Não mini, vắc-xin sốt rét, và thận heo ghép cho người

Đoạn kết có hậu cho vắc-xin sốt rét
Về mặt lý thuyết, ta vẫn thường nói Trái đất là một ngôi nhà lớn nhân loại sống cùng nhau, kẻ này ho thì kẻ khác ắt phải bị ảnh hưởng. Về mặt thực hành, ta thường ơ hờ với những gì xảy ra ở nước khác, lục địa khác. Đó là một thực tế, ta biết là không hay nhưng biết làm sao, ta vẫn là “người thường”.

Não mini, vắc-xin sốt rét, và thận heo ghép cho người

Thí dụ, nhiều người chúng ta sẽ không quan tâm mấy việc mỗi năm ở châu Phi có hơn 260 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi chết vì sốt rét. Châu Phi xa quá, đến thức ăn của họ ta cũng chưa ăn, nhạc của họ ta chưa từng nghe... Do đó vào tháng 10 vừa qua, nhiều người hẳn đã thờ ơ nghe tổng giám đốc của WHO reo lên: “Đây là một thời khắc lịch sử!” khi lần đầu tiên vắc-xin chống sốt rét cho trẻ em được phê duyệt chính thức. WHO gọi đây là một sự đột phá của khoa học, đặt cho vắc-xin này một cái tên rất khô khan là RTS,S/AS01 (tức RTS,S), và đề nghị dùng nó rộng rãi. Ông tổng giám đốc WHO nói một cách cảm động: “Chúng ta kỳ vọng nhiều trẻ em châu Phi sẽ được bảo vệ khỏi bệnh sốt rét, rồi lớn lên thành những người lớn khỏe mạnh”.

Vắc-xin này có một lịch sử dài dòng. Được làm ra vào năm 1987, nó phải mất hơn 30 năm để mà hoàn thiện và thử nghiệm ở những vùng có dịch, với sự hợp sức bền bỉ từ nhiều trung tâm khoa học và nhà hảo tâm, trong đó có hơn 100 triệu USD đến từ ông bà Bill và Melinda Gates - hai con người mà năm qua ta chỉ quan tâm việc họ ly dị nhau như thế nào. Nếu đại dịch Covid không xảy ra, có lẽ còn lâu vắc-xin này mới được phê duyệt, do hiệu quả của nó còn thấp, giá lại cao (đến giờ người ta vẫn gọi nó là một “vắc-xin chưa hoàn hảo”). Tuy nhiên, sau khi chứng kiến một loạt vắc-xin chống Covid được cấp phép “rút ngắn giai đoạn”, người ta chợt nghĩ nhiều tới những vắc-xin cho các bệnh cũng nguy hiểm và thậm chí còn nguy hiểm hơn Covid nhưng lâu nay vẫn bị ách tắc ở khâu cấp phép, trong đó có sốt rét.

Thận heo ghép được cho người

Trong tháng 10 vừa rồi, “một bước đột phá to lớn” khác của ngành y chính là ca ghép thận heo đầu tiên (và thành công) tại Viện N.Y.U. Langone Health.

Chúng ta thường nghĩ về heo dưới dạng các món ăn, nhưng trong y khoa, đó là một nguồn lực “cứu mạng”: van tim heo ghép được cho người hỏng van tim, tế bào tụy heo ghép được cho người tiểu đường, da heo ghép được tạm thời cho người bỏng nặng để che chở vết thương... Nói chung rất nhiều thứ trong cơ thể một con heo có thể cứu một (hoặc nhiều) con người. Heo lại dễ nuôi, mau lớn, mau trưởng thành, và quan trọng là heo... rất “khác người”, có làm gì heo cũng không làm nảy sinh những băn khoăn về đạo đức như khi ta giết một con khỉ (rất giống người) để lấy thận nó ghép cho một con người.

Cái dở nhất là tế bào heo có chứa chất đường alpha-gal khiến cơ thể người hễ gặp là đào thải ngay lập tức. Người ta bèn biến đổi gien một con heo để tế bào nó không tiết ra alpha-gal nữa, lấy thận của nó nối tắt vào mạch máu của một bệnh nhân đã chết não hiện sống bằng máy thở (dĩ nhiên có sự đồng ý từ gia đình). Thật kinh ngạc: quả thận heo đã hoạt động ngay lập tức, không bị đào thải, cũng không loay hoay mất thời gian thích ứng, cứ thế mà lọc máu và tạo nước tiểu “một cách bình thường”.

Lần đầu tiên trên thế giới diễn ra thí nghiệm này: dùng hẳn một quả thận của con vật làm thay cho thận một con người. Thí nghiệm tuy gọi là thành công nhưng chỉ tiến hành trong 54 tiếng, và theo giới chuyên môn muốn ứng dụng được thì đường còn xa, vẫn còn rất nhiều thứ phải nghiên cứu tiếp: ghép thận heo biến đổi gien cho người có sao không? Virus từ heo có sang người không? Về lâu dài có bị đào thải không?...

