Khi phái đẹp lên chốt

Trên dặm dài biên giới, có gần 2.000 tổ chốt biên phòng với hàng chục nghìn con người ngày đêm thi gan cùng mưa nắng, sương giá và nhiều hiểm nguy để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19. “Anh hùng đâu phải cứ mày râu” nhiều nữ quân nhân cũng sẵn sàng có mặt ở những nơi khó khăn nhất, hỗ trợ, chăm sóc đồng đội và nhân dân trong những ngày cả nước đồng lòng chống dịch.

Khi phái đẹp lên chốt

Dịu dàng nữ chiến sĩ quân y

Là một chiến sĩ quân y làm nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ninh, có thể nói Thiếu tá Phạm Thị Nhỏ là nữ quân nhân đầu tiên trên cả nước đối diện với dịch bệnh trong những ngày đầu chủng virus xâm nhập vào nước ta từ dòng người hồi hương ăn Tết Nguyên đán. Thời điểm đầu năm 2020, để lại hai con còn đang tuổi ăn học tại thành phố Hạ Long cho ông bà chăm sóc, chị túc trực ngày đêm tại đơn vị.

Với kinh nghiệm 31 năm công tác, Thiếu tá Nhỏ đã chủ động tham mưu chỉ huy đơn vị triển khai hiệu quả, kịp thời các mệnh lệnh, chỉ thị về phòng, chống dịch bệnh của cấp trên. Là đơn vị đảm nhận kiểm soát xuất nhập cảnh với cường độ cao và tình trạng vượt biên, mang vác hàng lậu qua biên giới phức tạp, nên cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng thường xuyên phải tuần tra, mật phục thâu đêm. Nhưng bất kể anh em trở về vào thời gian nào, chị đều có mặt để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe cho đồng đội.

Khi dịch lan nhanh, thành phố Móng Cái trở thành địa bàn cách ly tập trung với lượng người đông đảo, nhân dân các phường giáp biên cũng đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao. Người dân các phường Trần Phú và Ka Long lại thường xuyên bắt gặp nữ y sĩ điềm đạm, có giọng nói nhẹ nhàng, đầy thuyết phục ấy tham gia các hoạt động phòng, chống dịch trong khu dân cư. Tổ công tác của Đồn Biên phòng Móng Cái “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để nắm tình hình nhân dân, đo thân nhiệt, khám sức khỏe cho từng người.

Nếu Thiếu tá Nhỏ là một y sĩ có nhiều năm công tác trên tuyến đầu, thì y tá Trần Thị Việt Trinh, nữ dân quân xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An còn rất trẻ. Từ năm 2012, khi mới ngoài đôi mươi, Trinh đã xin gia nhập lực lượng dân quân thường trực xã và được cử đi học lớp đào tạo y tá năm 2019, theo chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 về việc cử dân quân đi đào tạo nghiệp vụ y tá.

Sau hai năm rèn luyện, học tập để “sâu y lý - giàu y đức - giỏi y thuật”, Trinh hoàn thiện khóa học với tấm bằng loại giỏi của Trường Cao đẳng Quân y 2, trở về địa phương tiếp tục phục vụ, trở thành một trong những nữ dân quân đầu tiên lên chốt dân quân biên giới. Điều kiện sinh hoạt ở các chốt còn khó khăn, đa phần chưa được kiên cố hóa nên rất bất tiện đối với phụ nữ. Song cô gái Mộc Hóa kiên cường ấy đã vượt qua tất cả để bám chốt, bám đường biên và bám dân, tích cực chăm sóc người bệnh bất kể ngày đêm, mưa nắng.

Khi phái đẹp lên chốt -0
Thiếu tá Phạm Thị Nhỏ chuẩn bị thiết bị y tế để tham gia khám sàng lọc dịch bệnh tại địa bàn. 

Tiếng lành đồn xa, cô y tá “sao vuông” ở vùng biên Bình Hòa Tây được bà con tin tưởng, thường nhờ cậy thăm khám và điều trị mỗi lúc ốm đau, nhức mỏi. Gần hai năm qua, vừa tham gia ứng trực tại các chốt dân quân, Trinh vừa chạy tới chạy lui như con thoi để khám chữa bệnh cho bà con trong điều kiện hạn chế đi lại. “Với tấm lòng luôn hướng về quê hương, đất nước, nữ dân quân Trần Thị Việt Trinh xứng đáng là một câu chuyện đẹp về sự hy sinh thầm lặng để giúp đồng đội và nhân dân biên giới yên tâm bám trụ vùng biên, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia” - Trung tá Võ Đức Dũng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An đã nói về chiến sĩ “sao vuông” đặc biệt của mình như vậy.

Bản lĩnh người cán bộ kiểm thể

Công tác ở địa bàn đặc biệt “nóng” về buôn bán, vận chuyển ma túy, dù còn trẻ tuổi, song Trung úy Lê Thị Thanh Hòa, nhân viên kiểm thể Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh đã rèn luyện được kỹ năng chuyên môn cao, không để lọt bất cứ một dấu hiệu khả nghi nào mà vẫn bảo đảm nhân quyền đối với các đối tượng nữ. Chính vì thế, qua 6 năm công tác tại cửa khẩu, Thanh Hòa liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ tiên tiến và là “khắc tinh” của tội phạm nữ.

