Từ một gợi ý…

Khu Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến ở vị trí rất đẹp trên đỉnh đồi Nà Bó lộng gió (thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La) có kiến trúc hiện đại và ý nghĩa. Dù du lịch Mộc Châu đang trong những ngày tái khởi động thích ứng trạng thái bình thường mới, nhưng ở Khu di tích luôn có những đoàn khách tìm đến. Nhiều trong số đó đến từ Hà Nội.

Được thiết kế theo ý tưởng từ bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng, Khu di tích (còn có tên gọi là Lâm Viên Tây Tiến) tái hiện tinh tế hình ảnh đoàn chiến binh với phần lớn là những chàng trai Hà Nội hào hoa, khí phách, từ biệt Thủ đô để dấn thân vào cuộc trường chinh gian khổ, đầy hy sinh, mất mát vì Tổ quốc. Bên những bức phù điêu lớn, bước qua 52 bậc đá, thành kính tưởng niệm trước đài hương được thiết kế theo hình bốn lưỡi lê chụm đầu, gợi nhắc câu thơ đã in sâu vào tâm trí nhiều thế hệ "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm, hun hút cồn mây súng ngửi trời", cảm xúc bi hùng về đoàn binh Tây Tiến năm xưa như càng thêm đậm nét theo lời kể của hướng dẫn viên khu di tích: Những chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại giữa núi rừng Tây Bắc năm xưa ấy đều là người Hà Nội, nhiều người biết làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh… nên mỗi ngày, cán bộ Khu di tích đều cố tìm bút bi, mầu vẽ hay sổ chép nhạc… đặt trước hương án. Bản nhạc tấu lên trong lễ dâng hương cũng do một cựu binh Tây Tiến viết để dâng tặng linh hồn đồng đội. Trong nhà tưởng niệm, có riêng một góc trưng bày mang tên: Tài hoa Tây Tiến, với những bức tranh, bản nhạc, bài thơ của các chiến binh sáng tác, và đặt trang trọng nhất là bức tượng bán thân của nhà thơ Quang Dũng-người đã góp phần đáng kể khắc họa hình ảnh bi hùng của đoàn binh Tây Tiến trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt. Một hướng dẫn viên nói với tôi rằng: Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trong một lần đến thăm Khu di tích đã nói, nếu du khách nào có thể đọc thuộc bài thơ Tây Tiến thì nên miễn phí vé tham quan. Một gợi ý sâu sắc cho những người làm văn hóa, nhất là ở các khu di tích lịch sử-cách mạng.

Trong các bản báo cáo về hoạt động của ngành di sản văn hóa, hệ thống di tích cách mạng luôn được ghi nhận thu hút lượng khách viếng thăm ít hơn so các loại hình khác. Nhưng những chuyển động, cách làm sáng tạo của nhiều "địa chỉ đỏ" thời gian gần đây như Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), hay Khu Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến… cho thấy tiềm năng và hướng mở, để có thể thu hút và lan tỏa những thông điệp lịch sử giàu ý nghĩa cho thế hệ hôm nay.