Dù sao, cảnh tượng một quả thận heo làm được công việc của một quả thận người vẫn mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mòn mỏi chờ ai đó hiến cho mình một quả thận. Quá nhiều người bị hỏng thận nhưng lượng người hiến thận lại quá ít. Chúng ta dù có yêu khoa học vẫn không tin chết là hết, vẫn không hiểu nếu có một thế giới sau khi chết thì thế giới ấy có cần đến những quả thận nguyên vẹn không để mà mạnh dạn ký giấy hiến tạng. Thôi thì, ở những chỗ nào mà con người còn lưỡng lự cân nhắc, y học sẽ dùng con heo.

Bộ não vĩ đại mới làm ra được não mini

Sống giữa muôn loài nhưng con người quả thật là chúa tể, coi mình là trung tâm. Con vật nào làm ta hài lòng thì ta gìn giữ và nhân rộng (cá hồi, heo, bò), con nào đe dọa thân thể ta thì ta giết ngay (sâu róm, kiến ba khoang). Để hiểu về cơ thể con người, ta dùng cơ thể các con vật khác thí mạng. Ta dùng chày vồ đập nát đùi một con chó đang sống để nghiên cứu về sốc chấn thương, ta tiêm các chất độc cho thỏ, nhìn nó quằn quại rồi ghi chép tỉ mỉ về tác dụng của các thuốc ấy. Với danh nghĩa “vì khoa học”, người ta bỏ qua cảm xúc và cảm giác của giun tròn, chuột bạch, thỏ, heo, và cả khỉ - vốn có biểu hiện rất giống con người. Các thí nghiệm y khoa đều bạo dạn với bọn động vật thấp cổ bé họng, nhưng đều cẩn trọng hết cỡ khi áp dụng lên cơ thể người.

Nhờ công nghệ và truyền thông, tiếng nói của các tổ chức vì động vật ngày càng được lắng nghe, người làm thí nghiệm cũng ngần ngừ hơn trước hai chữ “đạo đức” để mà tìm ra những cách thí nghiệm ít làm khổ con vật. Một trong những cách ấy là não mini, do các nhà khoa học Áo tạo nên từ 2013.

Về mặt kỹ thuật, người ta lấy tế bào da ở người trưởng thành, dùng kỹ thuật khiến chúng “quay ngược” trở về thành tế bào gốc. Từ “mốc số 0” đó, người ta nuôi chúng trong một điều kiện đặc biệt công phu để chúng biệt hóa và nhân lên thành hàng triệu tế bào não, trở thành một khối mô não bé bằng đầu đinh ghim, có cấu trúc của một bộ não ở bào thai 12 tuần tuổi, trôi lẻ loi trong đĩa nuôi cấy.

Là mô não, những bộ não mini ấy cũng phát ra sóng não nhưng lại không thể tri giác, không có cảm xúc, cảm giác. Chúng là não mà không phải là não do không có mạch máu nuôi, không có các loại tế bào khác của một bộ não bình thường. Người ta dùng chúng như một bản sao của mô não để quan sát cung cách truyền tin và tiếp xúc giữa các tế bào não (làm sao ta có thể chĩa kính hiển vi vào não một người đang sống để mà xem như thế từ ngày này sang ngày khác?) Quan trọng nhất, người ta dùng não mini để bơm thử các loại thuốc, hoặc cho chúng trải qua các điều kiện ngặt nghèo xem chúng phản ứng ra sao - cũng là những thí nghiệm ta không thể làm trên não một người đang sống.

Khoa học càng phát triển, người ta càng háo hức tìm hiểu về bộ não. Nơi nơi làm não mini, lấy tế bào từ những người bị ADSL, bị Alzheimer, Parkinson, tự kỷ..., xem thử các mô hình não ấy khi hoạt động sẽ hỏng hóc chỗ nào, rồi đáp ứng với những thuốc nào. Hồi tháng 8 năm nay, một số não mini đã “mọc ra” được cả cấu trúc của mắt (dù thô sơ), hệt như ở bào thai người... Một tương lai chữa trị ngày càng hứa hẹn cho những bệnh về não, đặc biệt là những người đột quỵ. Biết đâu đấy, vào một ngày không xa, những phần não bị hỏng ở người đột quỵ cũng sẽ được thay thế bằng các mô não mini, cũng đơn giản như giờ ta thay thủy tinh thể...

Nhìn khoa học đi những bước vừa tinh vi vừa vĩ đại như vậy, ta không thể thắc mắc sao một giống loài thông minh thế lại cũng là giống loài dại dột thế, tự làm hại mình và hại ngôi nhà chung của mình nhiều nhất, tuy nhận ra cả đấy mà không sao dừng lại được. Sẽ là mơ mộng viển vông nhưng cũng đẹp biết bao nhiêu, nếu trí khôn ấy bớt tập trung vào con người hơn, bớt coi con người là “rốn của vũ trụ”, dùng trí khôn ấy để giữ gìn sự cân bằng và hài hòa của ông Trời đã tặng, kéo dài hơn nữa thời gian con người được sống hiền hòa trên Trái đất này.