từ Bắc Ninh xuống Bệnh viện Nhi Trung ương để đón mẹ con bé gái mới hai tháng tuổi, lái xe xuyên đêm đưa mẹ con cháu bé về bản nhỏ ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai).

Là người trẻ, Nhung nhìn nhận về cuộc sống giản dị, nhẹ nhõm: “Cuộc sống, nếu trao đi sự chia sẻ, ta sẽ nhận được trải nghiệm yêu thương, ấm áp tình người. Mỗi chuyến đi là một mẩu chuyện nhỏ đáng yêu, vì mình đã góp một chút nhỏ nhoi cho cộng đồng, trong quãng thời gian đầy khó khăn này”. Nhung kể chuyến đi đường dài mới đây, lúc Hà Nội đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Quãng đường về nhà hơn 600 cây số từ Hà Nội lên một xã biên giới xa tít tắp của huyện Mường Tè (Lai Châu), trong khi cô gái trẻ loay hoay để đi qua các chốt kiểm dịch, mẹ con người La Hủ phần mệt vì say xe, phần không quen thức đêm, ôm nhau ngủ mê mệt. Có chốt kiểm soát nâng cao cảnh giác, còn nghi cô là đối tượng đang thực hiện hành vi mua bán người. Sau khi xem xét kỹ lưỡng giấy tờ, thủ tục, biết được việc làm của cô gái, các chiến sĩ công an để họ qua, không quên dặn dò và lời chúc vạn dặm bình an...

Hiện tại, số bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, mãn tính cần phải đi, về Hà Nội khám, chữa bệnh trong những ngày này không thể kiểm đếm được. Số lượng thành viên tham gia ngày càng đông, nhóm vững mạnh hơn, các thành viên cốt cán bàn nhau mở rộng phạm vi ngoài Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, họ sẽ nhận đưa đón bệnh nhân một số viện khác như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương... bởi đó là những bệnh viện tuyến đầu điều trị bệnh nhân nặng và bệnh nhân mãn tính.

Mặc dù dự án là sự tham gia của các thành viên hầu như chưa quen biết nhau ngoài đời, được thành lập một cách rất nhanh chóng qua kết nối từ mạng xã hội, mọi thứ tưởng như ảo, nhưng nguyên tắc, cách thức quản lý, duy trì hoạt động được bàn bạc thông qua một cách minh bạch, bài bản. Nhóm không lập quỹ, các thành viên tham gia hoàn toàn tự nguyện, tự bỏ phương tiện và chi phí xăng xe, đi đường. Các thành viên cần tuân thủ nguyên tắc của nhóm, như các chuyến xe buộc phải có lái chính và người phụ đi kèm để bảo đảm an toàn; chỉ chở những đối tượng đặc biệt khó khăn; quá trình vận chuyển, thành viên phải tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn giao thông, đặc biệt, tuyệt đối không cầm tiền của bệnh nhân dưới mọi hình thức, không được có hành vi vòi vĩnh, ứng xử thiếu văn minh với bệnh nhân và người nhà...

Mỗi ngày, những dòng gửi gắm tâm sự thể hiện sự biết ơn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân với các thành viên của nhóm thêm nối dài. Mỗi ngày, nét đẹp của tình nhân ái sẻ chia thêm lan tỏa. Sợi dây kết nối tình đoàn kết, gắn bó, tạo thành lá chắn vững chắc cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.