Xoay trục bền vững

Chưa bao giờ khách du lịch nội địa được quan tâm đến thế, từ các chính sách về giá, cho đến những hình thức khuyến mãi, kích cầu. Liệu vị thế ấy có mất đi, khi nước ta mở cửa đón khách nước ngoài? Du lịch Việt chỉ có thể có chỗ dựa vững chắc, nếu cú "xoay trục" này được thiết kế theo hướng bền vững.

Chiến lược xoay trục không nên chỉ là nhất thời.
Chiến lược xoay trục không nên chỉ là nhất thời.

Bất đắc dĩ được quan tâm

Khắp nơi trong cả nước đều đang triển khai các hoạt động để kích cầu du lịch nội địa. Mới đây, tại Ninh Bình, Diễn đàn du lịch quốc gia với chủ đề "Du lịch nội địa - Ðộng lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm bàn giải pháp để thu hút khách du lịch nội địa. Tháng tư là thời điểm "mùa du lịch" đang đến gần với nhiều địa phương, với khởi đầu là dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nên các hãng hàng không chạy đua giảm giá, nhiều hãng lữ hành lớn cũng tung ra những tua kích cầu. Cũng trong dịp này, tại Lễ hội Du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội 2021, có tới 1.000 nhóm sản phẩm kích cầu du lịch được giới thiệu. Trung bình, các tua kích cầu du lịch từ Hà Nội đến các địa phương đều giảm từ 15 - 30% so mức chào giá thông thường. Chưa bao giờ các vị khách nội địa lại được quan tâm đến thế. Ðại dịch Covid-19 khiến khách nội địa trở thành "cứu tinh" của ngành du lịch Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2019, Việt Nam đón được 18 triệu lượt khách quốc tế đem về tổng thu 421 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, với 80 triệu lượt khách nội địa đi du lịch, chúng ta chỉ thu được 334 nghìn tỷ đồng. Ðây là một trong những lý do khiến không ít doanh nghiệp, địa phương, cơ sở kinh doanh du lịch phân biệt đối xử đối với khách nội. Thậm chí, có người Việt khi đi du lịch đã phải… nói tiếng Anh để được phục vụ tốt hơn.

Tại Diễn đàn Du lịch mới đây tại Ninh Bình, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận, lâu nay ngành bỏ quên một "trận địa" quan trọng là du lịch nội địa. Mặc dù trước đó, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã thiết kế khung về du lịch nội địa, đặt ra bốn nhóm phát triển. Song, dù có chủ trương, triển khai thực tế lại là một câu chuyện khác. Ðiều này cũng được khẳng định bởi nhận định của Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình. Du lịch nội địa lâu nay chưa được xem là nhánh chủ lực nên chưa thật sự được quan tâm. Chưa được quan tâm, nên thiếu nghiên cứu về nhu cầu, sở thích của từng đối tượng khách khác nhau, dẫn đến chưa có những tua, những giải pháp hợp lý để hấp dẫn khách nội địa.

Phải đi bằng hai chân

Ðến thời điểm này, nhiều địa phương, nhiều hãng lữ hành đã "xoay trục" khảo sát nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, hướng các sản phẩm du lịch phục vụ cho khách nội địa. Do điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên, sinh hoạt văn hóa tại nhiều địa phương có sự tương đồng nên các hãng lữ hành, các điểm đến du lịch hướng tới việc "làm mới" sản phẩm bằng những "chiêu" độc, lạ. Các tour mới, hoặc "cũ mà mới" tại Hà Nội được thiết kế theo cảm hứng xuyên suốt "Hà Nội, đến để yêu", với việc tăng các trải nghiệm thực tế, khám phá các góc cạnh khác nhau của những địa danh, những sản phẩm du lịch cũ. Ðà Nẵng từng là "tâm dịch" Covid-19 trong năm ngoái cũng đang quyết "lấy lòng" khách nội địa bằng nhiều sản phẩm mới, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của du khách. Ðiển hình như chùm tour "Huyền thoại Ðà Nẵng" (với các tour nhỏ mang như "Ký ức Hải Châu", "Sơn Trà gọi em", "Khám phá Ngũ Hành Sơn"…) của Công ty Hành Hương Việt; hay các chương trình "Về miền di sản diệu kỳ vui chơi giải trí", "Về miền di sản diệu kỳ với các sản phẩm sinh thái" liên kết với các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình… Một số công ty lữ hành như Viettravel, Hanoitourist… thiết kế các tour xe tự lái. Ðiểm khác biệt mới mẻ so với hình thức tự đi du lịch là các thành viên tham gia chương trình sẽ có nhiều trải nghiệm văn hóa, tham gia nhiều hoạt động thực tế trên lộ trình di chuyển, dưới sự tổ chức của doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở du lịch, hoặc du lịch cộng đồng tại các địa phương. Hình thức du lịch bằng xe tự lái được rất nhiều đối tượng khách hàng ủng hộ.

Tại Hội nghị Công bố sản phẩm kích cầu du lịch (trong khuôn khổ Lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội 2021), Hà Nội và hơn 10 tỉnh, thành phố khác đã "chào hàng" nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, với cam kết "giá giảm, nhưng chất lượng không giảm". Nếu thực hiện tốt điều này, đây là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam lấy lại niềm tin với người tiêu dùng, sau một thời gian bị mang danh là "sùng ngoại". Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trung bình mỗi năm khoảng 9-10 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Chi tiêu của người Việt khi đi du lịch trong nước cũng tăng lên trong những năm gần đây. Ðiều đó cho thấy, nhiều đối tượng khách Việt có khả năng chi tiêu cao. Muốn du lịch phát triển bền vững, thì phải "đi bằng hai chân", cả khách nội địa lẫn quốc tế. Chiến lược "xoay trục" không thể nhất thời, rồi lại trở về tình trạng "bên trọng, bên khinh" khi có khách quốc tế. Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chỉ đạo Tổng cục Du lịch và các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế, chính sách riêng biệt và cụ thể đối với thị trường khách du lịch nội địa để thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa phát triển mạnh và bền vững trong điều kiện mới.