Bếp ăn tình thương giữa mùa dịch

Một người dương tính  SARS-CoV-2, cả khu phố bị cách ly; một tiểu thương mắc Covid-19, cả chợ ngưng hoạt động... Cuộc sống người dân TP Hồ Chí Minh những ngày này bất an, thấp thỏm bởi dịch bệnh, càng thấm thía hơn ý nghĩa của cái tôi - chúng ta vì một cộng đồng an toàn, khỏe mạnh. Thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cuộc sống dân nghèo, đặc biệt là công nhân, người lao động tự do... thêm phần khó nhọc. Trong bối cảnh đó, các gian hàng 0 đồng, các bếp ăn tình thương, cây gạo ATM... vẫn bền bỉ hoạt động nhằm tiếp sức cho bà con nghèo khó chống chọi với dịch bệnh. Bếp ăn nghĩa tình ở khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức ra đời hơn 10 năm qua vẫn là một trong nhiều bếp đang hoạt động hiệu quả, nhất là trong những ngày giãn cách.

Bà Trần Thị Thanh Thủy.
Bà Trần Thị Thanh Thủy.

Một miếng khi đói...

Ngoại Thủy, má Thủy, chị Ba Thủy... hội chị em, bà con lối xóm, đặc biệt lũ trẻ ở khu phố 5 vẫn hay gọi bà Trần Thị Thanh Thủy, người chủ lực duy trì bếp ăn tình thương luôn đượm lửa. Người phụ nữ đã 66 tuổi, gương mặt phúc hậu, luôn miệng nói tay làm thoăn thoắt. Buổi sáng là thời điểm bận rộn nhất. Bà Thủy vừa cắt cử công việc, tay xoay xoay viên phấn trắng nắn nót viết thông báo lên tấm bảng đen được dựng ngay ngắn trên bức tường khuôn viên và chiếc điện thoại di động thì không ngừng đổ chuông. Ai đó vừa gọi xin góp chút ít cho bếp hoạt động. Trên tấm bảng là những dòng chữ tri ân những tấm lòng thơm thảo. Nhiều nhất là tiền mặt, rồi gạo, mì, trứng, cá kho, sữa, rau củ quả, nước ép... ai có gì góp nấy, bếp hoan hỉ đón nhận và chủ động điều phối liền tay tới các địa chỉ phù hợp.

Nhớ lại những ngày đầu bếp bắt đầu hoạt động năm 2011, bà Thủy kể "hồi đó tôi tham gia Ban điều hành khu phố, có dịp tham gia công tác xã hội, sâu sát từng hộ gia đình trong khu phố, thấy nhiều hộ khó khăn chạy ăn từng bữa, bữa cơm không đủ chất dinh dưỡng, nhìn những đứa trẻ còi cọc, người già neo đơn đứt bữa, tôi không đành lòng". Nghĩ là làm, mỗi ngày bà Thủy nấu 50 suất cơm, cháo mang đến cho họ. Thấy bà loay hoay một mình, chị em trong khu phố tự nguyện góp tiền và góp sức. Sau ba năm bếp ăn nghĩa tình hoạt động hiệu quả, UBND phường Bình Trưng Đông cùng Hội Phụ nữ đã hỗ trợ kinh phí cho bếp ăn hoạt động, mở rộng mặt bằng, trang bị bàn ghế, dụng cụ nấu ăn. Bếp được giao cho Hội Phụ nữ phường quản lý. Đầu tiên chỉ 50 suất cơm, cháo dinh dưỡng, dần tăng lên 200 suất, rồi lên 400, 500 suất/ngày như hiện nay. Đến nay, bếp có 25 thành viên tham gia nấu cơm phục vụ các đối tượng trẻ em tật nguyền, nấu cháo cho người già, bệnh nhân trong bệnh viện...

Một lần ghé thăm bếp ăn, thấy có rất đông trẻ em đang trêu chọc, quậy phá nhau trong khi chờ tới giờ ăn cơm, bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đề xuất mở phòng đọc sách cộng đồng để phục vụ trẻ em trong thời gian rảnh chờ cơm. Từ nguồn kinh phí kêu gọi hỗ trợ của bà Phượng, năm phòng đọc sách cộng đồng đã ra đời trong khuôn viên bếp ăn với đầy đủ bàn, ghế, tủ kệ và hơn 1.000 đầu sách các loại. Trước khi dịch bệnh hoành hành, đây là địa điểm tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích cho thiếu nhi như thi kể chuyện, múa hát, tổ chức Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu... Bà Phượng còn đề xuất nhiều sáng kiến gây quỹ rất ấn tượng trợ giúp Hội Phụ nữ phường Bình Trưng Đông dù không đông hội viên nhưng làm được nhiều việc lớn, có tính lan tỏa đối với cộng đồng. 

Bếp ăn tình thương giữa mùa dịch -0

Bà Trần Thị Thanh Thủy cùng các thành viên điều phối quà của nhiều nơi gửi đến cho trẻ em nghèo. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Nồng đượm nghĩa tình

Như rất nhiều bếp ăn tình thương khác tại TP Hồ Chí Minh, từ khi dịch Covid-19 hoành hành, phát huy tinh thần tương thân tương ái, bếp mở rộng thêm đối tượng trợ giúp là người dân trong các khu cách ly, các chốt trực, y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch...

