Một tin buồn, một tin vui, và một hướng giải quyết câu chuyện buồn về tự kháng thể

Có thể nói, cơ thể ta mỗi giây phút đều nằm trong tình trạng “thập diện mai phục”, đủ loại mầm bệnh trong và ngoài cùng tấn công. Thế nhưng lâu lâu ta mới phải dùng đến thuốc, đủ biết các đợt tấn công 24/7 ấy đa phần đã bị vô hiệu hóa. Công đầu ấy thuộc về hệ miễn dịch - một hệ thống chằng chịt không có hình hài rõ ràng như gan như thận, hoạt động cần mẫn ngày đêm nhưng phức tạp đến nỗi... ta không muốn tìm hiểu thêm cho mệt óc.

Minh họa : Lê Trí Dũng
Minh họa : Lê Trí Dũng

Nhiều bạn hẳn đã biết, giữa đoàn quân miễn dịch đông đảo ấy có một “đại đội” gồm các Interferon, chuyên bảo vệ tế bào bằng cách ngăn cản virus sinh sôi. Các bạn hẳn cũng đã nghe, rằng kháng nguyên là những thứ xâm nhập cơ thể, kháng thể là thứ mà cơ thể tạo ra để chống lại kháng nguyên. Còn tự kháng thể là gì? Đó là một nhầm lẫn ngớ ngẩn của hệ miễn dịch: tạo ra kháng thể để chống lại chính cơ thể, nôm na là “coi ta là địch”.

Nguy hiểm là, theo Nature, ở nhiều người bị Covid-19 nặng đã xuất hiện các tự kháng thể tấn công và ngăn cản Interferon “thi hành công vụ”. Có nghĩa là vào đúng lúc cần kíp nhất thì hệ miễn dịch “tự dưng” sinh ra những chất chống lại “phe ta”, mở đường cho virus hoành hành.

Kết luận này có được sau khi các nhà khoa học thuộc Đại học Rockefeller (Mỹ) nghiên cứu 3.595 bệnh nhân Covid-19 nặng nằm phòng cấp cứu từ 38 nước. Họ thấy 13,6% các bệnh nhân này có tự kháng thể, với 21% số đó là các cụ già hơn 80 tuổi, và cứ khoảng 5 người chết vì covid-19 thì 1 người có tự kháng thể.

Trước đó, các nhà khoa học đã thấy ở một số rất nhỏ người bình thường không nhiễm bệnh cũng có tự kháng thể này trong máu, mà chiếm phần đông vẫn lại là những người già; điều này lý giải vì sao người già khi mắc covid-19 thì hay trở nặng.

Làm sao đây? Biết làm sao được... Cơ thể ta là một cỗ máy dùng lâu năm thì sẽ chệch choạc, và hệ miễn dịch tinh vi kia cũng phải chệch choạc theo ít nhiều. Hiểu quy luật là thế để mà biết quý những ngày tháng còn trẻ, khi hệ miễn dịch còn mạnh khỏe. Trong một thế giới ngày càng nhiều hóa chất và yếu tố lạ, rồi chúng ta sẽ phải làm quen nhiều hơn với các thuật ngữ và kiến thức về miễn dịch. Nhưng quả thật tự kháng thể trong Covid-19 là một câu chuyện đáng ngậm ngùi của một hệ thống miễn dịch đã trở nên lầm lẫn, và là minh họa rõ nhất của câu nói mà có lẽ ai cũng thuộc: “Kẻ thù lớn nhất của ta là chính ta”.

Tin vui cho não người già

Như tất cả các bộ phận của cơ thể, não cũng sẽ già đi theo thời gian, thậm chí già nhanh hơn do ta dùng nhiều hơn, cường độ cao hơn - đó là suy nghĩ của chúng ta lâu nay. Nhiều người “mới” bốn, năm mươi thôi đã không chịu học thêm môn gì nữa, bảo rằng “muộn rồi”, não không thể tập trung, và họ cứ thế sống uể oải thêm 40, 50 năm nữa trong một niềm tin rằng não mình chỉ càng ngày càng hỏng.

Rõ ràng là não về già không thể nhanh nhạy như hồi còn trẻ: hình dung về không gian kém hơn, tốc độ xử lý chậm hơn... Nhưng tin vui là một số khả năng của não lại sắc bén hơn theo thời gian, và những người vẫn còn ham học nên tranh thủ điều đó.

