Văn trẻ, những tín hiệu vui

Đã thành thông lệ, cứ sau một Đại hội nhiệm kỳ thì Hội Nhà văn Việt Nam lại tổ chức Hội nghị viết văn trẻ (VVT) toàn quốc. Có thể coi đây là đại hội dành cho những cây bút trẻ, lực lượng kế cận của nền văn học tương lai.

Một số tác phẩm của các nhà văn trẻ.
Một số tác phẩm của các nhà văn trẻ.

Hội nghị VVT toàn quốc năm 2021 sẽ được tổ chức sau Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X đúng một năm, vào tháng 12-2021, dự kiến tại TP Đà Nẵng. Việc Hội nghị diễn ra vào lúc “năm cùng tháng tận” cũng có lý do vui. Ban tổ chức “chờ” để kịp trao Giải thưởng Tác giả trẻ trong thời gian diễn ra Hội nghị.  Đây là giải thưởng văn học thuộc hệ thống giải chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam, lần đầu có từ khi Hội thành lập, dành cho các tác phẩm xuất bản từ ngày 1-10 năm trước đến 30-9 năm sau, đối tượng là các tác giả độ tuổi từ 35 trở xuống, thuộc bốn chuyên ngành: văn xuôi, thơ, lý luận phê bình và văn học dịch. Tuy là giải “trẻ” nhưng giá trị giải thưởng ở thời điểm công bố đang cao hơn giải thưởng văn học hằng năm của Hội (30 triệu đồng so với 20 triệu đồng/giải). Đây thật sự là tín hiệu vui cho những người viết trẻ, bởi đây là giải thưởng của một tổ chức hội nghề nghiệp có uy tín văn học nhất với mục tiêu hiểu biết tài năng, khuyến khích tài năng, trân trọng tài năng và đánh giá đúng tài năng.

Là hội nghị đại biểu nên công tác nhân sự là một phần rất quan trọng. Bên cạnh việc đề nghị các tổ chức hội văn học, nghệ thuật địa phương, các ban chuyên môn của Hội, các nhà xuất bản, cơ quan báo chí… tiến cử đại biểu, thì tiểu ban nhân sự Hội nghị còn tìm kiếm ứng viên từ các câu lạc bộ, diễn đàn văn học trực tuyến; đặc biệt các tác giả có thể “tự tiến cử” bằng cách gửi tác phẩm và thông tin cá nhân về Cổng thông tin điện tử của Hội Nhà văn Việt Nam. Ban Tổ chức có kế hoạch chuẩn bị nguồn tài chính để mời những tác giả độc lập, xứng đáng nhưng không nằm trong danh sách được các tổ chức giới thiệu. Đây được coi là cách “làm nhân sự” công khai, rà quét trên diện rộng trong điều kiện “4.0”, không để sót, lọt tài năng.

Tiêu chí “trẻ” để chọn đại biểu trẻ cho Hội nghị là những người viết sinh năm 1986 trở lại đây, tức không quá 35 tuổi. Cũng có ý kiến cho rằng tuổi đó sao còn gọi là trẻ, khi các nhà văn tiền bối thành danh từ rất sớm. Nguyên Hồng viết Bỉ vỏ năm 20 tuổi, Vũ Trọng Phụng làm nên văn nghiệp đồ sộ tới tận bây giờ, khi từ giã cõi đời mới ở tuổi 27. Nhưng một số người khác lại quan niệm, không thể lấy thước đo thiên tài để đo một thế hệ trong một thời đại cụ thể. Bởi bây giờ cũng không dễ gọi tên những người viết dưới 35 tuổi thật sự có dấu ấn, ngay cả khi “so gần” với những Phan Thị Vàng Anh (xuất bản Khi người ta trẻ năm 25 tuổi, Hội chợ năm 28 tuổi), Nguyễn Ngọc Tư (xuất bản Ngọn đèn không tắt năm 25 tuổi, Cánh đồng bất tận năm 29 tuổi). 

Số lượng hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay với độ tuổi dưới 35 chỉ chiếm khoảng… 1%. Trong khi đó, đời sống văn học đang khá sôi động với một thế hệ những cây bút được trang bị kiến thức tốt, hiểu biết rộng, dồi dào năng lượng. Họ xuất hiện trên báo chí, nhưng sân chơi chính là các diễn đàn, mạng xã hội, câu lạc bộ văn chương, nhóm văn bút… bằng nhiều hình thức và cách thức liên kết phong phú. Tinh thần chung là họ chưa thỏa mãn với cái đã có của văn chương, mong muốn tìm những lối đi khác, cách thể hiện khác, tiệm cận dần với văn học thế giới. Nhưng nói như nhà thơ Thi Hoàng thì “nhiều người viết trẻ hiện nay đang có thừa văn minh nhưng lại chưa có đủ nền tảng văn hóa. Văn minh của họ là phương tiện công nghệ hiện đại, là ngoại ngữ, là bằng cấp tử tế...; nhưng văn hóa là năng lực thẩm mỹ, sự hiểu biết thấu đáo về cái đẹp”. Còn nhà văn Nguyễn Trí Huân cho rằng nỗ lực làm khác của người viết trẻ là điều đáng mừng nhưng “nên nhớ cái tìm, cái “phá” phải là của tự thân anh cơ; còn nếu chỉ cố làm cho mới có khi lại không thành. Nguyễn Ngọc Tư là một tự thân, viết cái đầu tiên đã hay, càng viết, càng trưởng thành, sâu sắc”. 

Một thách thức lớn nữa với người viết trẻ là việc sinh kế. Cuộc sống hôm nay khiến họ buộc phải dành thời gian giải quyết quá nhiều con số: chi phí ăn ở, di chuyển, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, sinh hoạt hằng ngày..., chưa kể đến cơ hội việc làm, thăng tiến nghề nghiệp không ít người viết thế hệ bây giờ cho rằng phải “sống rồi mới viết” trước khi đạt đến ngưỡng chuyên nghiệp “sống để viết”. Thẳng thắn mà nói thì những thách thức cụ thể kể trên khiến đam mê văn chương, chữ nghĩa trở thành ưu tiên thứ yếu so với cuộc mưu sinh. Mà theo Viện trưởng Văn học Nguyễn Đăng Điệp thì “người nghệ sĩ phải có đam mê với nghề mới làm cháy lên ngọn lửa sáng tạo. Tôi sợ nhất làm nghệ thuật mà không có đam mê”; còn nhà phê bình văn học, dịch giả Phan Hồng Giang cũng cho rằng “muốn viết văn trước hết phải có niềm say mê lớn”…

Trước những hiện thực bộn bề như vậy, việc tổ chức một cuộc điểm danh đội ngũ cầm bút trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam và thành lập Giải thưởng Tác giả trẻ thật sự là những tín hiệu vui, tập hợp, khuyến khích người viết trẻ thông qua các sự kiện, các giải thưởng văn học, để những cây bút có tài đang ở lằn ranh giữa viết và không viết, dấn thân hay không dấn thân, được khích lệ và nếu có thành công thì họ sẽ đi tiếp. Đồng hành với họ, thời gian gần đây Ban Nhà văn trẻ cũng đang xúc tiến thành lập các câu lạc văn chương do Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ, kết nối các nhà văn tiền bối truyền nghề cho những người viết trẻ; phối hợp các nhà xuất bản, các tờ báo để giúp các nhà văn trẻ công bố tác phẩm; hỗ trợ, kết nối để các cây bút trẻ được đào tạo, tham gia các trại sáng tác, diễn đàn, các festival văn chương trong nước và thế giới…