Chơi sách thời 4.0

Chơi sách thời 4.0 chỉ là một cách nói, để chỉ về thú chơi sách thời nay. Một thú chơi đang có vẻ ồn ào sau một thời gian đứt gãy nhưng cho thấy một mạch ngầm văn hóa bền bỉ. Đồng thời, thú chơi ấy cũng tạo ra một "cửa sáng" cho nhiều đơn vị xuất bản khi vào cuộc để cho ra mắt những bản sách đặc biệt hướng tới những người yêu thích sách đẹp, những nhà sưu tập sách. Từ đây, dần định hình rõ hơn một cộng đồng người chơi sách đa dạng, chuyên nghiệp.

Cuốn S100 "Bố già" mới đây gây xôn xao khi được đấu giá thành công ở mức 85 triệu đồng.
Cuốn S100 "Bố già" mới đây gây xôn xao khi được đấu giá thành công ở mức 85 triệu đồng.

Sự khởi đầu tâm huyết

Vài năm gần đây, thị trường xuất bản mới xôn xao về những cuốn sách bản đặc biệt, được làm công phu, tỉ mỉ. Người ta nhắc nhiều đến S100 (tức là chỉ có 100 cuốn), S365 (chỉ có 365 cuốn), hay S500 (chỉ có 500 cuốn). Trong đó, mỗi cuốn là "độc bản" được đánh số riêng, nhiều khi lại có chữ ký trực tiếp và triện son của tác giả, dịch giả hay họa sĩ minh họa...

Người có ảnh hưởng lớn để khôi phục và định hình một thú chơi sách trong thời điểm hiện tại là họa sĩ Trần Đại Thắng. Ngay từ năm 2014 - 2015, với tư cách là Giám đốc Công ty sách Đông A, Trần Đại Thắng đã ra mắt dòng sách S100 và hình thành Câu lạc bộ S100 với nhiều tên tuổi nổi tiếng lúc bấy giờ. Những đầu sách bản đặc biệt hồi đó là tuyển tập "Văn mới 5 năm đầu thế kỷ", "Hạt bụi người bay ngược" (Hòa Vang), "Sắp đặt và diễn" (Hồ Anh Thái)... Những bản sách này khi ra mắt khiến nhiều người trầm trồ và họa sĩ Trần Đại Thắng được đánh giá là người nối lại một thú chơi từ trước năm 1975.

"Không hài lòng với chính mình", "phải khác đi mới có cảm hứng", những suy nghĩ đó khiến ông chủ Đông A loay hoay tìm phương án. Tới năm 2019, sau những chuyến đi ra nước ngoài tìm hiểu về công nghệ, họa sĩ Trần Đại Thắng bắt đầu dấn thân định hình dòng sách bản đặc biệt. Cuốn sách đầu tiên được Đông A tung ra thị trường bản đặc biệt là tiểu thuyết "Anh em nhà Karamazov". Tiếp đó là "Bố già", "Những ngôi sao thành Eger", "Thiên Hoàng Minh Trị"... Những cuốn sách này được mở bán trên mạng xã hội chỉ trong vòng vài phút đã được đặt mua hết.

Nếu cứ đà đó mà tiếp tục thực hiện thì cũng có thể kéo dài thêm được một thời gian, nhưng họa sĩ Trần Đại Thắng không muốn vì nhận ra một vài nhược điểm trong công nghệ làm sách đồng thời cũng muốn tạo ra áp lực lẫn động lực cho chính mình. Vì thế, anh đã mời chuyên gia nước ngoài về TP Hồ Chí Minh giảng dạy, cho nhân viên đi học và đích thân anh cũng "đèn sách" tầm sư. Sau nhiều lần thử nghiệm rất tốn kém, những bản sách bìa da "made in Đông A" đã ra đời, gây bất ngờ cho giới xuất bản Việt Nam lẫn những người yêu sách, sưu tập sách. Đến nay, số sách bản bìa da thật (hoặc da công nghiệp) của Đông A đã ra mắt đều được đặt mua hết chỉ trong vài phút. Đặc biệt, gần đây S100 "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" có chữ ký trực tiếp và triện son của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đang được giới sưu tập săn lùng.

Kể từ khi Đông A phát ra một "từ trường" tích cực, nhiều đơn vị xuất bản cũng đã tham gia vào đường đua làm sách đặc biệt. Điều đó mở ra một sân chơi mới của những người yêu thích sách, hình thành một thú chơi sách phù hợp với xu thế thời đại. Đồng thời, mở ra một cơ hội mới cho nhiều đơn vị xuất bản, để vượt qua thời điểm khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. 

Chơi sách thời 4.0 -0

Bức minh họa truyện "Người kép già" của họa sĩ Thành Chương được đấu giá tới 120 triệu đồng. 

Xôn xao những cuộc... đấu giá

Tham gia vào các câu lạc bộ sách bản giới hạn trên mạng, hoặc các trang đấu giá sách bản đặc biệt trong thời gian qua, tôi thấy rõ thú chơi sách ngày nay đã có nhiều thay đổi. Thay đổi quan trọng nhất chính là các nhà sưu tập sách. Không chỉ những nhà sưu tập trẻ, có xu hướng mua đi bán lại để tái đầu tư mà xuất hiện nhiều nhà sưu tập "khổng lồ". Đó là những người không chỉ có tiềm lực tài chính mà còn am hiểu thú chơi sách. Bên cạnh đó, còn có cả các nhà sưu tập hiện là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên của một số trường đại học.