Theo một bài viết trên Science Alert, các nhà khoa học thuộc Đại học Georgetown mới đây đã tiến hành nghiên cứu với 702 người ở độ tuổi từ 58 tới 98, mục đích là xem độ suy thoái theo tuổi tác của ba khả năng: cảnh báo, định hướng, và điều phối, vốn là ba quy trình mà não chúng ta vẫn dùng thường xuyên.

“Thí dụ khi lái xe, khả năng cảnh báo giúp bạn chuẩn bị mỗi khi tới ngã tư. Khả năng định hướng giúp bạn chuyển sự chú ý vào một hoạt động bất ngờ, thí dụ có người qua đường. Khả năng điều phối giúp bạn ngăn lại những thứ chia trí như bảng quảng cáo hay một bầy chim để chỉ tập trung vào lái xe,” nhà tâm lý học ngôn ngữ João Veríssimo (Bồ Đào Nha) giải thích một cách dễ hiểu.

Nghiên cứu cho thấy: khả năng cảnh báo của người già trước những tình huống mới phát sinh tuy có kém đi, nhưng họ lại biết định hướng sự chú ý tốt hơn; họ cũng ít xao nhãng hơn nhờ biết điều phối, gạt bỏ những thứ “lăng nhăng”. Và thế là quá đủ! Sống ở đời không việc gì khó bằng kiểm soát ý nghĩ của bản thân; chẳng cần quá giỏi giang, chỉ cần giữ được tập trung, không xao nhãng là đã gần như nắm chắc thành công; mà hai kỹ năng này lại càng già càng tốt. Người cao tuổi nên tranh thủ những lợi thế này để tập trung làm những việc cần làm.

Nhà thần kinh học Michael Ullman đã lý giải sự “càng già càng cay” này “nhiều phần là do ta vẫn thực tập các kỹ năng này trong suốt cuộc đời” - mà cái gì càng tập nhiều thì sẽ càng giỏi. Vả lại, khi huyết áp và tim mạch không cho phép, chân tay xương khớp sểnh ra là đau, ham muốn nhục dục cũng chẳng còn nhiều, thì rõ ràng ta sẽ tập trung hơn, bớt chia trí hơn nhiều lắm.

Ngoài ra, người ta thấy khả năng “nghe một hiểu hai”, thấu suốt từ ngữ cũng tăng lên ở người già. Dĩ nhiên rồi, đi lâu ắt phải thạo đường, nhưng tiếc thay, khi ta già quá thì hai khả năng này có vẻ “vô dụng”, vì người trẻ mấy khi cần đến sự tinh tế muộn màng ấy của người già!

Hãy bớt ăn muối từ hôm nay

Giả sử hỏi một người nội trợ rằng bắt chị ra một hòn đảo sống ba tháng, cho là có đủ nồi và bếp nhưng lại không có gia vị, nếu chỉ được mang một lọ gia vị duy nhất, chị mang theo lọ nào? Chắc chắn chị ấy hay chị nào thì cũng mang theo lọ muối. Cây viết khoa học Peter Dockrill nhận xét việc dùng muối rất giống trò “ăn gian”: vẫn thịt đó cá đó, nhưng chỉ vẩy thêm tí mặn là cái món đang nấu trên bếp “ra vấn đề” ngay. Và để ngon miệng, chúng ta phải trả giá khá đắt cho thứ gia vị rẻ tiền mà thần kỳ ấy.

Để hoạt động được bình thường, cơ thể ta rất cần một chất tên là Natri (sodium). Natri đóng vai trò “then chốt một cách tinh vi” trong mọi quy trình, từ dẫn truyền thần kinh tới trao đổi chất, từ duy trì huyết áp tới lọc máu ở thận, v.v... Và vì quan trọng thế nên thừa hay thiếu Natri cũng sinh rắc rối. Thiếu Natri thì mọi thứ đều gần như “sập nguồn”, thừa Natri thì làm hư hại các cơ quan...

Natri mà ta nạp vào chủ yếu từ muối ăn, thứ gia vị rẻ nhất và có thể khai thác vô tận từ biển cả. Thiên nhiên lại có một sự chu đáo đến kỳ lạ: biển cả chiếm tới 3/4 diện tích bề mặt quả đất, có nghĩa là ta sẽ không bao giờ phải lo thiếu muối, trừ phi quên mua.

Nhưng những trục trặc về sức khỏe con người hình như luôn luôn là do dùng thừa chứ không do dùng thiếu. Ai thì cũng thích ăn ngon, nhất là thời bình. Người người đua nhau nấu ăn, làm ra những món đậm đà, lắm muối (và mì chính nữa). Ngày càng nhiều người bị cao huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh thận..., có khi mới chớm trung niên. Có người tặc lưỡi bảo thôi đời là mấy, cứ ăn cho vừa miệng đã, bệnh quỷ đã có thuốc tiên, bắt ăn nhạt đi có mà như tra tấn.

Khoa học nhanh nhạy: trong nhiều siêu thị đã có mặt muối “giả”, có độ mặn như muối Natri nhưng phần lớn Natri đã được thay bằng Kali. Tuy nhiều người vẫn nói loại muối “giả” này cũng hại cơ thể không kém gì muối “thật” nếu dùng nhiều; nhưng theo Peter Dockrill, vẫn chưa có các thử nghiệm lâm sàng đủ lớn để đánh giá điều này...

Thế rồi hôm 29/8, Tạp chí Y khoa New England (NEJM) đã công bố kết quả cuộc đại thí nghiệm của Viện Sức khỏe Toàn cầu George (Úc) tiến hành tại... Trung Quốc. Các nhà khoa học đã khảo sát 20.000 người dân ở 600 ngôi làng, là những người từng đột quỵ hoặc huyết áp có vấn đề. Tuổi trung bình khi bắt đầu thử nghiệm là 65. Trong quá trình thử nghiệm, một nửa số người tham gia được phát muối “giả” để dùng, còn nhóm chứng là nửa số còn lại vẫn dùng muối “thật” trong nấu ăn.

Sau 5 năm, trong số 20.000 người tham gia thử nghiệm thì hơn 4.000 người qua đời, 3.000 người bị đột quỵ, và khoảng 5.000 người có dạng rối loạn tim mạch nào đó. Dĩ nhiên là rất buồn, nhưng nhắc lại, đối tượng được chọn để thử nghiệm ngay từ đầu đã ở tuổi 65 và từng đột quỵ hoặc có vấn đề tim mạch. Điều cần lưu ý ở đây là tỷ lệ người chết, người đột quỵ, người gặp biến chứng tim mạch ở nhóm dùng muối giả thấp hơn rõ rệt so với nhóm dùng muối thật. Nhóm nghiên cứu kết luận, nếu dùng muối giả trên quy mô toàn Trung Quốc thì mỗi năm sẽ cứu sống được khoảng 460.000 người, còn nếu cả thế giới dùng thì mỗi năm con số ấy lên đến hàng chục triệu.

Tuy nhiên, nói thì “xanh tươi” vậy, nhưng thực tế lại “xám xịt” kiểu khác.

Theo các chuyên gia, thí nghiệm này tiến hành ở làng quê Trung Quốc, nơi người dân ít khi ăn thực phẩm chế biến sẵn. Họ trực tiếp nhón muối bỏ thẳng vào nồi khi nấu. Ngược lại, người thành thị hay ăn thực phẩm chế biến sẵn, là thứ đã có sẵn muối Natri rất “đậm đà”, nên muối giả nếu có dùng ở bếp thành thị cũng khó mà lấn át được muối thật. Đáp lại, các tác giả bảo hay ta thay muối giả vào tất, từ các gói bim bim đến các hộp thịt hộp, tuy có đắt hơn một tí nhưng tác dụng lại vô cùng lớn?

Tranh cãi sẽ còn dài, vì muối giả hay muối thật nếu dùng nhiều cũng gây hại. Mà chờ đợi làm gì, mỗi người chúng ta ngay từ bữa trưa hôm nay đều có thể bắt đầu công cuộc bảo vệ mình bằng cách bớt ăn mặn đi một chút, ăn hoa quả thôi chấm muối, ăn rau luộc bớt chấm mắm, nhịn ăn những thứ nấu sẵn ngoài đường. “Cơ thể ta là đứa con ta”, ta không bảo vệ nó thực chẳng còn ai có thể bảo vệ nó.