Nắm bắt thời cơ phát triển giao thông “xanh”

Xe điện tại Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, hiện loại hình này đang vướng rất nhiều hạn chế về hạ tầng, chính sách phát triển... Việt Nam sẽ lỡ cơ hội phát triển ngành công nghiệp xe điện đầy tiềm năng nếu không đón đầu xu thế với những chính sách khuyến khích kịp thời.

Xe buýt điện thông minh VinBus chạy thử tuyến tại Hà Nội. Ảnh | Trang Nguyễn
Xe buýt điện thông minh VinBus chạy thử tuyến tại Hà Nội. Ảnh | Trang Nguyễn

Hiện nay, xe điện hóa trên thế giới phổ biến với ba dòng chính: xe hybrid (HEV: Hybrid Electric Vehicle) sử dụng cả động cơ điện và động cơ đốt trong, xe hybrid sạc ngoài (PHEV: Plug-in Hybrid Electric Vehicle) có thể nạp lại pin bằng phanh tái sinh hoặc bằng cách cắm vào nguồn điện bên ngoài, xe thuần điện (BEV: Battery-powered Electric Vehicle) sử dụng hoàn toàn động cơ điện với bộ pin có thể nạp lại được.

Số liệu công bố tại Hội thảo trực tuyến “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” vừa tổ chức đầu tháng 9 cho thấy, đầu tư phát triển xe điện ở nhiều nước trên thế giới đã tăng 4 lần từ năm 2015 đến năm 2020. Không chỉ châu Âu, Mỹ, những quốc gia lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản... đều ban hành nhiều chính sách cụ thể, dành nhiều ưu đãi từ khâu sản xuất cho đến người dùng (miễn giảm thuế, tài trợ tiền cho người mua xe...); đồng thời, đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng trạm sạc để khuyến khích chuyển đổi xe xăng sang xe điện. Xe điện hóa đang được nhiều quốc gia coi là giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Các chuyên gia dự đoán, số lượng ô-tô điện bán ra sẽ tăng lên 20% chỉ trong 4 năm tới, đến năm 2030 tăng lên 40% và tăng 85% vào năm 2035.

Còn tại Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, số lượng xe điện hóa chiếm tỷ lệ rất ít, cụ thể năm 2019 là 140 xe, năm 2020 tăng lên 900 xe và hết quý I/2021 là 600 xe. Tất cả đều là xe nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe HEV, do tính năng của dòng xe này vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thời gian nạp nhiên liệu nhanh và di chuyển được quãng đường dài, còn xe PHEV và BEV chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi đó, Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào ngoài VinFast đang hoạt động sản xuất, lắp ráp xe điện. Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh đánh giá về lĩnh vực xe điện: “Nhìn chung, các dòng xe điện hóa chưa phổ biến tại Việt Nam. Ngoài sự hạn chế về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường...”.

Một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô-tô, xe máy tại Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm, sản xuất và ra mắt các loại xe thân thiện với môi trường. VinFast đã chào bán xe VFe34, mẫu ô-tô điện đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, từ tháng 3/2021, đến nay với hàng nghìn đơn đặt hàng đang chờ thời điểm giao xe vào tháng 11/2021. Trong khi đó, Mitsubishi cũng đã từng đưa mẫu xe điện về Việt Nam thử nghiệm, nghiên cứu khả thi, hay KIA cũng đang có kế hoạch lắp ráp xe điện tại Nhà máy Thaco - Chu Lai... Tuy nhiên, đến thời điểm này, thị trường xe ô-tô điện vẫn phải chờ các hãng hoàn thiện hạ tầng.

Để nắm bắt cơ hội phát triển xe điện, nhiều chuyên gia cho rằng cần có một số giải pháp như: Áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường; Xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô-tô điện; Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện...

Đề cập vấn đề này tại Hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, với hạ tầng trạm sạc, nếu có chính sách ưu đãi về cấp đất, tín dụng (giảm lãi suất) dành cho các nhà đầu tư sẽ là hướng tốt, nhưng cần có cam kết, mục tiêu, lộ trình rõ ràng giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân để hiện thực hóa, nhất là vấn đề tính toán số lượng ô-tô chạy điện thay cho ô-tô chạy xăng để bảo đảm giao thông đô thị.

Việc chuyển đổi từ phương tiện chạy xăng sang phương tiện chạy điện để bảo vệ môi trường là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, loại phương tiện này ở Việt Nam vẫn còn mới, những quy định, chế tài để quản lý và mặt kỹ thuật cũng như vận hành còn chưa đầy đủ, dẫn đến người dùng cũng như các doanh nghiệp vận tải chưa mặn mà. Để đón đầu xu hướng này, các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu, đưa ra quy định quản lý một cách chặt chẽ, đồng thời giúp cho xe điện thân thiện với môi trường phát triển bền vững trong tương lai.

DƯƠNG KHÁNH