Xác lập bản sắc đô thị

Chối bỏ hay kế thừa tiếp nối bản sắc là câu hỏi luôn đặt ra với bất kỳ đô thị nào trong tiến trình phát triển. Sau những tranh cãi chung quanh việc phá tòa nhà trăm năm tuổi ở số 61 Trần Phú, Hà Nội bất ngờ dừng việc bán 600 biệt thự cổ để rà soát lại. Nhiều người kỳ vọng, đó là một cơ hội để những di sản đô thị không bị biến dạng và biến mất.

Hà Nội sở hữu nhiều di sản đô thị. Ảnh: DUY LINH
Hà Nội sở hữu nhiều di sản đô thị. Ảnh: DUY LINH

1 Bản sắc của đô thị Hà Nội là gì? Hiểu một cách đơn giản nhất, bản sắc là những nét đặc trưng, nét riêng có. Cái độc đáo của Hà Nội là sở hữu nhiều di sản đô thị. Đó là những khu phố cổ tuổi đời mấy trăm năm. Đó là những kiến trúc Pháp cổ. Tuy muộn hơn, nhưng những khu tập thể cũ cũng là một yếu tố cấu thành nên một Hà Nội rất riêng. Những dãy phố, tòa nhà ấy, không đơn thuần là câu chuyện kiến trúc-công trình nữa. Giá trị của di sản đô thị còn nằm ở sự gắn bó của chúng với cộng đồng dân cư, tạo nên sự "nhận diện" không chỉ về hình ảnh cho Hà Nội, mà còn ở tâm hồn. Nhưng một đô thị thì luôn vận động và phát triển. Nhu cầu tái thiết, gồm cả bỏ cũ xây mới, luôn luôn đặt ra. Điều đó, đặt di sản đô thị ở trạng thái bấp bênh.

Theo kiến trúc sư Trần Quốc Bảo, đã có rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị được bảo tồn bài bản, nhưng lại chưa được quan tâm đến bảo tồn quy hoạch-cảnh quan. Điều này dẫn đến hiện tượng "ô nhiễm môi trường cảnh quan". Điển hình như Nhà hát Lớn ở TP Hồ Chí Minh được bảo tồn một cách bài bản, nhưng nó bị "áp chế" hoàn toàn bởi những công trình cao tầng chung quanh.

Đối với tòa nhà 11 tầng tại lô đất số 61 phố Trần Phú, dù là công trình có tuổi đời trăm năm, nhưng Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội khẳng định: Công trình này không nằm trong danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Đối với việc xây mới, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cũng khẳng định: "Việc di dời nhà máy ra khỏi khu trung tâm để xây dựng công trình đa năng với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nêu trên là phù hợp định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Quy mô công trình đúng với quy hoạch được duyệt, tương đồng với Nhà làm việc Quốc hội tại khu đất đối diện (cao 11 tầng/44,6 m) để không làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc cảnh quan của khu trung tâm chính trị Ba Đình". Nhưng còn có một điều không được nhắc tới trong lý giải của cơ quan chức năng, đó chính là sự hài hòa về cảnh quan đối với những công trình chung quanh. Khu vực phố Trần Phú, rộng hơn là khu vực Ba Đình, là nơi tập trung phần lớn những biệt thự Pháp cổ đẹp nhất Hà Nội - nơi góp phần tạo nên bản sắc cho đô thị Hà Nội. Một công trình với thiết kế như thế, sẽ "áp chế" hoàn toàn những kiến trúc đã và đang tạo nên bản sắc đô thị Hà Nội vừa kể trên. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, không thể "lấy cớ" là công trình thấp hơn tòa nhà Văn phòng Quốc hội để xây dựng. Vì nếu tất cả đều "lấy cớ" như thế để xây dựng cao ốc, thì toàn bộ cảnh quan của khu vực sẽ bị phá vỡ hoàn toàn.

2 Những tòa nhà do người Pháp, hoặc được xây dựng dưới thời Pháp thuộc là một di sản đô thị của Hà Nội, gồm nhiều loại công trình khác nhau, từ những công trình công cộng cho đến nhà máy, xí nghiệp (di sản công nghiệp) hay biệt thự. Sau những "lùm xùm" chung quanh tòa nhà 61 phố Trần Phú, dư luận liên tiếp chứng kiến hai sự bất ngờ. Bất ngờ thứ nhất là thành phố công bố việc đã và đang bán 600 biệt thự cũ. Dư luận chưa hết xôn xao thì sau đó chỉ vài hôm, thành phố lại thông báo tạm dừng bán để rà soát lại. Nhiều người kỳ vọng, thay vì chỉ đề cập đến chất lượng và giá bán, cơ quan chức năng sẽ rà soát cả về kiến trúc, cảnh quan.

Hà Nội có một "hàm cá mập" làm "ô nhiễm" không gian hồ Hoàn Kiếm. Hà Nội cũng không hiếm biệt thự bị biến dạng và biến mất. Dư luận băn khoăn là điều dễ hiểu. Nhưng Hà Nội cũng có một khách sạn Hilton Opera nằm bên Nhà hát Lớn - một trong những kiến trúc thời Pháp thuộc đẹp nhất ở Thủ đô. Nằm trong một khu vực nhiều kiến trúc thời Pháp nổi tiếng, các kiến trúc sư đã sử dụng thức cột Doric cổ điển ở mặt chính diện và toàn bộ mặt quay về phía Nhà hát Lớn vẫn tạo được sự hoành tráng mà hài hòa với kiến trúc Nhà hát Lớn. Mặt quay ra Nhà hát Lớn là một đường cong mềm mại, khiến công trình trở nên thanh thoát, giống như nép mình bên Nhà hát Lớn hơn là một sự áp chế. Khách sạn Hilton Opera mang vẻ đẹp cổ điển, khi nó tôn vinh Nhà hát Lớn, thì bản thân kiến trúc này cũng tự nâng tầm.

Những bài học như thế không phải là quá hiếm. Nhưng muốn hạn chế những tranh cãi, thì song song với quan tâm đến kiến trúc - công trình, cần phải có những quy định cụ thể hơn nữa về quy hoạch - cảnh quan và rốt ráo thực hiện quy định ấy. Theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Xây dựng ban hành, khu trung tâm chính trị Ba Đình, ngoài việc bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp có giá trị, khảo sát để có kế hoạch quản lý, cải tạo thì còn một yêu cầu rất quan trọng là không được phép thay đổi, phá vỡ quy mô, tính chất, cảnh quan không gian và các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, cách mạng, kiến trúc, nghệ thuật. Đối với hệ thống biệt thự, Hà Nội cũng phân loại, và có quy định rõ ràng với từng nhóm biệt thự khác nhau. Trong đó, với nhóm kiến trúc có giá trị, ngay cả khi xây dựng lại, vẫn phải giữ kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự cũ.

Rõ ràng, giữ gìn bản sắc đô thị trong điều kiện đô thị cần sự tái thiết không quá khó. Khi những bài học đã sẵn có. Còn quy định, cũng gần như đã đầy đủ.