Bạo lực học đường

Hiểu rõ căn nguyên, ứng xử phù hợp

Bảo vệ trẻ em trước nạn bạo lực học đường được ví như quá trình đạp xe lên dốc, chỉ cần ngơi nghỉ, thả lỏng thì kiểu gì cũng tụt dốc, nguy cơ về các vụ việc bạo lực đau lòng sẽ xảy ra.

Khách mời trao đổi tại talkshow về cách xóa bỏ khủng hoảng tâm lý cho học sinh sau đại dịch Covid-19.
Khách mời trao đổi tại talkshow về cách xóa bỏ khủng hoảng tâm lý cho học sinh sau đại dịch Covid-19.

Nhiều nguy cơ

Ảnh hưởng của giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, học trực tuyến quá dài và thường xuyên tiếp xúc với màn hình khiến nhiều trẻ xuất hiện các dấu hiệu căng thẳng, mất ngủ, lo âu, trầm cảm, thậm chí những suy nghĩ tự hại bản thân. Tương tác online có thể làm gia tăng mâu thuẫn giữa bạn bè vì không thể thấu cảm với nhau qua những dòng chữ trên mạng. Điều kiện đó khiến bạo lực học đường phát sinh khi mở cửa lại trường học, nhất là nhiều học sinh đã mất kỹ năng nền nếp, hổng kiến thức.

Chính vì vậy, kế hoạch an toàn trường học cần được ưu tiên triển khai một cách chi tiết. Mọi mối nguy, sư đe dọa bạo lực tại trường học đều cần được chú ý nghiêm túc. Đừng nghĩ nó chỉ là câu nói bâng quơ hay trò đùa con trẻ. Cũng đừng cho rằng bạo lực và bắt nạt là một phần bình thường của tuổi thơ. Rất nhiều phụ huynh so sánh với mình ngày xưa đã xem nhẹ hoặc lờ đi các hành vi bạo lực của con trẻ từ khi mới chớm. 

Nhiều phụ huynh có con là thủ phạm bạo lực thậm chí còn đang chế giễu và phê phán phụ huynh có con bị bắt nạt là “chuyện bé xé ra to”, “bới bèo ra bọ”. Tin rằng trẻ em bây giờ cũng giống như xưa, nghịch ngợm trêu chọc, đánh nhau để lớn lên. Ngược lại, có giáo viên, phụ huynh lại phản ứng quá khắt khe với những hành vi sai của học sinh. Tất cả chỉ gây ra trăm điều hại mà không có lợi.

Và rõ ràng, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên nói chung, hoạt động của các Phòng Tư vấn Tâm lý học đường nói riêng đã bị bỏ quên nghiêm trọng.

Nhà trường tiên phong, phụ huynh quan trọng

Khi các trường học hoạt động trở lại, cần lập kế hoạch và triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả để giải quyết các nguy cơ cảm xúc và hành vi của học sinh. Nhà trường cần hiểu được những nguyên nhân, yếu tố thúc đẩy một đứa trẻ có ý định tấn công hoặc làm hại người khác. Đó là những cơn thịnh nộ về gia đình, cảm giác bất lực và tuyệt vọng, cảm thấy bản thân trở thành gánh nặng, vì lạm dụng chất gây nghiện hoặc giao du với băng nhóm bạo lực. 

Hiểu rõ căn nguyên, ứng xử phù hợp -0
Chuyên gia tâm lý tư vấn cho học sinh kỹ năng sống. 

Trước hết, nhà trường phải xác định được những trẻ có vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần, có nguy cơ bạo lực học đường thông qua bảng hỏi sàng lọc cảm xúc và những trải nghiệm mới xảy ra (em có từng bị bắt nạt, thấy mình trở nên thu mình và trầm cảm; lo lắng, bị tẩy chay, gặp rắc rối với việc kiểm soát hành vi, đang có xích mích với những bạn ngoài nhà trường...). Từ đó, cán bộ Phòng Tham vấn tâm lý của trường phân loại thành các nhóm nguy cơ cao và nguy cơ thấp, đi kèm với những kế hoạch can thiệp tương ứng. 

Với học sinh chỉ có vài biểu hiện vi phạm nội quy của lớp như mang vũ khí đồ chơi đến lớp, tâm sự với bạn rằng thích nhân vật bạo lực trong phim kinh dị, cán bộ tâm lý chỉ cần trò chuyện, đưa ra những mục tiêu tích cực và cần thiết thì yêu cầu một bản cam kết ứng xử thân thiện. 

Trẻ đã có lịch sử các vấn đề hành vi cảm xúc và đang có những động cơ không thiện chí với một đối tượng cụ thể là trường hợp có nguy cơ cao, nên phải lập tức giáo dục nhận thức, yêu cầu ký cam kết không thực hiện hành vi bạo lực, không cho trẻ tiếp cận với những dụng cụ có thể sử dụng làm vũ khí, tăng cường sự giám sát, huấn luyện kỹ năng kiểm soát tức giận. 