Nhưng rõ ràng, ở thời mạng xã hội phát triển như hiện nay, thú chơi sách cũng khó có thể "thâm trầm" (như đã từng) mà ồn ào hơn cũng là điều dễ hiểu. Như tối 1/7 vừa qua, cuốn sách S100 "Bố già" số 40 đã được đưa lên đấu giá trực tuyến. Chỉ sau một giờ, sách đã được gõ búa với giá 85 triệu đồng. Có người trả giá tới 99 triệu đồng nhưng không thể sở hữu vì bỏ giá chậm so với thời gian quy định. Bản sách này phát hành năm 2019, giá bán ra khi đó của đơn vị xuất bản chỉ 1,5 triệu đồng. Tương tự, cuốn S100 "Anh em nhà Karamazov" mới đây cũng được đưa lên sàn đấu và giá gõ búa là 23 triệu đồng.

Thoạt nhìn, nhiều người sẽ thấy "khó hiểu" vì số tiền mà những nhà sưu tập sẵn sàng bỏ ra để sở hữu một ấn bản đặc biệt là rất cao so với giá bán một cuốn sách thông thường. Tuy nhiên, khi tiếp xúc hoặc trò chuyện với những nhà sưu tập đương thời mới thấy họ có lý do riêng. Như nhà sưu tập muốn ẩn danh khi "quyết đấu" cuốn "Bố già" số 40 vừa rồi vì anh mới tham gia cuộc chơi sách giới hạn mà đây là một trong những cuốn S100 "đời đầu" rất nhiều người muốn sở hữu. Hay như trường hợp TS Bùi Trân Phượng "chỉ vì một lòng thương hoa tiếc ngọc" mà sẵn sàng bỏ ra 35 triệu đồng để được sở hữu "Thú chơi sách" của tác giả Vương Hồng Sển.

Không chỉ dừng lại ở ấn bản sách, người chơi sách hiện nay còn có xu hướng sở hữu thêm ít nhất một bản tranh minh họa có in trong sách cho "đủ bộ". Mong muốn ấy khiến họ sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu đồng để sở hữu một bức tranh minh họa. Dẫn chứng gần đây nhất là trường hợp 19 bức tranh minh họa bột mầu trên giấy bìa của họa sĩ Thành Chương trong cuốn "Người kép già" của nhà văn Kim Lân. Sau khi bản sách S100 và S365 được ra mắt, cuối tháng 5 vừa qua, đơn vị giữ bản quyền bộ tranh đã đưa lên sàn và số tiền đấu giá cả bộ lên tới hơn 600 triệu đồng. Trong đó, chỉ riêng "Người kép già" - bức làm bìa cuốn sách - được một nhà sưu tập mua với giá 120 triệu đồng. 

Sách để đọc hay chỉ để... ngắm?

Đây là một câu hỏi được nhiều người thắc mắc, khi thấy thị trường sách bản đặc biệt có vẻ ồn ào trong thời gian gần đây. Thắc mắc này không chỉ đến từ những cộng đồng đọc sách thông thường mà trở thành một trong những topic rất được quan tâm trên một vài diễn đàn hay câu lạc bộ chơi sách phiên bản giới hạn.

Đối với giới chơi sách và những nhà sưu tập sách thời nay, đây là một câu hỏi... ngộ nghĩnh! Cũng như các đơn vị xuất bản, phần lớn, trước khi ra những bản sách đặc biệt thì đã phát hành bản sách phổ thông, in với số lượng từ một tới dăm nghìn bản. Với những người không có sở thích sưu tập hay chơi sách đẹp, thì việc tốn kém vào mua sách đẹp có vẻ là xa xỉ vì theo quan niệm của số đông, nội dung sách mới là quan trọng. Nhưng với những người có điều kiện, có sở thích riêng thì việc bỏ ra vài ba triệu, thậm chí trăm triệu đồng để có một cuốn sách "độc, đẹp, lạ" không phải là điều cần băn khoăn. Họ cũng thường mua thêm những bản sách phổ thông để đọc. Một số người, vẫn có thói quen mở ra những bản đặc biệt để đọc, vì với họ, trước sau gì cuốn sách này cũng chỉ ở trong bộ sưu tập cá nhân, dành riêng cho con cái sau này.

Chơi sách, cũng như chơi đồ cổ, chơi xe đạp... đều cần có niềm đam mê. Mà đã đam mê thì thường dành nhiều thời gian nghiên cứu. Trong lĩnh vực của dân chơi sách, nhiều nhà sưu tập đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực lưu giữ, sưu tập văn bản.

Họa sĩ Trần Đại Thắng mới đây thông tin: Vào tháng 11/2021, Đông A sẽ chính thức ra mắt tủ sách mới dành cho độc giả yêu mến văn chương và các nhà sưu tầm. Tủ sách sẽ lần lượt giới thiệu định kỳ mỗi năm một tác giả kèm theo một trước tác tiêu biểu... Mặc dù mới chỉ đưa ra những thông số khá chung chung như "tủ sách được in hai mầu, thiết kế và sử dụng chất liệu bìa khác biệt so với các ấn bản giới hạn của Đông A đã phát hành...", nhưng chỉ một ngày sau đó, đã có khoảng 500 cuốn sách được đặt, nhiều người đăng ký đặt dài hạn. Điều này cho thấy, dòng sách đặc biệt đang rất có tiềm năng. Chỉ có điều, các đơn vị xuất bản có đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng yêu mê sách đẹp hay không mà thôi.

Hoàng Thu Phố