Bốn tin vui để mà hy vọng

Trong hai năm qua, cả thế giới quay cuồng vì Covid-19, cảm giác như nền y học chỉ còn quan tâm con virus lắm gai ấy, tạm dừng các nghiên cứu đối với các bệnh khác.

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG
Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Nhưng không phải vậy, có lẽ do bị phong tỏa, chỉ còn biết làm việc với làm việc, các nhà khoa học đã phát minh ra lắm điều hay. Và đây là bốn tin vui:

Gắn một thiết bị để phòng ngừa đột quỵ

Với người từng đột quỵ, khi đã qua được một cơn, điều lo nhất là làm sao không bị cơn nữa. Theo trang Harvard Gazette, mỗi năm ở Hoa Kỳ có khoảng 800.000 ca đột quỵ, trong đó 1/4 ca là ở những người trước đó từng bị.

Làm sao biết được ai dễ tái phát và khi nào tái phát để còn dùng thuốc chặn? Người ta thấy có một nhóm bệnh nhân rất hay bị đột quỵ và dễ mắc lần nữa là những người bị rung nhĩ - một dạng rối loạn nhịp tim khiến máu dễ tạo huyết khối và tắc ở mạch máu não. Với những người này, nếu chặn được các cơn rung nhĩ là có thể chặn được một cơn đột quỵ.

Vậy là tiến sĩ y khoa Lee H. Schwamm thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH) cùng cộng sự quyết định chọn ra 492 bệnh nhân từng đột quỵ và chia họ làm hai nhóm: một nhóm được theo dõi bằng cách thông thường như điện tâm đồ, siêu âm tim... và một nhóm được gắn dưới da một con chíp nhỏ, dài chưa tới 4,5 cm, dày khoảng 0,4 cm, theo dõi được nhịp tim từng giây từng phút, trong suốt 12 tháng.

Kết quả thật ngoạn mục: thiết bị dưới da này phát hiện được rung nhĩ ở 12,1% bệnh nhân (so với theo dõi bằng lối thông thường chỉ có 1,8%). Một cơn rung nhĩ lại khá dài, kéo ít nhất là một tiếng, chừng đó thời gian là đủ để nhập viện hoặc dùng ngay thuốc tại nhà, ngăn không cho huyết khối hình thành.

Đặc biệt hơn nữa, người ta thấy trên thực tế có một số bệnh nhân phải đến khi đột quỵ rồi mới phát hiện ra mình bị rung nhĩ. Do đó theo nhóm nghiên cứu, những ai lo đột quỵ, đều nên gắn con chíp này để theo dõi nhịp tim, biết đâu bản thân có rung nhĩ mà không biết!

Dùng lịch sử tìm kiếm để đoán trước dịch

Google Trends là một công cụ dùng để khám phá xem người ta đang tìm kiếm gì trên mạng. Bạn gõ vào đó tên một diễn viên và sẽ thấy được quốc gia nào hay tìm kiếm thông tin về anh ấy nhất. Bạn cũng sẽ thấy thời của anh ấy thôi đã qua rồi, khi mà cách đây 10 năm đồ thị kết quả tìm kiếm của anh cao vút, còn giờ đây chỉ là một đường thẳng yên bình...

Tina Lu là một sinh viên năm áp cuối tại Đại học Harvard chuyên ngành máy tính. Hè 2020, cô tìm tới Bệnh viện Nhi Boston vì nghe nói có tiến sĩ Ben Reis ở đây từng dùng Google Trends cho các nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng. Họ cùng bắt tay hợp tác: dùng ứng dụng Google Trends để nhận ra đường đi của một căn bệnh trong cộng đồng. Thí dụ, một người không khỏe nhưng anh ấy chưa muốn đi khám, anh gõ lên Google: nhức đầu, buồn nôn... xem mình bị bệnh gì. Ba hôm sau anh thấy mệt hơn, lại nổi mẩn đỏ, anh gõ tiếp: nhức đầu, buồn nôn, nổi mẩn đỏ... Hóa ra nhiều người cũng đang tìm kiếm hệt như anh, và ít ngày sau ta đọc báo thấy đang có dịch sốt xuất huyết. Việc của Lu và thầy Reis là tổng hợp và phân tích những tìm kiếm như vậy để bộc lộ một căn bệnh (nếu có) đang xuất hiện và lây lan.