Khi một trẻ được xác định có vấn đề hành vi cảm xúc ở trường, giáo viên và cán bộ tâm lý cần dành thời gian trò chuyện để tìm ra căn nguyên, giúp chúng hiểu và suy nghĩ đến giải pháp; kiểm tra chéo thông tin với cha mẹ để hiểu đúng liệu có ai đang bắt nạt trẻ ở nhà, đứa trẻ đang viết điều gì trên trang cá nhân, chúng chơi những trò chơi gì với nhau... Nhiều khi nhà trường sẽ phải đối diện với việc cha mẹ không muốn tham gia và trả lời qua loa vì lo sợ rằng những vấn đề của trẻ ở trường sẽ bị kết luận là do lỗi của họ. 

Bên cạnh đó, mỗi trường học nên có hộp cảnh báo để giúp trẻ phản ánh những nguy cơ, thí dụ như những hành động của trẻ khác đang gây lo lắng cho các em hoặc nói về những đau khổ của chính chúng để phát hiện và hỗ trợ sớm. Giáo viên cũng cần được nâng cao nhận thức để biết được quy trình và cách thức xử lý tình huống phù hợp, được đào tạo về cách tiếp cận và nói chuyện với trẻ đang có vấn đề hành vi; cách can thiệp hiệu quả đối với những hành vi bắt nạt, thảo luận với chuyên gia để xử lý các tình huống khó khăn.

Trang bị cho học sinh các kỹ năng thể hiện cảm xúc của mình một cách tích cực và chiến lược giải quyết xung đột là đòi hỏi cấp thiết. Nhà trường cần tổ chức những nhóm hòa giải ngang hàng để nâng cao sự thấu hiểu giữa trẻ với nhau. Để trẻ tự xây dựng những vở kịch ngắn về chủ đề bạo lực, các em có thể đóng các vai khác nhau như kẻ bắt nạt, người hỗ trợ kẻ bắt nạt và nạn nhân để có cái nhìn sâu sắc về những hành vi của chính họ. 

Tạo cơ chế để chấm dứt sự tẩy chay, cô lập xã hội qua thiết lập nhiều nhóm sở thích, các câu lạc bộ để tất cả trẻ đều trở thành thành viên của một hoặc nhiều nhóm trong trường. Khi trẻ cảm thấy không đơn độc khi đối diện với những vấn đề khó khăn của mình, sẽ ít có hành vi bạo lực, mất kiểm soát hơn.

Trường học cũng phải tạo ra các chính sách thúc đẩy một môi trường nuôi dưỡng và chăm sóc; nhấn mạnh các giá trị tích cực với học sinh như đoàn kết, giao tiếp tích cực và tôn trọng, trách nhiệm. Nếu trẻ cảm thấy được quan tâm, được hiểu và có giá trị, sẽ xây dựng một sự gắn bó tích cực với thầy cô, bạn bè và ít cảm thấy tức giận. Các thông điệp thể hiện sự yêu thương trong không gian nhà trường; những áp-phích hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe tinh thần, kiểm soát cảm xúc đều giúp học sinh cảm nhận về một ngôi trường đầy yêu thương và thân thiện.

Bạo lực học đường khiến phụ huynh vô cùng bức xúc và lo lắng. Nhà trường vừa hỗ trợ tinh thần, lôi kéo họ vào các kế hoạch giữ an toàn cho con cái và hướng dẫn họ cách nói chuyện với con mình về vấn đề này đúng cách và khoa học. Cần tổ chức các hội thảo về triết lý giáo dục mới và phương pháp nuôi dạy con tích cực hướng tới phụ huynh, những buổi thảo luận cụ thể để hướng dẫn phụ huynh nhận ra những dấu hiệu nguy cơ bạo lực ở con, giám sát để con không tiếp cận với chất liệu bạo lực trên máy tính...

Chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng mọi chất liệu, mọi mẫu hình bạo lực trong cuộc sống tác động đến con trẻ không chỉ làm tổn hại đến lòng tự trọng và cảm nhận giá trị của chúng mà sẽ góp phần tạo ra một đứa trẻ tổn thương, giận dữ, bất hạnh và sẵn sàng ra tay làm hại người khác trong tương lai.

Và cốt lõi, hãy đổi cách nhìn về vị thế của con trẻ. Các em là những chủ thể độc lập, có nhân cách, có chính kiến và đáng được tôn trọng. Chúng không thể bị đối xử như những “công dân hạng hai” chỉ vì nhỏ tuổi, yếu ớt và thiếu quyền lực hơn người lớn. Hãy thoát vai bề trên, hạ cái tôi xuống để trở thành bạn của trẻ.

PGS, TS TRẦN THÀNH NAM
Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội