Cõi mộng thường của Ý “điên”

Ý mình trần quần kaki cắt cụt ống, lò cò từ nơi này sang nơi khác, nhanh nhẹn thuần thục như một con sóc chuyền cành. Lúc ngồi nhà đục đẽo hay ra đồng bắt tôm bắt cá, Ý nguyên sơ bộ dạng ấy. Lần trưng bày tượng ở Blue gallery 28 Tràng Tiền, suốt chặng đường từ Sóc Sơn về Hà Nội, cả cái đêm những nhà tổ chức phờ người hoàn tất các công đoạn cuối cùng, Ý vẫn cởi trần hềnh hệch cười, thân hình nở nang cháy nắng, không tơ vương đoái hoài tới chung quanh.

Ký họa chân dung họa sĩ Nguyễn Như Ý của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung họa sĩ Nguyễn Như Ý của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Rồi cũng may, đúng thời khắc khai mạc triển lãm cá nhân hiếm hoi của mình, Nguyễn Như Ý chấp nhận choàng cái sơ-mi vào người, lập bập lời phát biểu khôn và ngoan và tỉnh đến không ngờ, cảm ơn hết lượt từ trên cao xuống dưới thấp...

Ý học mỹ thuật Yết Kiêu, quãng đầu những năm 90 thế kỷ 20. Khóa ấy gồm nhiều tên tuổi, mà giờ nức danh khắp chốn. Nhà đông anh em, được bố mẹ chăm sóc chu đáo, Nguyễn Như Ý đã từng con ngoan trò giỏi, sớm bộc lộ khả năng hội họa nên đến tuổi, vào trường nghệ thuật như một lẽ thường tình. Nổi tiếng trong trường vì có năng lực biến tất cả những khúc gỗ quăn quen vô tri giác thành các bức tượng mang biểu cảm riêng, Ý còn đình đám hơn nữa bởi tài... tát cá.

Nhiều giai thoại truyền rằng, các bà bán chè chén cổng trường Yết Kiêu, thường được thanh toán tiền rượu tiền nước bằng tượng gỗ. Ngoài giờ lên lớp, Ý quăng quật hết hồ này sông nọ, mò mẫm cả xuống hệ thống cống ngầm để bắt tôm bắt cá, nói là bán lấy tiền ăn học, nhưng thật ra chỉ dành... uống rượu. Từ thuở đôi mươi của Ý, thầy cô và bạn bè đã xuýt xoa tiếc nuối cho một sinh viên thừa thãi tài hoa và tư chất nghệ sỹ, cái thiếu tiếc rằng, chỉ là một sự bình thường như một con người bình thường cả trong đời thường lẫn nghệ thuật.

Cõi mộng thường của Ý “điên” -0
 Một số tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Như Ý.

Có lẽ thế, cái nickname “điên” đã gắn kèm tên Ý, và như sự chòng ghẹo hoặc chính là món quà tặng vô giá của số phận, Ý “điên” cứ thung thăng như thế trong chuỗi ngày dằng dặc dài, mặc cho những biến cố tai ương không ngừng đeo bám...

Trong ngôi nhà rộng rãi của gia đình người anh trai ở Đức Hòa, Sóc Sơn, Ý có một khoảng sân riêng để đục đẽo. Ngày ngày Ý ngoắc cái xô lủng lẳng ở ghi đông xe đạp, vèo vèo quanh các con mương đám ruộng trong làng móc cá mót tôm rồi xách ra chợ bán. Bắt cá bắt tôm đem bán lấy tiền thật ra như thói quen, cái quán tính hình thành trong Ý, một cách giúp anh chắt chiu niềm vui sống và giải tỏa bớt cái năng lượng dư dôi, mà nghệ thuật không thể gánh đỡ hết được.

Thể xác Ý già đi theo thời gian, nhưng tâm hồn thì mãi thanh tân, ở đó trú ngụ những trong veo hồn hậu. Sinh năm 1970, Ý bảo đã trải qua hai đời vợ, một cô “hai nhăm cân nuôi mãi cũng thành 30 cân” đến “một cô 83 cân”, mà cuối cùng cô nào cũng đều bỏ đi hết. Trong chuỗi ngày lang thang miết mải đi tìm vợ, đi tìm sự bình thường, Ý đã rơi vào cơn thập tử nhất sinh, thoát khỏi mê man và tỉnh dậy trong phòng hồi sức bệnh viện. Nỗ lực của gia đình người anh trai giúp Ý giữ được mạng sống, dù cái giá phải trả là một chân bị cắt cụt sau tai nạn kinh hoàng.