Thế rồi dịch Covid-19 tới. Vì phong tỏa, Lu phải về nhà bố mẹ, vừa học online vừa làm việc ở tầng hầm. Ngày ngày báo chí nói về các triệu chứng của Covid-19: sốt, ho, khó thở... Lu bèn dùng Google Trends lần lại những dữ liệu tìm kiếm như vậy kể từ lúc bắt đầu có dịch tại 32 nước của sáu lục địa, xem chúng khớp tới đâu với các triệu chứng lâm sàng của Covid-19, và xem có thể nhìn vào mật độ các kết quả tìm kiếm này mà biết sắp có nhiều ca bệnh hay không.

Lu phát hiện ra, khi số lượng các tìm kiếm liên quan đến triệu chứng của Covid-19 tăng thì 18,53 ngày sau số ca mắc và ca tử vong vì bệnh này cũng tăng vọt. Mẫu hình tìm kiếm thường bắt đầu “nhè nhẹ” bằng các triệu chứng sớm như sốt, ho khan, đau họng..., rồi 5,22 ngày sau mới là những cơn khó thở, tức rất khớp với đường đi của bệnh này “ngoài đời”. Quan trọng là: mẫu hình này lặp đi lặp lại hệt như thế ở mọi quốc gia.

Công trình của Lu và thầy Reis đã được công bố trên tờ Nature Digital Medicine. Tiến sĩ Reis nhận xét: “Đây sẽ là một công cụ mới. Khi xuất hiện một tác nhân gây bệnh mới thì vũ khí quý giá nhất chính là thông tin, đặc biệt trong giai đoạn sớm”. Mà thông tin thì như mọi người vẫn biết, đợi các bác sĩ báo cáo khi bệnh nhân xuất viện rồi thì bệnh đã lan xa, trong khi nhìn vào những gì người bình thường tìm kiếm là thấy ngay cộng đồng đang gặp vấn đề gì; và dữ liệu ấy thì Google Trends có thể thu thập được luôn ngay tức thời, giúp các bác sĩ nhìn ra rất nhanh từ rất sớm “ngoài kia” đang có gì để còn ứng phó.

Đầu năm tới Lu sẽ tốt nghiệp, trở thành kỹ sư phần mềm. Cô dự định sẽ đến Chicago tìm một việc làm nào đó. Dự án đã kết thúc, bác sĩ Reis lại quay về với công việc hằng ngày ở phòng thí nghiệm, nhưng ông tin chắc kết quả nghiên cứu của hai người sau này sẽ được ứng dụng trong việc phát hiện sớm các trận dịch, không những ở người mà cả ở cây trồng, vật nuôi.

Chữa ung thư não

Glioblastoma (GBM) là một loại u não hay gặp nhất, phát triển rất nhanh, bệnh nhân thường chết trong vòng hai năm dù có được chữa trị tích cực thế nào. Đó là do các tế bào của GBM đã “thu xếp” lại môi trường bao quanh và ngay bên trong chúng, thành một cái tổ êm ấm và kiên cố, ngăn không cho các tế bào diệt ung thư hay các thuốc mạnh lọt vào, nhưng lại “mở cửa” cho các tế bào Treg vào nuôi dưỡng, thúc đẩy cho khối u lớn nhanh.

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã tương kế tựu kế: lợi dụng các tế bào Treg tụ tập đông đảo trong khối u, họ dùng một phương pháp rất phức tạp (mà ta không cần nói chi tiết ở đây) để “lập trình lại” các tế bào Treg, khiến chúng quay ngoắt lại giết chính tế bào ung thư. Khi thực hiện kỹ thuật này trên chuột (cảm ơn chuột!) người ta thấy một số con không những loại được khối u mà còn sinh ra một thứ miễn dịch chống lại loại u GBM này.

