Học trò cần mang theo gì

Chuyện học là chuyện cả đời, vì ngay từ khi trẻ hay đã về già, thì bất cứ người muốn tử tế nào cũng đều ham học. Có điều, càng lớn thì người ta càng biết cách tự học. Ở lúc ấy, khái niệm “thầy” hay “lớp” là khái niệm mở. Người đã trưởng thành có thể học được nhiều điều hay lẽ phải từ bạn bè, từ địch thủ, thậm chí từ người tình. Dã sử Tầu có kể, thừa tướng lừng danh Khổng Minh của nhà Thục Hán (221-263) vốn đẹp giai ham học nên đã chủ động lấy một bà vợ rất xấu, bởi bà này thường dạy cho ông ta có thêm kiến thức. Đại loại, từ nho y lý số đến kỳ môn độn giáp. Tương truyền cái trận đồ bát quái xếp bằng đá (thạch trận), giam được danh tướng Đông Ngô Lục Tốn có vợ xinh nhưng tối dạ, là nhờ Gia Cát Lượng học từ hiền thê. Và trong từng giai đoạn học, dân gian lại có cách phân biệt riêng. Đám nhóc mà đang phải tới trường, mà đang phải có thầy dạy thì được gọi là học trò. Nôm na là một thứ học sinh phổ thông. Xưa cũng thế mà nay cũng thế.

Minh họa: ĐÀO HẢI PHONG
Minh họa: ĐÀO HẢI PHONG

Vậy học trò tới lớp thường mang những gì. Ngày xa xưa, dụng cụ học tập của bọn trẻ Việt đều tối giản. Theo cuốn “Bút Nghiên” của nhà văn nho sĩ Chu Thiên thì chỉ cần một cái ống tre, trong có đựng thỏi mực, cái bút và tập vở. Cũng do thời phong kiến lạc hậu chưa thể có các chương trình cải cách giáo dục ưu tú như bây giờ, nên học hành hồi đó vất vả lắm. Treo tóc lên xà nhà để cho khỏi ngủ gật, bắt đom đóm để thay đèn lúc học đêm. Muốn thành ông cử ông nghè thì đám học trò phải nỗ lực phi thường. Nó khác hẳn hôm nay, giáo dục đã văn minh tiến bộ nhờ internet. Cứ thong dong luyện theo bài mẫu là có bằng tú tài, cử nhân. Cứ chút ít chuyên cần chép lại một cách sáng tạo những luận văn của người đi trước (ở đây không bàn chuyện tiêu cực) là thành tiến sĩ. Điều này giải thích tại sao dụng cụ học tập bắt buộc ở thời 4.0 phải là smartphone, phải là laptop.

Nói một cách nghiêm túc, bọn trẻ đi học là để thành người, tất nhiên chữ “Người” phải viết hoa. Chương trình học hay đồ dùng để học tuy rất quan trọng nhưng vẫn chỉ là phương tiện, tuyệt đối không phải là cứu cánh. Có lẽ vì thế mà cái cần nhất cho bọn trẻ mang theo tới lớp đó là tình thầy trò, rồi tình bè bạn. Kể cả những ngày này đang đại dịch, bọn trẻ đang phải học online ở nhà. Trong cuộc đời của tất cả những học trò nên Người, luôn có một hoặc vài vị Thầy. Ở sự sắp xếp của những nhà Nho thủa xưa thì vị trí của người thầy chỉ sau có vua và đứng trên vị trí của các bậc sinh thành. Thoạt kỳ thủy, nghề làm thầy là đặc quyền rồi thành độc quyền của đàn ông. Nói chung ở các nước châu Á, lúc chưa có những cuộc cách mạng dân chủ hoặc những phong trào đòi bình đẳng nữ quyền thì vô cùng hiếm thuật ngữ “cô giáo”. Cái mà được gọi là “sư nương” chẳng qua cũng chỉ là vợ của sư phụ. Tuy nhiên, có những sư nương tuyệt vời về mọi phương diện, nhất là đạo đức, đã vượt trội hơn hẳn cái ông thầy đang là chồng kia. Ví như nữ hiệp Ninh Trung Tắc trong bộ trường thiên tiểu thuyết “Tiếu ngạo giang hồ” của đại gia Kim Dung chẳng hạn. Ninh nữ hiệp là mẫu mực đáng tôn kính cho những người hành nghề làm thầy. Bà chân thành thương yêu rồi sâu xa trân trọng hiểu học trò. Bà khác hẳn gã thầy đang làm chồng bà là ngụy quân tử Nhạc bất Quần. Khi đại đệ tử có đủ tài đủ đức Lệnh Hồ Xung bị gã chồng vu oan trục xuất khỏi sơn môn đi bơ vơ vất vưởng lang thang ngoài giang hồ thì đêm nào bà cũng bật nức nở khóc. Từ đáy lòng, Lệnh Hồ thiếu hiệp tuy phóng khoáng lãng tử nhưng luôn ngăn nắp xem bà như mẹ hiền, không cần biết lúc ấy là đang ở trường hay ngày ấy có phải là ngày 20 tháng 11. Chao ôi, coi học trò như con thì cũng có thể nhiều người làm được, nhưng sâu xa để học trò coi cô như mẹ thì ở cuộc đời này không phải lúc nào cũng có nhiều.

