Cứu trợ khẩn cấp:

Nghị định mới cho những vấn đề đã cũ

Nước ta chưa có luật điều chỉnh hoạt động vận động, tiếp nhận và phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn gây ra. Các hoạt động này được điều chỉnh bởi một văn bản dưới luật. Đó là Nghị định 64/2008/NĐ-CP, được Chính phủ ban hành vào giữa năm 2008.

Vợ chồng Công Vinh, Thủy Tiên trao quà cho các hộ dân bị ngập lụt tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Ảnh | Thanh Cường
Vợ chồng Công Vinh, Thủy Tiên trao quà cho các hộ dân bị ngập lụt tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Ảnh | Thanh Cường

Hơn 10 năm qua, Nghị định này đã tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng giúp hoạt động quyên góp và cứu trợ đạt kết quả khá tốt và ngày càng đi vào nền nếp. Tuy nhiên, một loạt vấn đề cũng đang được đặt ra.

Vấn đề thứ nhất, quyền tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của cá nhân cần được công nhận. Theo Nghị định 64, các cá nhân chỉ được quyền vận động, nhưng không được quyền tiếp nhận tiền và hàng cứu trợ. Chỉ có một số tổ chức được quy định mới được quyền tiếp nhận. Thế nhưng, thực tế cho thấy rất nhiều cá nhân, đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng vẫn thường xuyên không chỉ đứng ra vận động mà còn trực tiếp tiếp nhận các khoản đóng góp cứu trợ. Thí dụ, trong đợt lũ lụt xảy ra ở miền trung năm 2020, ca sĩ Thủy Tiên, nghệ sĩ Hoài Linh và nhiều nghệ sĩ khác đã tiếp nhận những khoản tiền đóng góp cứu trợ rất lớn. Đây rõ ràng là hành vi vi phạm quy định của Nghị định 64. Tuy nhiên, vi phạm Nghị định, thì vẫn chưa chắc đã vi phạm pháp luật, bởi vì Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, chỉ có luật mới có thể hạn chế được các quyền dân sự. Thỏa thuận giữa các nghệ sĩ với các nhà hảo tâm về việc tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ quả thật là một quyền dân sự. Là một văn bản dưới luật, Nghị định 64 không thể hạn chế quyền này. Như vậy, quy phạm cấm cá nhân tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ đã bị Bộ luật Dân sự vô hiệu hóa.

Thứ hai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cá nhân vận động và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ cần phải được thể chế hóa. Trên thực tế, nhiều cá nhân đứng ra vận động và tiếp nhận những khoản tiền cứu trợ rất lớn, nhưng họ đã sử dụng số tiền này như thế nào thì không ai được biết, kể cả các nhà hảo tâm. Mới đây, khi bà chủ của Tập đoàn Đại Nam tố cáo, thì công luận mới được biết về việc nghệ sĩ Hoài Linh đã vận động và tiếp nhận tiền cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào miền trung bị lũ lụt lên đến hơn 13 tỷ đồng, nhưng hơn nửa năm sau vẫn chưa chuyển đến cho đồng bào.

Thứ ba, chồng chéo giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động vận động, tiếp nhận và điều phối hoạt động cứu trợ cần được khắc phục. Hiện nay, có đến hai cơ quan vận động, tiếp nhận và điều phối tiền, hàng cứu trợ chính thức là Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ. Ngoài ra, còn có nhiều cơ quan báo chí và tổ chức thiện nguyện khác cũng tự đứng ra vận động, tiếp nhận và tổ chức cứu trợ. Hoạt động cứu trợ không được điều phối thống nhất, nên thường xuyên xảy ra chồng chéo, ách tắc và lãng phí. Rõ ràng, cần có sự phân công, phân nhiệm giữa Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ trong hoạt động điều phối ở đây. Nên chăng cần phân công, phân nhiệm như sau: Mặt trận Tổ quốc phụ trách việc điều phối hoạt động từ thiện nói chung, như các hoạt động liên quan đến xóa đói, giảm nghèo chẳng hạn. Hội Chữ thập đỏ phụ trách việc điều phối hoạt động cứu trợ khẩn cấp như các hoạt động cứu trợ liên quan đến thiên tai, hỏa hoạn.

Thứ tư, tính chuyên nghiệp cần được tăng cường. Nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra vận động, tiếp nhận và phân bổ tiền, hàng cứu trợ, nhưng năng lực tổ chức công việc lại rất hạn chế. Hậu quả là chồng chéo, trùng lắp và lãng phí thường xuyên xảy ra. Đó là chưa nói tới việc cách làm không chuyên nghiệp này còn có thể gây ra tình trạng suy bì, mất đoàn kết không đáng có.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính soạn thảo Nghị định mới để thay thế cho Nghị định 64. Hy vọng, Nghị định mới sẽ xử lý được bốn vấn đề nói trên.