Công nghiệp hóa để trở thành nước phát triển

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu là đến năm 2045 nước ta sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta phải nỗ lực hết sức để đạt được.

Sản xuất ô tô tại nhà máy Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, Khu công nghiệp Ðình Vũ (Hải Phòng). Ảnh | TRẦN HẢI
Sản xuất ô tô tại nhà máy Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, Khu công nghiệp Ðình Vũ (Hải Phòng). Ảnh | TRẦN HẢI

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, muốn trở thành nước phát triển điều kiện tiên quyết là phải công nghiệp hóa thành công. Vì vậy, công nghiệp hóa phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đất nước ta trong 25 năm tới. Công nghiệp hóa  trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi một khuôn khổ tư duy mới. Trước hết, phải công nghiệp hóa  dựa trên những ưu thế mà chúng ta đang có. Thành tựu của Tập đoàn Sơn KOVA có thể gợi mở nhiều điều ở đây. Những phát minh của PGS,TS Nguyễn Thị Hòe được sử dụng để sản xuất sơn công nghệ nano của Tập đoàn đã tạo ra nhiều sản phẩm rất ấn tượng, chinh phục thị trường nhiều nước trên thế giới bởi vật liệu được chiết xuất từ vỏ trấu và sử dụng dung môi chủ yếu là nước lã nên thân thiện với môi trường, tiêu biểu cho kinh tế xanh. Nhiều loại sơn có đặc tính vượt trội như: sơn chống cháy có khả năng chịu được nhiệt độ từ 800 - 1.200°C, sơn kháng khuẩn có khả năng tiêu diệt hầu hết các loại khuẩn, sơn tự làm sạch với màng sơn có khả năng tự cách ly và đào thải bụi bẩn, giúp bề mặt sơn luôn sáng đẹp, bền mầu, sơn chống đạn được dùng sản xuất áo, mũ chống đạn.

Thí dụ nói trên cho thấy, các phát minh đột phá về công nghệ của người Việt có thể làm nên sự khác biệt và giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh. Ngành công nghiệp sơn Việt Nam hoàn toàn có thể được xây dựng dựa trên các phát minh của TS Hòe. Bên cạnh đó, sơn chống cháy, chống đạn của Tập đoàn Sơn KOVA cũng có thể là nền tảng để xây dựng các ngành công nghiệp về các trang bị cho quốc phòng, an ninh. Đáng tiếc, Tập đoàn này vẫn mang dáng dấp của một doanh nghiệp gia đình hơn là một ngành công nghiệp sơn của quốc gia.

Câu hỏi đặt ra là trong cả nước còn có bao nhiều phát minh mang tính đột phá như phát minh của PGS,TS Nguyễn Thị Hòe? Công nghiệp hóa  trước hết là phải dựa trên cơ sở của những phát minh đột phá như vậy. Nhiệm vụ đầu tiên là cần rà soát, điều tra để nhận biết chính xác những phát minh đột phá chúng ta hiện có là bao nhiêu và đang được lưu giữ ở đâu. Hơn nửa thế kỷ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ, những phát minh đột phá như vậy chắc chắn là không ít.

Chúng ta cũng có thể công nghiệp hóa bằng cách đón đầu làn sóng công nghệ mới như hãng ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup đang làm. Trong trường hợp này, bên cạnh nguồn vốn lớn, hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới và thu hút những nhân tài Việt trên toàn cầu là rất quan trọng.

Thứ hai, cần tổng kết lại chương trình công nghiệp hóa  thời gian qua để rút ra các bài học cần thiết. Điều này một mặt giúp chúng ta phát huy được những thành tựu cho dù chưa phải là nhiều của chương trình này, nhưng quan trọng hơn là tránh được rủi ro của việc lặp lại vết xe đổ trong quá khứ. Tiếp theo, Chính phủ cần tập hợp những doanh nhân tài giỏi của đất nước để bàn thảo xem với những phát minh đột phá mà chúng ta đang có thì có thể phát triển ngành công nghiệp gì và hiện thực hóa điều đó như thế nào. Đây cũng chính là cách mà các nhà nước kiến tạo phát triển ở Đông Bắc Á, nhất là Hàn Quốc đã từng làm.

Điểm khác biệt là các nước nói trên đã công nghiệp hóa  thành công trước khi bị ràng buộc chặt chẽ hơn bởi các hiệp định tự do thương mại. Chúng ta sẽ không có được điều kiện thuận lợi như vậy để can thiệp vào thị trường nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa , do vậy cần sự tham gia tích cực của các nhà đàm phán (đã đàm phán các hiệp định tự do thương mại như CPTPP, EVFTA, RCEP...) vào quá trình bàn thảo cách thức công nghiệp hóa. Các nhà đàm phán bằng sự hiểu biết của mình sẽ tư vấn cho Chính phủ về việc chèo lái như thế nào để với những quy định của các hiệp định thương mại tự do vẫn có thể trợ giúp các doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy công nghiệp hóa thành công.