Họa sĩ Trần Nhật Thăng:

“Miền không” yên lặng

Thăng bảo, hồi đó thi đại học hai năm mới đỗ. Tốt nghiệp, cũng phải mất... hai năm lăn lóc mới ra trường nổi. Đại khái khóa luận, chọn họa sĩ Dương Bích Liên, nhẽ phải tìm hiểu nghệ thuật thì được nghe chuyện cuộc đời danh họa, mê quá cứ thế mà phang ra, tán tụng, đâm trượt vỏ chuối. Mãi cũng ra được trường, thế rồi ra trường, chân ướt chân ráo đã có triển lãm cá nhân từ những năm 1996, 1997, ngay lúc bạn bè cùng lứa cùng thời còn hoang mang loay hoay giữa các ngã đường.

Tác phẩm Miền xanh -Bluedom của Trần Nhật Thăng tại triển lãm Miền không.
Tác phẩm Miền xanh -Bluedom của Trần Nhật Thăng tại triển lãm Miền không.

1/4 thế kỷ đi cùng hội họa, mọi thứ của Thăng dường như nhẹ tênh, chẳng mấy áp lực, không nhiều toan tính, cứ sành điệu trưng ra cái bản năng trực sẵn trong mình để tác thành một tên tuổi Trần Nhật Thăng đầy kiêu hãnh...

“Miền không” yên lặng -0

Ký họa chân dung họa sĩ Trần Nhật Thăng của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường. 

Từ triển lãm lần đầu ở tuổi thanh xuân rực rỡ, đến số 13 đang diễn ra, Trần Nhật Thăng luôn nhất quán với lựa chọn: trừu tượng. Nhưng con đường trừu tượng lại biến chuyển, lưu dấu chính sự biến chuyển và bung tỏa nội tâm theo từng quãng thời gian, nhận thức. Ngay từ những năm tháng sinh viên bạt mạng, chơi cũng lắm yêu cũng dữ dội, may mắn được gặp, được học và được giao du với họa sĩ Đỗ Minh Tâm lẫn Nguyễn Cầm - những cá nhân có đóng góp lớn cho hội họa trừu tượng Việt Nam, Thăng đã nhận diện ra mình. Sở hữu vẻ ngoài của một gã trai đỏm dáng, thời trang và điệu đàng, điệu từ cách đặt tên các triển lãm, thí dụ như chuỗi Miền nối kết trong nhiều thập niên, Miền quên, Miền xanh, Miền xa lắm... đến Miền không - triển lãm cá nhân lần thứ 13 (tại không gian nghệ thuật Hakio Let’s art - 38 Trần Cao Vân, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh) - bây giờ, Trần Nhật Thăng đều bảng lảng trong thế giới giao hòa giữa hữu hình - vô hình và không tưởng. Bản thân Thăng là sự tổng hợp của những mảng miếng đối lập, tương phản giữa một tay chơi và một người đàn ông của gia đình, chu đáo với các bổn phận đời thường; tương phản giữa cái kiệm mầu tĩnh lặng với những bộn bề xáo trộn trong các chuyển động của hình.

Cũng bởi sinh ra và lớn lên dưới nếp nhà nghệ thuật, thụ hưởng gen tài hoa của người cha - một nghệ sĩ nổi tiếng có nhiều thành tựu được ghi nhận, Thăng sớm chứng kiến, trải nghiệm, chiêm nghiệm những thách thức mà một cá nhân làm nghệ thuật đích thực phải đối mặt. Bởi vậy, có chiều cái tôi cả đời thường lẫn nghệ thuật đến đâu, Thăng vẫn luôn ý thức điểm dừng, luôn biết cái giới hạn của mình để cân bằng trong miền không đầy trách nhiệm. Ý thức được bổn phận xã hội của nghệ sĩ, Trần Nhật Thăng nhiệt tình, xông xáo và hiệu quả với các hoạt động thiện nguyện. Chừng 10 năm trước, anh khởi xướng triển lãm ngay tại không gian nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, một ý tưởng lặp đi lặp lại trong đầu Thăng 20 năm sau khi cảm nhận thấu hiểu những mất mát khôn cùng và sự hy sinh vô giá của những người lính cho hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Vượt ra khỏi một cuộc trưng bày tác phẩm hội họa, triển lãm ở Nghĩa trang quốc gia Trưởng Sơn (Quảng Trị) trở thành sự kiện xã hội được biết đến rộng rãi.

