Xu thế quyết định tương lai

Những làn sóng dịch Covid-19 đang buộc hệ thống các bảo tàng tại Việt Nam phải tìm kiếm giải pháp thích ứng. Khó khăn vì dịch bệnh đang tiếp tục là "đề bài" buộc các thiết chế bảo tàng không thể mãi đứng im.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA.

Khó khăn thúc đẩy giải pháp

Chủ đề lựa chọn của Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay (18-5) dường như đã chạm đúng vào nỗi lo của các bảo tàng giữa cơn bão dịch bệnh: Tương lai của bảo tàng: Khôi phục và tái định hình.

Trước khó khăn vì đại dịch Covid-19, chủ đề được ICOM đưa ra nhằm khuyến khích các bảo tàng, chuyên gia, đối tác trong lĩnh vực bảo tàng và di sản tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức để tạo ra các giá trị mới cho di sản văn hóa, đề xuất giải pháp, mô hình hoạt động, hợp tác mới của các thiết chế văn hóa, bảo tàng, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện tại. Tuy nhiên, Tương lai của bảo tàng: Khôi phục và tái định hình cũng chính là một câu hỏi lớn, khi hoạt động của các bảo tàng đang gặp vô số khó khăn trong bối cảnh đại dịch hoành hành.

Nhìn ở một góc độ khác, chính những khó khăn từ cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng đóng vai trò là động lực cho sự đổi mới hoạt động của nhiều bảo tàng trên thế giới, đặc biệt trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ, tư liệu số và sáng tạo các hình thức trải nghiệm, giới thiệu di sản văn hóa mới trên không gian số.

Đối chiếu vào thực trạng hoạt động của hệ thống bảo tàng trong nước, ứng dụng số để đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng đang là giải pháp mà nhiều bảo tàng lớn tích cực triển khai. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, câu hỏi "Các bảo tàng Việt Nam phải làm thế nào, sử dụng phương pháp trưng bày nào để hấp dẫn công chúng?" tuy đã xưa cũ nhưng vẫn là nỗi trăn trở trong sự vận động, phát triển, đổi mới của các bảo tàng Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển, thêm tác động của đại dịch Covid-19, nhiều bảo tàng lựa chọn ứng dụng công nghệ số như một giải pháp lý tưởng.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Phòng trưng bày Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long (thuộc Văn phòng Quốc hội)... là một vài trong số ít nơi đi đầu thực hiện ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày và giới thiệu trưng bày. Đến nay, đã có nhiều bảo tàng, di tích bước đầu triển khai ứng dụng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… Đặc biệt, tuy là bảo tàng chuyên ngành, nhưng với tính chất khác biệt, Bảo tàng Viettel đã trở thành bảo tàng đứng đầu có nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại ở Việt Nam hiện nay.

"Thỏi nam châm" hút khách

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, mỗi bảo tàng lại gặp vô số khó khăn về nguồn lực kinh phí cũng như con người. Chia sẻ về những công việc đang được triển khai, TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho hay, hơn một năm qua, Bảo tàng đang tập trung tư liệu để số hóa toàn bộ 20 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại đây. Trước đây, một số bảo vật quốc gia đã được Bảo tàng giới thiệu tới công chúng dưới hình thức 3D, tuy nhiên bối cảnh hiện nay buộc các cán bộ bảo tàng phải số hóa toàn bộ "kho báu" này. Hiện tại công việc số hóa các bảo vật quốc gia đã cơ bản hoàn thành, đang trong quá trình thể nghiệm trước khi chính thức phục vụ khách tham quan vào tháng bảy tới.

Ngoài các bảo vật quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đang từng bước làm tư liệu số đối với hệ thống hiện vật của mình. Đây là con đường dài với vô số chông gai, mặc dù Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ 3D trong giới thiệu trưng bày, từ năm 2013, với hai trưng bày chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam. Theo Giám đốc Nguyễn Văn Đoàn, việc số hóa không chỉ thực hiện đơn thuần với những tư liệu thô mà phải tích hợp toàn bộ những tư liệu, kết quả nghiên cứu về mỗi hiện vật từ trước đến nay, đòi hỏi sự kỳ công và thời gian không ngắn.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng vừa ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA - sản phẩm được xây dựng nhằm thích ứng với bối cảnh công nghệ 4.0 và tác động của đại dịch Covid-19. Theo TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: "Đây là ứng dụng được tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR và thiết bị định vị iBeacon. IMuseum VFA sở hữu những tính năng hữu ích và vượt trội khiến cho rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý sẽ được xóa bỏ với sự hỗ trợ của tám ngôn ngữ. Ứng dụng sẽ không chỉ giúp khách tham quan trực tiếp bảo tàng mà còn giúp công chúng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có thể tiếp cận, trải nghiệm, xem và tìm hiểu những thông tin và câu chuyện chung quanh các tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, góp phần kết nối bảo tàng với đông đảo công chúng trong và ngoài nước…".

PGS, TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên khẳng định, công nghệ là một trong ba trụ cột chính tạo nên một bảo tàng hiện đại, bên cạnh hai trụ cột còn lại là khoa học và nghệ thuật. PGS cũng cho rằng, để duy trì tốt ba trụ cột này, cần phải có trụ cột thứ tư và cũng là quan trọng nhất: con người.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hoan, không phải bảo tàng nào cũng có thể ứng dụng công nghệ cho các nội dung, hiện vật mà cần phải lựa chọn loại hình phù hợp; tập trung vào vai trò của công nghệ nhưng phải làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của hiện vật gốc. Bởi suy cho cùng, công nghệ chỉ đóng vai trò là công cụ truyền tải nội dung một cách hấp dẫn, sinh động để thu hút du khách. Nội dung nghèo nàn sẽ không thể giúp công nghệ trở nên hấp dẫn.