Một trong những vụ án mà Thanh Hòa tham gia đấu tranh, phát hiện thành công là trường hợp đối tượng Nguyễn Thị Hà Vân, trú tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình vận chuyển 4.800 viên ma túy tổng hợp từ Lào qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Khi thấy có dấu hiệu khả nghi, đối tượng Hà Vân được yêu cầu vào phòng kín, Thanh Hòa đã tham gia kiểm tra, rà soát và phát hiện số lượng lớn ma túy được giấu kỹ trong vùng kín, ngực, trong tất, giày và va-li của đối tượng.

Chia sẻ về nhiệm vụ đặc biệt của Thanh Hòa, Thượng úy Võ Anh Tuấn, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết, mỗi ngày, lượng người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu khá đông và có nhiều phụ nữ. Các đối tượng vận chuyển hàng cấm với nhiều thủ đoạn tinh vi nên Thanh Hòa và cán bộ, chiến sĩ của trạm gặp rất nhiều áp lực. Nhất là vào lúc dịch bệnh căng thẳng, vừa phải thực hiện nhiệm vụ kỹ càng, cẩn trọng, vừa phải chú ý bảo vệ sức khỏe để mình không bị lây bệnh và trở thành nguồn lây là điều rất vất vả.

Chồng Thanh Hòa là Thiếu tá Ngọc Thế Hùng, nhân viên kiểm soát hành chính ở chốt chống dịch H7 thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng bươn theo từng chặng đường biên giới. Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, anh thậm chí không có thời gian tranh thủ về thăm nhà do nhiệm vụ yêu cầu luân phiên 24/24 ứng trực. Hai đứa con bé bỏng đang tuổi ăn tuổi chơi, một mình chị cáng đáng để anh yên tâm công tác. “Nhiều hôm, trực gác, làm việc thâu đêm, phải gửi con cho bạn bè trông giúp, thương và nhớ các con lắm nhưng vì nhiệm vụ chưa hoàn thành nên không thể sao nhãng được”- nói chưa dứt câu, chị Hòa vội đeo khẩu trang và xin phép quay trở lại với công việc. Phía bên kia cổng tự động, hàng người chờ nhập cảnh đứng xếp hàng dài. Tôi chỉ kịp thấy bóng lưng của người lính tóc dài ấy lọt thỏm giữa những xe container cao ngất.

Ở biên giới miền Tây Quảng Trị cũng có một nữ quân nhân như thế. Thiếu tá Lê Thị Vân đã bước sang năm thứ 18 của đời quân ngũ và có bốn năm công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP tỉnh Quảng Trị. Mặc dù trước đây được đào tạo chuyên ngành khác, nhưng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của một nhân viên kiểm thể, nữ quân nhân đã nỗ lực học hỏi thêm từ đồng đội và sách nghiệp vụ để tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản, hữu hiệu.

Trên biên giới La Lay, người dân đa phần là bà con Pa Kô thuần hậu nên Thiếu tá Vân thấy gắn bó như quê nhà, nhiệt tình hỗ trợ bà con mỗi khi xóm bản có việc. Là người có khiếu văn nghệ, chị tham gia xây dựng phong trào văn hóa mới và trở thành nòng cốt của đội văn nghệ địa phương, tích cực bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào. Những tưởng “lính gái” chỉ quen việc nhẹ nhàng và đàn hát, nhưng khi biên cương căng mình chống dịch, bước chân của chị đã băng qua nhiều dốc cao, suối sâu để đến với các chốt biên phòng.

Mặc dù không phải bám chốt, song khi đồng đội vất vả nắng mưa, chị Vân không thể ngồi yên mà dành thời gian tăng gia, vun luống rau xanh, dựng giàn bí đỏ và nuôi đàn ngan, làm muối vừng, ruốc thịt... hằng tuần mang lên chốt để anh em cải thiện. Chị cũng chủ động đề xuất với chỉ huy đơn vị được trực chốt ban ngày, ban đêm về doanh trại để anh em có thêm chút thời gian ngủ bù cho bao đêm thức trắng. “Tôi là một quân nhân, không lẽ cứ lấy mình là nữ mà đẩy khó khăn cho đồng đội nam” - Lê Thị Vân bày tỏ.

Mỗi sáng, chị nhắn tin cho đồng đội ở các chốt từ rất sớm, lên danh sách những món đồ mọi người cần dùng rồi ra chợ Tà Rụt mua mang lên. Đi một vòng gần 30 km qua các chốt để “rải” hàng rồi mới quay về chốt của mình để làm nhiệm vụ. Vậy là gần như ngày nào các chốt của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay cũng có đồ tươi trong bữa cơm ven rừng. Đại úy Nguyễn Hoài Linh, Phó Đồn trưởng cho biết, với sự hỗ trợ nhiệt tình, tỉ mỉ của thiếu tá Lê Thị Vân, bữa cơm của anh em cũng đủ đầy hơn, ít phải ăn mì ăn liền và cá khô như thời gian đầu.

Câu chuyện của những người phụ nữ đang ngày đêm xung kích, thực hiện nhiệm vụ tại tuyến đầu ngăn chặn xuất nhập cảnh và phòng, chống dịch Covid-19, khiến cho tôi liên tưởng đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây nửa thế kỷ: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Họ không chỉ là những bông hoa làm mềm đi không gian chốn thao trường, bãi tập và các đơn vị quân đội, mà còn là những người lính thật sự xuất sắc, là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam.