Hoàn thiện chính sách, bảo đảm hoạt động từ thiện thuận lợi, minh bạch

Việc hoàn thiện hệ thống chính sách với đầy đủ các giải pháp bảo đảm tính công khai minh bạch, để người dân nào cũng yên tâm và tích cực làm việc thiện, phát huy phẩm chất yêu thương chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng, là điều cần được Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Chương trình "Vì đồng bào vùng lũ tỉnh Đắk Lắk" trao tặng giường bè cho xã vùng sâu.
Chương trình "Vì đồng bào vùng lũ tỉnh Đắk Lắk" trao tặng giường bè cho xã vùng sâu.

Khẩn trương khắc phục bất cập

Hàng nghìn cuộc quyên góp cả hiện vật lẫn tiền mặt, đến trao quà tận nhà, tận tay từng trường hợp nạn nhân bão lũ khắp các tỉnh miền trung do dân chúng tự phát tổ chức hằng năm, đặc biệt suốt mùa bão lũ 2020 vừa qua để lại ấn tượng cảm động, khó quên về tình người. Trường hợp ca sĩ Thủy Tiên tự vận động cứu trợ đồng bào vùng bão lụt, chỉ trong ba tuần đã nhận được tới hơn 177,5 tỷ đồng, cho thấy uy tín cá nhân có vai trò quan trọng trong việc góp phần khơi thông dòng chảy nhân ái.

Tuy nhiên, theo Điều 5, Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, chỉ gồm Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện đã được cấp phép, các tổ chức, đơn vị được Ủy ban MTTQ Việt Nam cho phép, thì việc nỗ lực cứu trợ đồng bào một cách tự phát của nhiều cá nhân lương thiện có thể là hành vi phạm pháp. Nghị định này vì thế mà trở nên mâu thuẫn với chuẩn mực đạo đức xã hội, với các quy định của Bộ luật Dân sự về quyền tặng cho tài sản của công dân, dẫn đến nhiều băn khoăn, tranh cãi.

Từ tháng 10-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương xây dựng Nghị định mới, thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP. Bộ Tài chính đã công khai bản dự thảo lên cổng thông tin điện tử để toàn dân góp ý từ ngày 25-12-2020. Dự thảo đã tích hợp đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo hướng tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân thuận lợi hơn khi làm việc thiện, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với tình hình mới.

Thí dụ, quy định thời hạn để phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian tiếp nhận. Thực tế cho thấy, có những tình huống mà việc phân phối nguồn cứu trợ cần thời gian dài hơn mới có thể triển khai chu đáo. Điển hình, như chương trình "Vì đồng bào vùng lũ tỉnh Đắk Lắk" do ba cơ quan đồng phối hợp tổ chức (báo Tiền Phong, Sở Văn hóa-TTDL, Hội Chữ thập đỏ tỉnh). Vừa kết thúc đêm nhạc quyên góp vào cuối tháng 11-2020 thì cơn bão số 13 ập đến. Ban tổ chức thống nhất thay vì hỗ trợ tiền mặt "tiêu vèo là hết", thì giúp theo cách có ý nghĩa lâu dài hơn, như ký hợp đồng sản xuất giường bè tặng các hộ dân vùng ngập sâu, trao học bổng và xe đạp cho học sinh nghèo vùng lũ. Cách hỗ trợ này cần có thời gian chuẩn bị gần hai tháng mới xong. Hoặc các nghệ sĩ nổi tiếng huy động được số tiền lớn, dành thực hiện chương trình xóa bỏ cầu tạm, xây nhà chống lũ hoặc những công trình thiện nguyện quy mô khác, không thể giải ngân kịp 20 ngày.

Dự thảo Nghị định đề cao tính công khai, minh bạch đối với cả tổ chức và cá nhân trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng chưa nêu được nhiều giải pháp cần và đủ để đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh chóng, đa chiều của thời đại 4.0. Đơn cử, dự thảo quy định cá nhân tham gia vận động "có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu", tuy nhiên trong thực tế việc công khai danh sách những người đóng góp, các khoản chi tiêu, đối tượng thụ hưởng của hoạt động từ thiện vẫn có thể được cập nhật tức thì, liên tục qua các trang mạng xã hội cá nhân sử dụng như facebook, zalo, viber... nhằm bảo đảm tối đa minh bạch. Do đó, quy định này cần có độ mở, bảo đảm đủ chặt chẽ để cá nhân sau khi vận động, quyên góp phải có trách nhiệm công khai ngay cả khi không được yêu cầu và tận dụng triệt để sự hỗ trợ của phương tiện, công nghệ internet, khi tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh chiếm hơn 45% dân số nước ta.

Hoàn thiện chính sách, bảo đảm hoạt động từ thiện thuận lợi, minh bạch -0

Niềm vui của dân nghèo được một chương trình thiện nguyện hỗ trợ phòng, chống Covid-19. 

Đẩy mạnh luật hóa và số hóa

Dù chỉnh sửa thế nào, thì Nghị định mới đang dự thảo cũng chỉ giải quyết được một mảng rất nhỏ trong cả một "hệ sinh thái" thiện nguyện, vốn bao gồm nhiều hoạt động khác nữa. Nào quỹ tương trợ, quỹ học bổng, quỹ tôn vinh cống hiến và thành tựu, rồi các chương trình dạy nghề miễn phí, giúp vốn làm ăn, "trao cần câu" có giá trị lâu dài, hỗ trợ người nghèo nâng cao mức sống, v.v. Việc cùng lúc tồn tại quá nhiều văn bản, quy định khác nhau, liên quan thậm chí chồng chéo về hoạt động thiện nguyện khiến dân chúng khó theo dõi, hiểu và nhớ được hết các vấn đề mang tính pháp lý.

Không chỉ Nghị định 64/2008/NĐ-CP bất cập, mà Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện cũng đang gây khó cho nhiều cá nhân, tập thể, dòng họ, cộng đồng đầy thiện ý. Với Điều 12, Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tài sản đóng góp thành lập quỹ, thì "lá lành" khó có thể "đùm lá rách", mà chỉ có người giàu mới lập quỹ từ thiện được. Cụ thể: Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh phải bảo đảm tài sản đóng góp thành lập quỹ quy đổi ra tiền là 1,3 tỷ đồng; trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh là 6,5 tỷ đồng. Trường hợp có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam thành lập quỹ phải bảo đảm tài sản đóng góp thành lập được quy đổi ra tiền, với quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh là 8,7 tỷ đồng, cấp tỉnh là 3,7 tỷ đồng, cấp huyện 1,2 tỷ đồng… Khoản 5, Điều 42 của Nghị định này còn quy định khi Quỹ giải thể, nguồn tài chính tự có của quỹ phải nộp vào ngân sách. Nhiều dòng họ họp bàn việc quyên góp gây Quỹ học bổng cho con em, đọc kỹ Nghị định 93/2019 đều "lắc đầu" chịu thua.

Mười năm trước, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã đôn đáo và rất chật vật lập Quỹ Trò nghèo vùng cao, bởi vướng quy định khi đó về nguồn tiền ban đầu thành lập quỹ phải có năm tỷ. Ngày 9-3-2021, ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Quỹ Trò nghèo vùng cao cho biết đến nay quỹ đã huy động khoảng 200 tỷ đồng từ người dân trong và ngoài nước, xây dựng được nhiều công trình hỗ trợ giáo dục, mở chương trình Cơm có thịt có ý nghĩa sâu sắc, giúp cho hàng chục nghìn học trò trên nhiều tỉnh, thành vùng cao cả nước. Theo ông Tú, quy định phải có nhiều tỷ đồng mới được lập Quỹ từ thiện là không phù hợp. Vì điểm mấu chốt trong hoạt động này là uy tín về sự liêm chính, là tính công khai, minh bạch. Điều đó, trang web của Quỹ giải quyết dễ dàng bằng một phần mềm liên tục cập nhật mọi khoản thu chi, bất kỳ ai cũng có thể theo dõi, giám sát, không cần chờ yêu cầu báo cáo nào.

Tại Tây Nguyên, một hoạt động từ thiện rất nhân văn khác sau hơn bốn năm ra đời, tới nay đã huy động được hơn 13 tỷ đồng, chuyên hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân nghèo và thân nhân đi nuôi bệnh có nguy cơ "đứt bữa" ở 14 bệnh viện thuộc tỉnh Đắk Lắk. Đó là chương trình "Dĩa cơm trên tường Buôn Ma Thuột", do một nhóm bác sĩ xây dựng từ việc góp những đồng lương ít ỏi ban đầu. May nhờ gọi lách đi là "chương trình", chứ không phải là Quỹ, Dĩa cơm trên tường mới được Hội Chữ thập đỏ thành phố cấp phép thành lập. Bác sĩ Phạm Hòa Anh, Trưởng ban điều hành chương trình chia sẻ: Chúng tôi tự đề ra quy chế không rút tiền mặt, làm gì cũng phải được tập thể Ban điều hành chín người nhất trí, và công khai minh bạch tất cả các khoản thu chi một cách đơn giản trên facebook. Có gì bất minh đâu?

Đã đến lúc Chính phủ cần hướng tới việc xây dựng một Bộ luật chặt chẽ, tích hợp tất cả các nghị định, thông tư liên quan, bảo đảm không mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự 2015, loại bỏ hẳn tư duy "cho hay cấm" người dân làm việc thiện. Chính phủ cũng nên khuyến khích các ngân hàng xây dựng phần mềm mở tài khoản từ thiện, công khai từ mục đích tới mọi khoản thu chi cho các cá nhân có nhu cầu. Thực tế cho thấy điều kiện xây dựng "hệ sinh thái từ thiện" tại Việt Nam đã chín muồi, chắc chắn triển khai thành công nếu quyết tâm đẩy mạnh luật hóa và số hóa.

Ngày 28-1-2021 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển cộng đồng (LIN) tổ chức tọa đàm tham vấn cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP sửa đổi, với sự tham dự của hơn 50 đại biểu gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công an, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các tổ chức xã hội, các hội đoàn, luật sư, chuyên gia, báo chí. Trong các ý kiến đóng góp, tổng hợp gửi đến Ban soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP, có ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu về việc ban hành Bộ luật về tổ chức hoạt động thiện nguyện, phi lợi nhuận ở Việt Nam trong thời gian tới.

 HOÀNG THIÊN NGA