Cẩn thận... shipper mùa dịch

Xe ôm công nghệ hiện nay không chỉ chở người mà cả chở hàng, giao hàng, hay còn gọi là shipper. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhất là vào buổi trưa, các shipper liên tục nhận đơn giao đồ ăn, phóng vun vút trên đường bất chấp các quy định về trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Không chở khách, không giao hàng, nhưng tài xế xe ôm công nghệ này vẫn vượt đèn đỏ. Ảnh | Mạnh Trường
Không chở khách, không giao hàng, nhưng tài xế xe ôm công nghệ này vẫn vượt đèn đỏ. Ảnh | Mạnh Trường

Theo một thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng nửa triệu người làm nghề xe ôm công nghệ chuyên chở khách, giao thức ăn, giao hàng như một công việc làm bán thời gian hoặc toàn thời gian, trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tập trung số lượng đông nhất. Dịch vụ giao thức ăn, đồ uống cùng xe ôm công nghệ ngày càng được nhiều người dân tin dùng, lựa chọn và phát triển mạnh trong đợt dịch lần này. Những ngày này, nhiều shipper cho biết, số lượng đơn hàng nhận được tăng gấp hai, gấp ba lần so với thời điểm dịch tạm lắng, thậm chí nhiều hôm không chạy xuể buộc phải hủy đơn. Cũng chính vì nhận nhiều đơn như vậy, trong thời gian gần đây, tình trạng người lái xe gắn máy (đối tác giao hàng, vận chuyển của Now.vn, GrabFood, Grab Bike...) vi phạm các quy định về trật tự ATGT ngày càng tăng, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT).

Một thói quen xấu của nhiều xe ôm công nghệ còn rất phổ biến, đó là vượt đèn đỏ tùy tiện. Trên nhiều tuyến đường, hễ vắng bóng CSGT ở các nút giao thông, hiện tượng này xảy ra thường xuyên. Việc nhận diện xe ôm công nghệ của hãng nào tương đối thuận lợi vì nhờ vào sắc áo đồng phục của các hãng, cũng nhờ đó mà nhiều người đi đường dễ dàng nhận ra mặt trái trong hành vi lưu thông của rất nhiều tài xế xe ôm công nghệ hiện nay tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Để đạt doanh thu cao nhất, nhiều người phóng nhanh, vượt ẩu, bấm còi inh ỏi, thậm chí đi quá tốc độ cho phép dù đường phố đông đúc xe cộ. Không chỉ vậy, vì phải chạy liên tục trên đường để kịp giao hàng, cho nên nhiều shipper vừa điều khiển phương tiện, vừa xem bản đồ chỉ đường đi trên điện thoại nên thiếu tập trung khi đi đường, gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông vì những người lái xe này một tay vừa dùng điện thoại, một tay lái xe chở khách, chở hàng và mắt thì không tập trung nhìn đường đi. Và để tránh bị phạt nguội khi vi phạm giao thông, nhiều lái xe không dùng mũ và áo đồng phục của hãng, thậm chí còn cố tình che hoặc làm sai lệch biển số xe khi lưu thông.

Một thực trạng đáng lo ngại đối là những shipper chuyên nghiệp, để tăng thu nhập, giảm lượt di chuyển, mỗi ngày nhận hàng chục, thậm chí đến cả trăm đơn hàng, chất đống vào một thùng cồng kềnh đặt phía sau xe máy, rồi lại buộc lủng lẳng thêm túi, bao tải chở hàng, khi lưu thông tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Trong nghiên cứu mới đây của Đại học RMIT Việt Nam về “Những hành vi nguy hiểm dẫn đến va chạm giao thông giữa các tài xế xe ôm công nghệ ở Việt Nam” đã tổng kết, gần một phần ba tài xế xe ôm công nghệ ở Việt Nam từng gặp tai nạn xe cộ và 80% trong số đó tự khiến mình gặp nguy hiểm do chạy xe bất cẩn. 600 tài xế xe ôm công nghệ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã tham gia khảo sát nghiên cứu này. Kết quả cho thấy, việc dùng điện thoại khi đang lái xe là hành vi nguy hiểm thường thấy nhất, với 52% người tham gia khảo sát trả lời đã từng làm như vậy. Theo Tiến sĩ Chris De Gruyter, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu đô thị Đại học RMIT, tài xế có thu nhập thấp thường lái xe nguy hiểm và vướng vào va chạm giao thông do muốn tăng thu nhập bằng cách làm việc nhiều giờ hơn, những tài xế làm việc hơn 50 giờ một tuần dễ mắc phải hầu hết các lỗi nguy hiểm.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, nguyên nhân gây TNGT phần lớn từ thiếu chú ý quan sát. Dù Việt Nam đã quy định cấm người đi xe máy vừa lái xe vừa dùng điện thoại nhưng hầu như không mấy người quan tâm. Các hãng xe ôm công nghệ không thể viện lý do lái xe vì kinh doanh nên phải nghe điện thoại, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Nhằm “thức tỉnh” nhận thức của cánh xe ôm công nghệ về một tật xấu khó bỏ trước khi qua mỗi nút giao thông, bên cạnh việc lực lượng chức năng mở những đợt cao điểm tập trung xử lý hành vi vượt đèn đỏ, hành khách, người sử dụng dịch vụ cần lên tiếng trực tiếp, đánh giá, góp ý tài xế trên ứng dụng vừa để điều chỉnh hành vi tài xế, “nhắc nhở” các hãng xe, vừa bảo vệ an toàn cho bản thân.