Theo tờ Harvard Gazette, mặc dầu nghiên cứu này mới chỉ thực hiện trên chuột nhưng kết quả khiến các nhà khoa học tràn trề hy vọng; rằng một ngày kia hoàn toàn có thể áp dụng cho người.

Nhận xét về công trình này, trang Harvard Gazette bảo quả là giống một kịch bản trinh thám cổ điển: những tên cận vệ Treg một khi vào sâu trong hang ổ đã quay lại giết chết gã trùm ung thư GBM.

Chữa Alzheimer bằng một mũi tiêm

Vào tháng 11 năm 1906, tại một hội nghị các nhà tâm thần học, một bác sĩ tâm thần và giải phẫu thần kinh người Đức tên Alois Alzheimer đứng lên báo cáo trường hợp một phụ nữ 50 tuổi bị hoang tưởng, rối loạn giấc ngủ và trí nhớ, hung hăng, lú lẫn dần, và chết 5 năm sau đó. Khi giải phẫu não bệnh nhân, ông nhận thấy có những mảng bám và đám rối sợi thần kinh. Chẳng mấy ai quan tâm đến báo cáo của ông, cử tọa không ai đặt câu hỏi, kỷ yếu cũng chỉ dành cho ca này có hai dòng vớ vẩn, quả là đáng thất vọng cho bác sĩ Alzheimer.

Thế nhưng Alzheimer không bỏ cuộc, nhất là khi người ủng hộ ông hãy cứ tiếp tục chính là Emil Kraepelin lỗi lạc - “cha đẻ” của ngành tâm thần học hiện đại. Alzheimer tiếp tục tìm được thêm một số ca có chung biểu hiện như ca đầu, và chính Kraepelin đã lấy tên của Alzheimer đặt tên cho căn bệnh này. Tuy nhiên Alzheimer mất sớm quá, ở tuổi 51, không kịp sống tới ngày được chứng kiến nhà nhà biết tên ông, người người “sợ” tên ông.

Bệnh Alzheimer là nỗi ám ảnh với những người sống lâu nhưng không muốn mình lú lẫn, làm phiền con cháu. Trong bệnh này có một tác nhân quan trọng là protein TAU. Đại khái, TAU tích tụ lại trong não, tạo những đám rối nhùi, khiến việc dẫn truyền thần kinh đứt đoạn. Người ta biết cơ chế cả nhưng vẫn chưa có thuốc gì trị được bệnh. Vẫn chỉ là các phương pháp ăn uống hú họa để may ra tránh được bệnh hoặc khiến bệnh chậm chậm lại.

Thế nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu của MGH và Sangamo Therapeutics Inc. đã dùng một kỹ thuật giúp giảm một cách ngoạn mục mức độ TAU trong não.

Kỹ thuật phức tạp này có tên là “ngón tay kẽm”, tác động đến gien mã hóa chất TAU. Khi tiêm cho những con chuột mắc Alzheimer chỉ một mũi duy nhất, sau 11 tháng, nồng độ TAU trong não chuột giảm từ 50 đến 80%. Quan trọng hơn, một số tổn thương trong tế bào não do Alzheimer đã hồi phục.

Đội nghiên cứu xoa tay hài lòng, mọi việc được như ý: lượng TAU trong não giảm, không có tác dụng phụ, khi mổ não chuột ra thấy cải thiệt rõ rệt; Mũi thuốc điều trị duy nhất này lại có thể tiêm thẳng vào máu; thực là quá đơn giản!

Nhưng đời chưa đơn giản thế. Còn phải thử trên nhiều con vật khác, kiểm tra mức độ an toàn, rồi tính toán thêm... Nhưng thế là đã có tia sáng để mà hy vọng, rằng trong chục năm tới, chẳng ai còn sợ bệnh Alzheimer, nói về nó sẽ đơn giản như nói về một cơn chóng mặt.