Ðón Xuân trên vùng  đất mới

NDO - Lần lữa mãi, cuối cùng tôi cũng thu xếp được thời gian về Mường Lay vào một chiều đông. thú thực là, về Mường Lay lần này, bởi tôi tò mò muốn mắt thấy tai nghe một Mường Lay mênh mông sông nước; một Mường Lay trên bến dưới thuyền ở ngã ba sông...

Từ thành phố Ðiện Biên Phủ theo quốc lộ 12 đi thị xã Mường Lay, hình ảnh đầu tiên hiện lên đó là cây cầu bê-tông bắc qua suối Nậm Lay sang bên kia Trường THCS Mường Tùng. Cây cầu đang vào giai đoạn thi công nước rút, còn chưa kịp đặt tên thuộc dự án tỉnh lộ 142 Mường Lay - Nậm Nhùn với tổng chiều dài hơn 40km. Bắt đầu từ đây, suốt chiều dài hơn 5km vào trung tâm thị xã, không khí tái định cư thấp thoáng trong lãng đãng sương mờ, trong ồn ã tiếng cơ giới giữa những ngày bận rộn cuối năm.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng chật chội trên khu tái định cư Nậm Cản, ông Nguyễn Thành Phong, Bí thư Thị ủy kiêm Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, nở một nụ cười rạng rỡ chứ không đau đáu như mọi khi. Qua câu nói thân tình và cởi mở của ông Nguyễn Thành Phong, tôi biết thông tin, cuộc họp thứ 16 HÐND thị xã vừa kết thúc, với tám nghị quyết được thông qua. Và đây cũng là cuộc họp hiếm hoi trong năm năm trở lại đây có được thành công ấy. Trong trường liên tưởng về tái định cư của thị xã những năm qua, Bí thư kiêm chủ tịch Nguyễn Thành Phong, cho biết: 'Nhiệm kỳ XI (2005-2010), Ðảng bộ thị xã Mường Lay xác định phải thực hiện song song hai nhiệm vụ cơ bản: Tiếp tục lãnh đạo nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng; đồng thời bắt tay xây dựng lại thị xã tương xứng với tiềm năng và vị trí chiến lược vốn có. Trong đó, muốn xây dựng thị xã đạt các tiêu chí của một đô thị hiện đại, thì vấn đề tái định cư được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm'. Với tinh thần ấy, mấy năm gần đây, kỳ họp nào của HÐND thị xã khóa XII cũng dành hẳn một nghị quyết chuyên đề về công tác tái định cư, nhưng thường thì, nghị quyết tái định cư phải chỉnh sửa nhiều lần mới thông qua được chứ không thuận lợi như lần này đâu'.

Dẫn chúng tôi đi mục sở thị các điểm tái định cư trên địa bàn thị xã, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm: Sau năm năm nỗ lực vì tái định cư, đến thời điểm này, thị xã hoàn thành việc bố trí đất ở cho 3.343 hộ dân tại năm khu tái định cư: Nậm Cản, Cơ Khí, Chi Luông, Ðồi Cao và một phần ở xã Lay Nưa. Từ ý tưởng của các nhà quy hoạch, vóc dáng một thị xã chạy dọc hai triền sông Nậm Lay theo hướng phát triển sâu về phía thượng nguồn đang dần hình thành. Dòng Nậm Lay đã từng gắn bó thủy chung với nhiều thế hệ người dân thị xã giờ trở thành vùng lòng hồ chính trong không gian nội đô. Hiện nay, phía tả ngạn lòng hồ đã hình thành những bản tái định cư mới, mô phỏng theo nét đặc trưng kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Thái Tây Bắc. Nếu ví von lãng mạn một chút, có thể coi đây như một 'chương tổng phổ' các khu dân cư, như những dấu hoa mỹ trữ tình giữa thiên nhiên thơ mộng và mặt hồ gợn sóng lăn tăn.

