Người Mông xuất ngoại học nghề nông

Khi đang là sinh viên năm cuối của Trường đại học Tây Bắc, chàng trai dân tộc Mông Giàng A Dạy ở bản Rừng Thông (Mai Sơn, Sơn La) đã may mắn tiếp cận được nguồn học bổng ngành nông nghiệp của Chính phủ Israel.

Giàng A Dạy (trái) trong buổi giao lưu và biểu dương các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi.
Giàng A Dạy (trái) trong buổi giao lưu và biểu dương các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi.

Mặc dù trái với ngành đang học nhưng thật duyên khi anh thừa niềm đam mê nông nghiệp sạch. Chàng trai trẻ quyết tâm đăng ký tham gia, tìm kiếm cơ hội học tập. Và đúng như một nhà văn từng nói, khi bạn khao khát một điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn. 22 tuổi, lần đầu tiên trong đời, Giàng A Dạy xuất ngoại với một hoài bão lớn lao, đi để mở mang tầm nhìn, học hỏi cách người ta làm nông nghiệp...

Vì là chương trình học bổng mở cho nên vé máy bay và chi phí làm thủ tục đi về học viên phải tự lo. Bố mẹ Dạy suốt đời sống quẩn quanh ở bản, thu nhập chính là mấy con bò và rẫy ngô, lấy đâu ra mấy chục triệu để con đi học! "Ý nghĩ được tiếp cận nền nông nghiệp hiện đại hàng đầu thế giới như Israel, tim tôi rộn ràng lắm. Tôi về bản tìm mọi cách thuyết phục bố mẹ vay mượn tiền để thực hiện ước mơ", A Dạy chia sẻ.

Israel là đất nước dùng nhà lưới, nhà kính rất phổ biến ở các trang trại nông nghiệp công nghệ cao. Anh được thực hành tại một mô hình như thế. Mỗi tuần chỉ một ngày đến trường học lý thuyết, thời gian còn lại anh không ngại khó, ngại khổ lăn lộn trong trang trại, không nề hà bất cứ việc gì. Thể lực của một chàng trai người Mông ngoài 20 tuổi thì tám tiếng làm việc quần quật cũng trở nên bình thường. Anh học được rất nhiều thứ từ trang trại: từ việc lớn như tìm hiểu cơ chế vận hành các loại máy móc cơ khí trong nông trại, đến cách trộn giá thể ươm, trồng, cách ủ phân bón vi sinh... Từ lý thuyết trên sách vở, được thực hành trực tiếp khiến việc thu nạp kiến thức của Dạy rất hiệu quả.

"Ở một nơi toàn sa mạc với cát, điều kiện đất đai thổ nhưỡng của họ không thuận lợi bằng Việt Nam, vì sao Israel có bước đột phá thành một quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại đến vậy? Tôi cứ suy nghĩ và âm thầm tìm kiếm câu trả lời qua một năm quan sát, trải nghiệm và lao động ở đó", Giàng A Dạy bày tỏ.

Sau khóa học, trừ các khoản vay, Dạy tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng. Đó cũng là thời điểm anh cầm tấm bằng cử nhân Quản trị thông tin và háo hức trở về bản "mượn" rẫy của bố mẹ, triển khai dự định làm trang trại. 4.000 m2 rẫy vốn nghìn đời trồng ngô của dòng họ, chàng trai người Mông đã nhanh chóng phủ xanh bằng thảm rau hữu cơ mướt mắt. Vốn ưa thử nghiệm, thích thay đổi, sau một thời gian thử sức với rau, anh hứng thú đổi sang mô hình nuôi bò lai Sind. Rẫy lại được phủ xanh bạt ngàn cỏ và chuối rừng, thức ăn yêu thích cho đàn bò của Dạy.

Người Mông xuất ngoại học nghề nông -0
 Giàng A Dạy tự tay chăm sóc đàn bò lai Sind ở HTX Amo.

Để tăng cường khả năng giao lưu học hỏi, năm 2017, Giàng A Dạy tham gia cuộc thi Khởi nghiệp Phát triển tài nguyên bản địa, do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp và Trung ương Đoàn đồng tổ chức. Giành được giải đối với Dạy không quan trọng bằng những trải nghiệm anh thu nhận được từ cuộc thi. Anh được gặp gỡ, tiếp xúc, học hỏi từ những chuyên gia, nhà khoa học không chỉ giỏi chuyên môn mà còn tận tâm trách nhiệm trong việc tư vấn định hướng cho lớp trẻ đang khởi nghiệp như anh. Giờ đây, khi đã có ít nhiều kinh nghiệm trong khởi nghiệp, Dạy cũng sẵn sàng đưa ra những lời khuyên với các bạn trẻ khi cần với tinh thần của những người đi trước.