Cú sốc ấy tưởng đã hạ gục Ý, buộc anh sống nốt phần đời còn lại tương tự một người tàn tật quẩn quanh với ao chuông ruộng đồng, với tài lẻ be bờ tát cá. Nhưng bản năng nghệ thuật ở Ý cũng mạnh mẽ như bản năng sinh tồn, nó luôn cục cựa, mắt nhắm mắt mở và khi bạn bè tìm về tận nơi trú ẩn động viên khơi gợi, Ý đã tự thức tỉnh mình. Anh lại xoay trần ra đục đẽo và tiếp tục tạo hình nên một thế giới điêu khắc khờ dại, hoang sơ, dữ dội mà lấp lánh không đụng chạm vào bất kỳ một ai khác. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng từng cảm thán, dường như có thời “cả Hà Nội chơi tượng của Ý”, những mảnh gỗ thiếu hoàn hảo, gây cám dỗ chính bởi sự ngờ nghệch ấm áp được thôi thúc từ cõi mộng thường vô thức.

Nguyễn Như Ý kể cả trong danh xưng nhà điêu khắc, cũng cố tình lẩn khuất chìm lặng giữa cuộc đời ồn ào nhiều toan tính. Chỉ riêng Ý là tỉnh bơ, tịnh không toan tính gì. Cả khoảnh sân rộng chất dầy tượng của Ý, lẫn giữa thóc lúa vào mùa đang phơi vội, ai đó tìm về mua hay xin, Ý trước sau kiểu gì cũng cho giá nào cũng bán. Ai nói gì cũng chỉ cười nói với ai cũng nhún nhường một điều “em” hai điều “em”, Ý thật ra may mắn vì bảo tồn được vẹn nguyên tâm hồn thơ trẻ trời ban.

Đó chính là liều vaccine vô giá giúp Ý vĩnh viễn miễn dịch với mọi xô bồ tráo trở của cuộc đời lẫn những cay đắng của kiếp người. Chính sự tinh khôi trong tâm thức lành lặn của Ý, đã truyền nội lực xuống đôi bàn tay khéo, khiến anh tạo nên những gương mặt, những hình hài tràn trề sức sống trong lành. Chưa hẳn bức tượng nào của Ý cũng là tác phẩm hoàn chỉnh, bởi dường như Ý không bận tâm quan niệm sáng tác hay sáng tạo gì, anh chỉ đơn thuần có khúc gỗ rơi vào tay mình, loay hoay đẽo gọt, như một nghệ sĩ dân gian nhiệt thành tụng ca cuộc sống.

Nguyễn Như Ý sở hữu một hình thái âm giai tượng nhà mồ, cười cợt đấy nhăn nhó khổ đau đấy, trần trụi đấy, méo mó vẹo vọ đấy mà vượt trên tất cả, còn đọng lại cái giai điệu tươi vui lách cách. Nên thật ra Ý “điên” rất tỉnh, Ý chỉ chủ động lựa chọn cách sống giữa cuộc đời, cách làm nghệ thuật giữa cuộc đời tuyệt đối khác với phần còn lại của thế giới loài người và luôn hạnh phúc trong thế giới của sự lựa chọn ấy. Thực ra cũng nhiều curator tìm đến Ý để mời gọi hoặc đặt hàng những dự án nghệ thuật. Rút cục tất thảy đều đổ bể vì chính những giám tuyển kia hoặc không đủ kiên nhẫn hoặc Ý thì chưa bao giờ lên kế hoạch cho cuộc đời mình.

Hai lần triển lãm cá nhân, rất được đồng nghiệp, bạn nghề và công chúng đón nhận, đều là của những người vì mến, vì thương, vì xót xa cho một tài năng dị biệt mà đứng ra tổ chức. Triển lãm “Nguyễn Như Ý - Chân dung điêu khắc Việt Nam đương đại” năm 2012 do nhà sưu tầm Phạm Đức Sĩ tổ chức, hay triển lãm ở Blue gallery năm 2016, Ý thích rất thích mừng rất mừng, rưng rưng xúc động chả kém ai nhưng cũng chỉ đáo qua như một khách thăm quan hờ hững.

Có điều sau những lần đột ngột xuất hiện này, Nguyễn Như Ý đã kích hoạt lại được cảm hứng với nghệ thuật, đã nhiệt thành hơn trong lao động nghệ thuật. Ý “điên” lò cò tạc tượng rồi vẽ, rồi làm thơ, rồi say sưa mơ màng trong cõi mộng ảo bủa vây quanh mình, thản nhiên và vô nhiễm với thực tại. Cõi của Ý “điên” có tất cả, có đàn bà, có những đôi tình nhân cuồng dại trong hạnh phúc, có sự kết nối đa chiều quá khứ và tương lai, có cả điêu khắc gia một chân ung dung thỏa thuê theo đôi nạng gỗ tự chế, tự do thư thái bất kể đời thực có xoay trở ngược xuôi biến động cỡ nào...