Cách đây cũng hơn chục năm rồi, lần đầu tiên lớp tiểu học của kẻ viết bài này loay hoay tìm gặp lại nhau. Tình bạn của tuổi thơ thì thời nào cũng vậy, nó là kim cương bất hoại. Gặp lớp cũ vui nhất là gặp đám bạn ở phổ thông, nếu từ hồi mẫu giáo ngồi bô lại càng cảm động. Bởi bạn cũ lâu ngày không gặp luôn làm nhiều bất ngờ rưng rưng. Chỉ chừng còn hai chục đứa, tóc đa phần đã loáng thoáng pha sương. Đứa nào đứa nấy đều lặng nhìn nhau, mắt ngân ngấn đầm đìa kỷ niệm. Có đứa thành đạt, có đứa vẫn bần hàn lận đận. Hoàn cảnh nào của bạn cũng ngạc nhiên hay. Có chức có tiền thì làm bạn thấy sang. Có nghèo có khó thì làm bạn nghẹn ngào chia sẻ. Rồi một thằng lừng danh giáo sư toán, rủ cả lớp tới thăm cô chủ nhiệm cũ. Nó nói là mới tìm được địa chỉ, vì cô đã chuyển nhà từ phố cổ sang một căn chung cư ngoài rìa thành phố. Cô đã hơn chín chục, sức khỏe không cho phép cô đi họp lớp. Ngày xưa cô xinh và hiền, thương học trò như con đẻ. Giờ đây cô vẫn vậy, minh mẫn thơm và sạch. Cả lớp quây quần ngồi dưới chân cô, và cô móm mém lấy ra một hộp sắt nhỏ trong có đựng linh tinh nhiều giấy tờ đã ngả mầu thời gian. Dưới lá thư cuối cùng của anh con giai đã hy sinh ở chiến trường K là bài thơ bích báo của thằng giáo sư. Hồi ấy cô không cho đăng và giờ đây cô vẫn giữ. Thằng giáo sư học chuyên toán nên thơ của nó ngô nghê lắm. “Chúng em là một lũ điên. Còn cô là một cô tiên giáng trần. Chúng em là một lũ đần. Còn cô là ánh trăng ngần trời cao. Chúng em không hiểu vì sao. Ngày nào cũng cứ cồn cào nhớ cô…”. Từ nhà cô chủ nhiệm về, mấy thằng học trò đã trung niên rủ nhau ra nhà hàng uống tiếp. Tàn bữa rượu, chợt nhiên thằng giáo sư hu hu khóc. Cả bọn không dám dỗ, bởi hình như sâu xa biết rằng, nhờ có cô mà nó đã trở thành một thằng giáo sư tử tế.

Học trò khi học xong đủ mọi loại bằng cấp thì lúc đã trưởng thành sẽ còn mang theo được những gì. Sách giáo khoa cho bọn nhóc thời xưa có câu slogan. “Ấu bất học, lão hà vi”, đại loại là trẻ không học thì già chẳng biết làm gì. Có điều, nếu chỉ học lấy chữ rồi đi kiếm danh tìm lợi thì liệu lúc về già có thoát khỏi bơ vơ. Bởi mục tiêu tối hậu của học vấn vẫn là để bọn trẻ trở thành những công dân lương thiện có trách nhiệm với dân tộc với đất nước, có tình thương yêu vô bờ với gia đình và với những người chung quanh. Những ngày đại dịch này, ngành giáo dục của cả thế giới vẫn đang tranh cãi là có nên cho bọn trẻ học trực tuyến. Có người bảo không, có người tán thành. Thậm chí có ý kiến từ những tín đồ của công nghệ thông tin còn khẳng định rằng, đấy chính là một trong những phương pháp giáo dục của tương lai. Nhưng nói cho cùng, hình thức học nào cũng có thể là được, nếu nó biết cách giữ cho học sinh tình thầy trò sâu nặng, tình cao cả bạn bè.