Người nặng lòng với cây thuốc nam

Người Việt vẫn thường tự trào, nước mình ra ngõ gặp cây thuốc nhưng dân lại chết trên đống thuốc. Là một đất nước được đánh giá giàu có về cây thuốc nhưng thực tế, chúng ta mới chủ động được 25% nguồn nguyên liệu, còn lại vẫn phải trông chờ vào nhập khẩu là chính. Tại sao cho đến nay vẫn tồn tại nghịch lý lạ lùng đến vậy? Để giải tỏa sự ấm ức đó, một người phụ nữ nhiều năm nay đã bỏ công bỏ của tìm kiếm, đi đầu trong công tác bảo tồn phát triển và lưu trữ những nguồn gen quý hiếm của cây thuốc Việt Nam đang có nguy cơ cạn kiệt, thậm chí tuyệt chủng. Chị là Nguyễn Thanh Tuyền, Phó Chủ tịch Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển cây dược liệu Sóc Sơn (Hà Nội).

Chị Tuyền cùng cộng sự tại vườn dược liệu Sóc Sơn.
Chị Tuyền cùng cộng sự tại vườn dược liệu Sóc Sơn.

Duyên nợ với hoa

20 năm trước, chị Tuyền bén duyên với cây dược liệu hết sức tình cờ. Ban đầu, vốn công việc thường xuyên phải tiếp xúc với khách quốc tế, chị Tuyền cảm thấy tự ái khi người nước ngoài đến Việt Nam lại nhờ chị tư vấn chọn mua thuốc đông dược của Trung Quốc, Hàn Quốc... làm quà tặng. Đối tác của chị biết cây thuốc nam của nước mình phong phú, giàu có là vậy, tại sao khi giới thiệu những nhãn hàng Việt Nam, họ đều tế nhị lắc đầu từ chối. Chị Tuyền kiên trì học hỏi, quyết tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Và rồi như là có duyên với cây thuốc và rừng núi Sóc Sơn, chị trót say mê không dứt ra được.

Vốn thích uống trà hoa, chị biết đến trà hoa vàng, hay còn gọi là kim hoa trà là một loài cây có tính dược liệu cao, được tìm thấy rải rác ở rừng núi phía bắc như dãy Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sơn La, dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Lai Châu)... Thời kỳ đó, chị Tuyền ngạc nhiên, có cả nhiều phần xót xa khi chứng kiến cách người dân đi rừng thu hái và ứng xử với cây thuốc, đặc biệt cây kim hoa trà theo cách tận diệt. Cái mầu vàng sánh óng ả như vàng ròng, mùi thơm đặc biệt của loài hoa quý đã khiến chị vương vấn, không thôi suy nghĩ về nó. Sau nhiều lượt đi rừng lội suối khảo sát, tìm hiểu, người phụ nữ gốc Huế quyết tâm gắn bó với ngành dược liệu, chọn đất Sóc Sơn làm nơi ươm trồng bảo tồn cây giống.

Những gốc dược liệu đầu tiên được chị Tuyền trồng trên vùng rừng Sóc Sơn chủ yếu là trà hoa vàng. Từ 5ha khởi đầu năm 2014 đã cho thu hoạch lá và hoa, đến nay diện tích trồng loài cây quý này tăng lên gấp nhiều lần. Đến mùa thu hoạch, tầm tháng 10 hằng năm, cả một dải rừng đồi trập trùng vàng óng ả như được ướp đẫm hương hoa. Sau nhiều năm sưu tầm, nhân giống phát triển thêm diện tích trồng, chị Tuyền đồng thời thực hiện các công trình nghiên cứu hóa dược cho loài cây này. Công trình của chị được đánh giá xuất sắc với 32 hoạt chất từ hoa, 30 hoạt chất từ lá. Các công bố quốc tế cho chất lần đầu tiên tìm thấy, hai sở hữu trí tuệ đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, công trình được các giáo sư Viện Hàn lâm nghiên cứu cùng thạch hộc tía đưa vào một số sản phẩm phục vụ tăng cường sức khỏe, hỗ trợ chữa bệnh; hợp tác với tập đoàn dược mỹ phẩm của Đức đưa trà hoa vàng ứng dụng trong công nghiệp mỹ phẩm... Trà hoa vàng ở đây được đánh giá dược tính cao.