Thảng hoặc, trong những lúc ngoái về quá khứ, hồi ức về tuổi thơ, Trần Nhật Thăng hay nhớ tới những khó khăn của tháng năm dưới thời bao cấp túng thiếu, nhớ về những người bạn văn nghệ của bố, và cả những chật vật đớn đau mà một nghệ sĩ dấn thân như bố anh phải chấp nhận. Thăng cũng mang nhiều ẩn dụ trong mình và biểu hiện chúng trong hội họa. Vào đời đúng giai đoạn đất nước đã mở cửa, thời bao cấp và những hệ lụy kèm theo chỉ còn được nhắc đến trong các giai thoại trà dư tửu hậu để cười và để trân trọng thêm hiện hữu, Trần Nhật Thăng như một họa sĩ tiên phong năng động năng nổ với các cuộc chơi cả đời thường lẫn nghệ thuật.

Chơi đấy xả láng đấy mà quyết không “bán mình”, không “làm hàng” hay dễ hiểu hơn, chưa bao giờ quan niệm vẽ để chiều thị hiếu, nhún theo thị trường và những người mua tranh đang mỗi ngày một đông thêm. Thăng có lúc xuất hiện trước công chúng như một nghệ sĩ thị giác thời thượng và đình đám, trong một show thời trang tóc, một buổi trình diễn - sắp đặt từng trở thành trào lưu được ưa chuộng, cũng hay xuất hiện trên các trang báo bàn từ chuyện nuôi con đến... hoa hậu, người mẫu và đủ thứ thuộc về đời sống, giao lưu vẽ cùng các em bé mắc bệnh hiểm nghèo... Chỉ riêng hội họa là anh kiệm lời, chắc bởi muốn để chính tác phẩm của mình lên tiếng, tung tẩy trong những cảm hứng bất chợt, trong sự mãnh liệt được dồn nén, trong tầng tầng những lớp màu mỏng tang sương khói ảo ảo mộng mộng. Tự biết mình muốn gì cần gì, cuộc đời hay nghệ thuật rốt cục là vui, là chơi, là tìm lấy sự bình an thư thái chứ không chỉ nhăm nhăm cho những cái đích đến.

Trừu tượng của Thăng thực ra không bí hiểm, không nhăm nhăm tỏ vẻ... khó gần mà dễ để mọi người diễn giải theo cách riêng, diễn giải về những miền không luôn thường trực trong mỗi cá nhân, như Thăng cũng từng diễn giải lời Thầy Viên Minh: “Sống hay chết đối với bạn không có vấn đề gì, đó là Không; Được hay mất đối với bạn không có vấn đề gì, đó là Không; Thành hay bại đối với bạn không có vấn đề gì, đó là Không; Hơn hay thua đối với bạn không có vấn đề gì, đó là Không; Sinh hay diệt đối với bạn không có vấn đề gì, đó là Không; Có hay không đối với bạn không có vấn đề gì, đó là Không; Thiện hay ác đối với bạn không có vấn đề gì, đó là Không; Tịnh hay động đối với bạn không có vấn đề gì, đó là Không; Niết bàn hay sinh tử đối với bạn không có vấn đề gì, đó là Không”.

Triển lãm hay không, thì vẫn vẽ; bán tranh hay không, thì nghệ sĩ vẫn lao động như một cách thực hành nghệ thuật để tỉnh thức và tồn tại, Trần Nhật Thăng trong những ngày dịch dã, những khoảng thời gian cách ly xã hội vẫn xoay chuyển giữa các cung bậc cảm xúc được bật căng trên toan vải. Anh thành tâm tặng tranh cho các chương trình đấu giá từ thiện ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch... Miền xanh tác phẩm chất liệu tổng hợp khổ lớn đã được một nhà sưu tầm giấu tên mua với giá 450 triệu đồng và tặng lại cho ban tổ chức.

Bức tranh tiếp tục được chào bán và kết thúc bằng tiếng gõ búa đem về số tiền không hề nhỏ từ một nhà hảo tâm yêu nghệ thuật, góp vào quỹ phòng chống dịch. Thản nhiên như một sự tình cờ, không sắp đặt chẳng chuẩn bị, Thăng gặp Trang Hạnh - nữ chủ nhân của Hakio Let’s art, lời mời được đưa ra và lần đầu tiên Trần Nhật Thăng đem tranh vào TP Hồ Chí Minh cho triển lãm cá nhân thứ 13 với 30 bức tranh khổ lớn chứa chở cái khoáng đạt khôn cùng của một nghệ sĩ nhiều nội lực và chưa hề mỏi gối, chồn chân...