"Một mình tôi không thể duy trì được bếp suốt 10 năm qua. Tôi cảm động và biết ơn nhiều người đã cùng góp sức, những tấm lòng thiện nguyện khắp nơi đã tin tưởng chúng tôi. Thật ấm lòng khi nhận được những món quà dù nhỏ dù to, đều gói ghém tình cảm chân thành. Có người nấu sẵn hàng trăm hộp cá kho gửi về cho bếp thêm vào các suất ăn. Có người gửi thùng hoa quả, mùa nào thức ấy... Đón nhận tình cảm của đồng bào cả nước, chị em chúng tôi nhắc nhở nhau luôn cố gắng để bà con nghèo yên tâm. Trong thời điểm khó khăn này càng cần nỗ lực để bếp hoạt động hiệu quả hơn, không có ai bị bỏ lại phía sau, toàn dân đồng hành với Nhà nước chống dịch", bà Thủy thổ lộ.

Hầu hết thành viên của bếp là người có tuổi, ít nhiều đều có bệnh nền, không tránh khỏi tâm lý băn khoăn, lo lắng khi hoạt động trong điều kiện dịch bệnh bủa vây. Có chị em còn bị chồng, con rầy la, ngăn cản... Bà Trần Thị Xuân tuổi xấp xỉ sáu mươi, là một trong những người phục vụ ở bếp ăn từ những ngày đầu, bày tỏ: Ngày thường đã khó khăn, trong thời điểm này, người ta càng cần mình trợ giúp, sao ngoảnh mặt buông tay được. Bếp ngưng, bà con đói, sao đành! Mỗi ngày đến bếp phục vụ, mọi người đều chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Chính quyền ủng hộ, mọi người ai nấy đều vui vì việc tốt được lan tỏa. Chị em hội phụ nữ trong lúc này càng cần gắng sức để cùng nhau vượt khó.

"Chia sẻ yêu thương đến với các chiến sĩ công an, bộ đội, bảo vệ dân phố, y tế, những người trực chiến tại chốt phong tỏa, cách ly. Những thức ăn nhanh bồi dưỡng để các bạn có sức khỏe chiến đấu. Biết các bạn rất buồn khi xa gia đình không được về nhà, từng món ăn đều có chút vị ngọt ngào của tình yêu thương giữa người và người, một chút ấm áp trao gởi đến nhau... Hãy cố gắng thêm chút nữa, dịch sẽ đi qua, chúng ta lại sống bình yên. Tất cả đều mong điều ấy sẽ đến thật nhanh" - bà Thủy thường trao các suất ăn với lời nhắn nhủ, động viên khích lệ, cầu mong mọi người có nhiều sức khỏe chống chọi, đẩy lùi dịch bệnh nhanh nhất. "Chỉ có tình yêu thương mới chia sẻ được những giây phút ấm lòng như thế này. Và chỉ có ở bếp cơm nghĩa tình mới có những hình ảnh lay động lòng người như thế" - mỗi một món quà mọi người chung tay gửi đến bếp, bà Thủy đều đón nhận với cảm xúc đong đầy đùm bọc, yêu thương.

Nhà nghèo, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bà Thủy càng đồng cảm với những mảnh đời nghèo khó. Từ Vũng Liêm (Vĩnh Long), bà phiêu dạt lên thành phố, chăm chỉ học hành mong có cái chữ thoát nghèo. Nhưng số phận trớ trêu, đang học dở sư phạm đành bỏ vì gặp tai nạn, chân gần như liệt, đi lại khó khăn. Tiếp đó là chuỗi ngày nhọc nhằn mưu sinh. Khi con cái lớn và cuộc sống bớt khó nhọc, bà Thủy tham gia công tác khu phố và dang tay giúp đỡ những người chung quanh còn thiệt thòi, khó khăn. Với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ phường Bình Trưng Đông, ngoài duy trì bếp ăn nghĩa tình, bà Thủy cùng chị em tổ chức câu lạc bộ nữ giúp việc, tìm kiếm và kết nối nguồn cung, cầu việc làm cho hội viên; thành lập tổ làm bánh, dạy làm bánh, tổ chức bán bánh gây quỹ hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn, tìm và trợ giúp thành viên tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi... Với hơn 700 triệu đồng, Quỹ trợ vốn Phụ nữ nghèo đáp ứng nhu cầu vay vốn cải thiện cuộc sống và có thêm thu nhập của hội viên. Để trẻ em nghèo không bị thất học, bà Thủy còn rốt ráo tìm nguồn hỗ trợ, vận động mọi người chung tay gây quỹ khuyến học...

Với những đóng góp trên, bà Trần Thị Thanh Thủy được tặng thưởng nhiều danh hiệu như "Gương Phụ nữ tiêu biểu" được Hội LHPN quận 2 công nhận, UBND thành phố tặng bằng khen "Tấm gương thầm lặng mà cao cả", Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen.

THU TÂM