Cuối năm 2018, trở về sau cuộc thi khởi nghiệp, với số tiền thưởng và vốn gọi được từ các nhà đầu tư, Dạy kêu gọi đoàn viên, thanh niên bản Rừng Thông tham gia vào Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xanh Amo do anh thành lập. 43 xã viên từ ngày đầu đến nay cùng Chủ tịch HTX Giàng A Dạy đã khuấy động phong trào khởi nghiệp ở bản nghèo này. Rừng rẫy bỏ hoang, trồng ngô trồng sắn của bà con vốn năng suất thất thường được các thành viên HTX đi thu gom, thuê, đổi... để chuyển sang trồng cây ăn quả phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao hơn. Không phụ công sức của họ, nhãn, xoài, mận, thanh long, bơ... sau mấy năm trồng quả sai trĩu cành, chất lượng thơm ngon. Việc tiêu thụ sản phẩm chính vì thế khá hanh thông thuận lợi. Từ 5-7 ha đầu tiên, đến nay diện tích sản xuất của HTX Amo đã mở rộng thành hơn 35 ha.

Bản Rừng Thông quê anh vốn nghèo và lạc hậu. Hướng đi chính của HTX Amo ngoài trồng cây còn ưu tiên phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm công nghệ sạch. Cụ thể như thay bằng thức ăn truyền thống cho gia súc gia cầm, Dạy đưa công nghệ ủ men vi sinh vào bữa ăn của đàn gia súc, đem lại năng suất cao, rút ngắn thời gian chăm nuôi, tiết kiệm chi phí...

Giữa thời điểm dịch bệnh rình rập năm 2019, Giàng A Dạy vẫn tranh thủ tham gia một dự án về phát triển chuỗi trang trại bò thịt tại các thung lũng dành cho cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam. Trở về, anh quyết định chuyển đổi hẳn sang trồng cây ăn quả, trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi bò thịt. Tận dụng nguồn thức ăn dồi dào ở địa phương, họ tiếp tục mở rộng hơn nữa lĩnh vực chăn nuôi. Qua thực tế, Dạy nhận ra một điều thuận lợi, đất quê anh rất phù hợp để trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò, dự án HTX Amo đang triển khai từng bước đi chậm rãi đầy tự tin...

Sau cuộc thi về phát triển tài nguyên bản địa, Giàng A Dạy mở rộng, kết nối được nhiều đối tác. Giữa năm 2019, khi tiếp đoàn tham quan của thanh niên khởi nghiệp, Giàng A Dạy khoe HTX nông nghiệp xanh Amo hiện sở hữu tài nguyên đồng cỏ rộng, tươi tốt đủ để nuôi thả đàn gia súc lớn tầm 500 con. Chính từ buổi giao lưu này, anh nảy ra ý tưởng tận dụng nguồn gỗ và tre ở địa phương, xây dựng trang trại quy mô lớn. Với những kết quả cụ thể , A Dạy và các thành viên đứng ra vận động bà con tập hợp đàn bò trong bản về khu chăn thả tập trung. Ngoài nguồn cỏ voi dồi dào làm thức ăn, đàn bò sẽ được thường xuyên bổ sung thêm thức ăn được ủ chua theo công nghệ tự nhiên anh học được từ Israel. A Dạy đang thử nghiệm để phát triển đàn bò của mình lên quy mô lớn, rồi sẽ xây dựng lò mổ, tạo ra sản phẩm thịt bò khô đóng gói hút chân không, có mã QR code để truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất, thời gian đóng gói... Những bước đi hồ hởi đầy nội lực của những chàng trai Mông khiến bà con yên tâm đi theo.

Mô hình kết hợp du lịch sinh thái của Amo đang bắt đầu khởi động thì dịch bệnh bùng phát. "Không sao, chúng tôi giành khoảng thời gian này để ổn định lại sản xuất, bao quát lại các khâu đang triển khai. Vừa làm vừa quan sát, điều chỉnh, khoảng lặng này thật sự quý giá đối với chúng tôi", Giàng A Dạy giải thích.

Học hỏi không ngừng, dám thử nghiệm, dám thay đổi. Đó là điều chàng trai người Mông Giàng A Dạy luôn tâm đắc và nhắc nhở lớp thanh niên có ước mơ khởi nghiệp nhưng ít có điều kiện giao lưu tiếp cận cái mới như anh lúc trước. Quyết tâm thành lập HTX cũng là cách Giàng A Dạy muốn tạo không khí lao động sản xuất mới mẻ cho bà con dân tộc Mông quê anh. Dạy cảm nhận được sự chuyển động tích cực trong đời sống thôn bản quê anh khi mọi người phấn khởi tham gia lao động, sản xuất. Những tệ nạn, tập tục xấu dần thu hẹp lại cho những khởi sắc tươi mới hơn.