Trong hành trình thăm dọc triền sông, chúng tôi ghé thăm bản tái định cư Nghé Toong, là một trong những bản hoàn thành công tác tái định cư đầu tiên của phường Na Lay nói riêng, thị xã Mường Lay nói chung. Trưởng bản Ðiêu Văn Hặc, cho biết: 'Bản Nghé Toong có 40 hộ, toàn người dân tộc Thái trắng. Ðịa điểm tái định cư chỉ cách bản cũ hơn 100 mét, trên lưng núi Pú Hăm'. Theo chân trưởng bản Hặc, chúng tôi leo lên ngôi nhà sàn của ông Lò Văn Chén, vợ là bà Lò Thị Nhom. Uống cạn bát rượu ngô thơm nồng mùi men lá, ông Chén mới rót bát khác để đưa mời chúng tôi. Ông Chén bảo: 'Lên nhà mới lâu rồi, nhưng rượu mừng nhà mới còn nhiều lắm! Số tiền đền bù hơn 150 triệu đồng đủ để ông bà làm được ngôi nhà sàn khang trang làm chỗ nương tấm thân già những năm cuối đời'. Ðêm hôm ấy ở bản Nghé Toong, trong tiếng trống xòe rộn rã, ông Chén cầm tay tôi và nói như hát theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng về gia đình mình, làng bản mình trước công cuộc tái định cư hết sức hệ trọng và chắc chắn là lần cuối cùng trong cuộc đời ông. Và Tết Tân Mão này sẽ là cái Tết sum vầy đầu tiên của dân bản ông trên nền đất mới.

Mừng cho gia đình ông Chén, mừng cho người dân bản Nghé Toong, tôi bâng khuâng khi nghĩ tới cuộc sống của hàng trăm (mà hàng nghìn mới đúng) hộ dân các bản: Nậm Cản, Na Nát, Chi Luông, Xá Ðán, Bản Hốc... bởi không biết, họ sống thế nào? Như đọc được suy nghĩ của tôi, ông Nguyễn Thành Phong liền cung cấp thêm thông tin, hầu hết các hộ dân làm được nhà sàn truyền thống. Hộ có điều kiện thêm tiền làm nhà to, hộ khó khăn hơn thì làm nhà bé, nhưng về cơ bản là tốt và kiên cố hơn nhà cũ. Ðiều mà Ðảng bộ, chính quyền thị xã băn khoăn nhất hiện nay đấy chính là vấn đề bảo đảm đời sống lâu dài cho người dân. Bởi có tới hơn 90% người dân thị xã là hộ làm nông nghiệp toàn tòng, nhưng diện tích đất sản xuất còn lại quá ít, trong khi việc chuyển đổi nghề lại không phải điều dễ dàng như trong các đồ án đã vạch ra. Song xác định càng khó khăn bao nhiêu, càng phải bình tĩnh và chắc chắn bấy nhiêu, nên mấy năm qua, Ðảng bộ và chính quyền thị xã đã  làm tất cả những gì trong khả năng có thể vì mục tiêu để người dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Ðến đầu tháng 1-2011, cả thị xã tính chi ly còn hơn 5% hộ nghèo. Như vậy là vượt chỉ tiêu đề ra. Còn về vấn đề bảo đảm đời sống cho người dân, thị xã đang tính tới việc tổ chức một ngư trường dưới hình thức HTX thủy sản, có thể theo mô hình liên doanh góp vốn. thị xã sẽ mời các chuyên gia tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng, cá bè... và nếu có thể, sẽ hình thành các làng nổi chuyên về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Nhìn về phía lòng sông mà nước đang dâng từng ngày, tôi miên man trong dòng suy nghĩ, chẳng bao lâu nữa ở phường Sông Ðà - nơi chung dòng của ba con sông, sẽ là một cầu cảng với thuyền bè tấp nập. Bên bờ sông, các thiếu nữ Thái luôn bận rộn bởi vừa lo gieo trồng vừa bận thêu khăn áo làm quà tặng du khách thập phương. Và như thế, tin chắc rằng nghề sông nước với các nguồn lợi từ lòng hồ sẽ thuộc về đồng bào Thái với những ưu thế tộc người ở mảnh đất ngã ba sông...

Sau bốn thập niên chờ đợi kể từ Quyết định số 189 ngày 8-10-1971 của Hội đồng Bộ trưởng, về việc thành lập thị xã Lai Châu, Tết Tân Mão này sẽ là cái tết đầu tiên của người dân vùng sông đuổi trên nền khu tái định cư mới. Dường như chiều lòng người, mấy năm qua thung lũng 'sông đuổi' không có lũ mà cũng chẳng bị lụt. Nói như người xưa thì, đó là yếu tố thuận lợi của 'thiên thời' để người dân Mường Lay được đón cái Tết đầu tiên hạnh phúc, ấm êm, để rồi đêm giao thừa về, trong khói hương trầm ngào ngạt, người ta lại thao thức gọi hai tiếng... Mường Lay!

----------------

* Theo tiếng đồng bào dân tộc Thái, dòng Nậm Lay ở thị xã Mường Lay có nghĩa là sông đuổi.