Ngoài ra, còn có một loài hoa rất thú vị ở đây là thạch hộc tía, thứ mà dân gian tôn lên hàng "đệ nhất cửu phẩm kỳ hoa" bởi tác dụng chữa bệnh kỳ diệu của nó. Hiện, chị Tuyền đang hợp tác cùng nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam nghiên cứu chế phẩm từ loài hoa này cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Loài hoa này còn được dùng phổ biến trong các bài thuốc tăng sức đề kháng, chống đông máu, chống lão hóa... Ngoài ra, sen Đầm Trị (Tây Hồ, Hà Nội) kim ngân hoa, cúc La Mã, hoa Manuka, lan sơn thủy tiên, ngọc lan tây... đều hiện diện ở đây và đã cho thu hoạch để đưa vào chiết xuất dược phẩm, phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Không chỉ bảo tồn, phát triển vùng dược liệu ngày càng rộng, chị Tuyền cùng bà con hợp tác xã còn chế biến, chiết xuất thành công 25 sản phẩm từ vườn dược liệu, chủ yếu là các loài hoa như: Trà hoa hồng, trà hoa hoàng cúc, bạch cúc, trà bát hoa, các loại nước tắm thảo dược đóng thành túi lọc; các loại tinh dầu, gối chườm, dầu gội đầu, son dưỡng, kem chống nắng... chiết xuất từ các loại thảo dược... được người tiêu dùng tin cậy. Mỗi sản phẩm của vườn dược liệu được chị Tuyền chăm chút, luôn được dán tem truy xuất nguồn gốc cũng như tem chống hàng giả được cung cấp từ trung tâm IDE thuộc hệ thống CheckinVN.

Nghĩ lại chặng đường đã qua, chị Nguyễn Thanh Tuyền luôn tâm niệm, cố gắng, cố gắng hơn nữa, mỗi ngày một chút. Vùng đất sỏi đá giờ đây đang ngày mỗi xanh hơn, giàu có hơn bởi sự nỗ lực của chị cùng người dân Sóc Sơn.

Lan tỏa mô hình nuôi trồng hữu cơ

Sống và làm việc cùng bà con nông dân, chị Tuyền luôn băn khoăn, sống trên rừng thuốc mà sao ốm đau vặt vãnh hằng ngày, người dân ở đây vẫn phụ thuộc nhiều vào tân dược nhiều đến vậy? Phát triển cây dược liệu không đơn thuần là làm kinh tế mà còn hướng đến phục vụ sức khỏe cộng đồng. Ý tưởng đưa thuốc nam vào đời sống của chị Tuyền thật may được sư ông ở chùa Đức Hậu (Đức Hòa, Sóc Sơn) ủng hộ nhiệt tình. Tủ thuốc nam được xây dựng nhanh chóng, đặt tại khuôn viên vườn dược liệu. "Từ các chứng bệnh thông thường như ngứa nổi mề đay, virút thần kinh (thứ mà dân gian vẫn gọi bệnh giời leo), mụn nhọt, nhức đầu cảm cúm, đau nhức xương khớp, đau mỏi cổ vai gáy... đến bệnh mãn tính như sỏi thận, viêm dạ dày, đại tràng đều được người dân đến kể bệnh, xin thuốc. Chúng tôi cũng có sổ theo dõi bệnh nhân, sau khi phát thuốc ba tháng, yêu cầu bệnh nhân tái khám tại cơ sở y tế để thẩm định kết quả sau khi sử dụng thuốc ở đây" - chị Tuyền kể.

Khuyến khích người dân trồng quanh nhà với quan niệm, thuốc tốt phải bắt nguồn từ dược liệu tốt. Vì vậy, các khâu gieo trồng dứt khoát không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học mà được thành viên Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn dùng phân bón và thuốc trừ sâu hữu cơ, các loại thảo mộc trong phòng ngừa và trị sâu, bệnh cho cây. Nhờ vậy, phần lớn sản phẩm sau thu hoạch của hợp tác xã được các doanh nghiệp, cơ sở bào chế dược phẩm thu mua hết.

Những cây dược liệu được chị Tuyền gom về bảo tồn và nhân giống, thoắt cái đã trải qua bao mùa mưa nắng. Giờ đây, vùng đất cằn trơ sỏi đá ngày nào từ những khoảnh đất vỡ đầu tiên nay đã thành một khu bảo tồn và phát triển rộng lớn cả trăm ha, với hơn 80 loài dược liệu. Mùa nào thức ấy, khu bảo tồn và phát triển dược liệu của chị Tuyền lại bắt đầu rộn ràng thu hái. Từ 5ha đất trống đồi núi trọc ban đầu mà chị Tuyền dày công thuyết phục từng hộ gia đình cho thuê lại, sau một thời gian cải tạo đất, vun vén những cây trà hoa vàng đầu tiên ấy, đến nay vùng trồng dược liệu đã lan rộng nhiều nơi trên cả huyện Sóc Sơn. Định hướng phát triển cây dược liệu, quy hoạch 100 ha đất rừng đồi theo hướng hữu cơ đã đem lại nhiều triển vọng cho phát triển kinh tế địa phương.

Tủ thuốc nam hoạt động hiệu quả, hợp tác xã vận động và hỗ trợ cây giống để người dân tự trồng cây dược liệu trong vườn nhà, phục vụ chính nhu cầu chữa bệnh của gia đình. Một cách thật hồn nhiên, người dân chủ động tự chữa những bệnh đơn giản cho nhau. Bằng cách đó, họ hồ hởi tham gia trồng cây. Đó phải chăng cũng là một cách bà con vùng đất bán sơn địa này đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu một tỷ cây xanh.

Người nặng lòng với cây thuốc nam -0
 Xã viên Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn yên tâm với hướng nuôi trồng hữu cơ.