Có phương tiện thay thế tốt, người dân sẽ tự giác chuyển đổi

Cùng với quá trình đô thị hóa, nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện cơ giới cá nhân, chủ yếu là xe gắn máy, liên tục tăng cao, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông phát triển không đáp ứng được nhu cầu, trở thành mối lo ngại khi tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Giờ cao điểm tại TP Hồ Chí Minh, xe máy và các phương tiện khác thường rơi vào cảnh ùn tắc. Ảnh: Gia Minh
Giờ cao điểm tại TP Hồ Chí Minh, xe máy và các phương tiện khác thường rơi vào cảnh ùn tắc. Ảnh: Gia Minh

Sau thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thành phố quay trở lại trạng thái hoạt động bình thường, tình trạng ùn ứ lại diễn ra trên nhiều tuyến đường. Đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ vừa qua, cùng với việc các cấp học quay trở lại dạy học trực tiếp, mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng kỷ lục khiến những điểm đen ùn tắc lại tái diễn cùng với việc phát sinh nhiều điểm mới, đặc biệt trong nội đô.

Xuất phát từ nhu cầu bức thiết nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 16/2008/NQ-CP về việc từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại hai thành phố này. Trong đó, Nghị quyết yêu cầu thực hiện giải pháp đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị quyết là Chính phủ yêu cầu 5 thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, việc hạn chế, tiến tới giảm đến mức tối thiểu xe cá nhân là cần thiết, từ đó đẩy mạnh phương tiện công cộng. Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông thì phải giảm phương tiện cá nhân, phát triển giao thông công cộng, kết hợp với quy hoạch giao thông. Các nhà quản lý cần đưa ra lộ trình về sự tương thích, tương quan bằng sự phát triển của giao thông công cộng. Khi mà loại hình giao thông này phát triển đến đâu thì siết phương tiện cá nhân đến đó.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam nhận định, chủ trương cấm xe máy liên quan nhiều đến người dân hơn thu phí ô-tô vào nội đô, vì đến hơn 70% người dân đi xe máy. Cần có giải pháp để người dân lựa chọn chuyển đổi phương tiện. Đây mới là vấn đề đáng bàn để thuyết phục được người dân, chứ không phải chỉ nêu chủ trương cấm xe máy.

Nhìn lại sự phát triển về phương tiện giao thông tại Việt Nam, xuất phát điểm từ đi xe đạp, lên xe máy rồi tới một bộ phận sử dụng ô-tô. Nhưng năng lực hạ tầng hiện nay mới cơ bản phù hợp với giao thông xe máy cá nhân, chưa sẵn sàng cho các loại hình giao thông công cộng như xe lửa, tàu điện ngầm... Việc hạ tầng luôn phải đuổi theo sự phát triển của các phương tiện giao thông đã và đang cho thấy những bất cập của quy hoạch đô thị. Chưa kể, theo các chuyên gia, hạn chế xe máy cá nhân còn có thể vô tình kích thích phát triển ô-tô cá nhân, khi đó tình trạng kẹt xe sẽ trầm trọng hơn rất nhiều. TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị,  góp ý nếu kiên quyết giữ mục tiêu chấm dứt hoạt động của xe cá nhân thì phải phát triển và hiện đại hóa hạ tầng, trong đó có cầu đường, giao lộ, thông tin tín hiệu, hệ thống giao thông thông minh. Đồng thời, có giải pháp phát triển mạnh giao thông công cộng, với các phương tiện chủ lực là đường sắt đô thị, tàu điện ngầm…

Hạn chế phương tiện cá nhân đòi hỏi phải có phương án "thay thế", đó là sự gia tăng hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng; hay nói cách khác giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân chỉ có thể thực hiện khi phương tiện công cộng được nâng cao vai trò thật sự, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Để có những giải pháp đủ hiệu quả và có tính khả thi là một nhiệm vụ phức tạp bởi việc lựa chọn phương thức di chuyển của dân cư liên quan đến hành vi và thái độ của con người. Do đó, ngoài việc thực hiện những nghiên cứu định lượng liên quan đến xác định các nhân tố ảnh hưởng hành vi lựa chọn phương tiện di chuyển của dân cư để có giải pháp phù hợp cho từng địa phương nhằm kiểm soát, hạn chế phương tiện cá nhân và khuyến khích sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng là cần thiết.