Từ câu chuyện tranh chép có giá tiền tỷ

Tranh chép có giá tiền tỷ là câu chuyện mới đây gây bất ngờ với không ít người bởi tranh chép thường gắn với vấn đề tranh chấp bản quyền tác phẩm, hay những chấn động trong giới mỹ thuật về thật-giả, trắng-đen. Tuy nhiên, chuyện tưởng như đùa ấy lại diễn ra ở một phiên đấu giá quốc tế, đã mang lại cái nhìn tích cực hơn, đúng đắn hơn về tranh chép hợp pháp.

Bức tranh chép Lên đồng có giá bán tiền tỷ. Nguồn: Aguttes Auction House
Bức tranh chép Lên đồng có giá bán tiền tỷ. Nguồn: Aguttes Auction House

Thế nào là "chép tranh hợp pháp"?

Giữa tháng 3 vừa qua, nhà đấu giá Aguttes (Pháp) đã có một phiên đấu giá thành công với bức tranh được cho là "gần gũi với sáng tác của danh họa Nguyễn Phan Chánh" (nguyên văn: "entourage de Nguyen Phan Chanh"). Tại phiên đấu này, bản sao chép bức tranh nổi tiếng Lên đồng có giá khởi điểm là từ 12.000 đến 15.000 EUR, ước tính ban đầu là đạt mốc 20.000 EUR, giá chung cuộc là 136.550 EUR, tương đương 3,45 tỷ đồng. Theo giới mỹ thuật trong nước, sở dĩ bức tranh chép có giá cao kỷ lục như vậy là nhờ vào dấu mộc của Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được đóng phía bên phải bức tranh, đã chứng thực cho một bức tranh chép có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trong khi không ai biết bức tranh gốc hiện đang ở đâu.

Về dấu mộc này, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, do Bảo tàng đã qua nhiều đời giám đốc nên đến nay, ông không rõ dấu mộc đóng trên bức tranh chép Lên đồng là thật hay giả. Ông đề xuất việc chúng tôi nên tiếp xúc và hỏi ý kiến từ nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, người có thâm niên công tác tại Bảo tàng từ khi mới thành lập. Sau khi xem xét hình ảnh dấu mộc này, bà Yến xác nhận với chúng tôi là bà chưa từng nhìn thấy nó. Theo lời kể của bà, trong hai thập niên 70 và 80 thế kỷ trước, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có thực hiện sao chép tranh theo một số đề xuất với Công ty xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam (XUNHASABA) nhưng cụ thể triển khai như thế nào là do bộ phận khác thực hiện, bà không biết.

Câu chuyện này đã đặt ra nhiều câu hỏi ngược trở lại với thực tế sao chép tranh bất chấp mọi sự lên án trong giới mỹ thuật ở Việt Nam lâu nay: Thế nào là một bức tranh chép được phép công khai là tranh chép và được phép bán, đấu giá?

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã từng sử dụng việc chép tranh như một cách bảo vệ bản gốc khỏi sự tàn phá của chiến tranh, chép tranh làm quà tặng ngoại giao... Kèm theo các bức tranh chép này thường là hợp đồng với tác giả/người thực hiện chép tranh, có biên bản giao-nhận và dấu chứng nhận bản chép của Bảo tàng. Đây là hoạt động chép tranh hợp pháp, được sự chấp thuận của chủ sở hữu và tác giả.

Trong Quyết định số 17/2004/QĐ-BVHTT do Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành ngày 5/5/2004 về Quy chế sao chép tác phẩm tạo hình, có quy định khá cụ thể và dễ hiểu. Theo đó, trước hết, việc sao chép tác phẩm tạo hình phải được sự đồng ý của chủ sở hữu, là tổ chức, cá nhân Việt Nam, bằng văn bản cụ thể. Trong văn bản đó, phải ghi rõ số lượng bản sao chép, mục đích, phạm vi sử dụng, mức thù lao mà người sao chép trả cho chủ sở hữu tác phẩm, hình thức thanh toán và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về hợp đồng sử dụng tác phẩm. Bản sao chép phải có kích thước lớn hơn hoặc nhỏ hơn tác phẩm gốc, trừ trường hợp sao chép bằng khuôn đúc hoặc khuôn in. Bản sao chép phải giữ đúng nội dung, hình thức như tác phẩm gốc. Phía sau bản sao chép có ghi rõ các thông tin: chữ "bản sao" và tên tác giả, tên tác phẩm, chất liệu tác phẩm gốc, năm sáng tác (nếu có), tên người sao chép, kích thước bản sao chép… Như vậy, người dân được quyền sao chép tác phẩm nhưng phải tuân thủ luật pháp.

Song thực tế, phần lớn các hoạt động sao chép tranh hiện nay ở Việt Nam được thực hiện mà không được sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu. Những vụ tranh giả chấn động đã liên tiếp xảy ra nhưng đến nay, chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại nhiều phiên đấu giá quốc tế, tranh bị nghi sao chép/ làm giả, không đúng thông tin về tác giả /tác phẩm của các danh họa Việt Nam vẫn xuất hiện đều đều và chỉ có một số nhà đấu giá chịu rút tranh về sau khi có sự lên tiếng mạnh mẽ của giới họa sĩ và phê bình mỹ thuật trong nước.

Minh bạch hoạt động chép tranh

Là một người có nhiều nghiên cứu và tìm hiểu về tác phẩm mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đông Dương, ông Ngô Kim Khôi (Paris, Pháp) cho rằng, người ta đã vin vào việc đến cả Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng từng tổ chức chép tranh, không còn phân biệt đâu thật đâu giả. "Các lò tranh cứ vẽ, rồi bảo đây là của bảo tàng, luồn qua Pháp bán đấu giá, rồi trở về Việt Nam"- ông Khôi bày tỏ. Có thể hiểu rằng, việc buôn bán tranh trà trộn thật-giả là một lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao, song, làm tổn hại tới cả một nền mỹ thuật.

Để minh bạch thị trường mỹ thuật trong nước, trước hết phải bắt đầu từ ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc chép tranh trắng trợn của các họa sĩ đều do kiến thức hiểu biết về pháp luật còn hạn chế của người sao chép tác phẩm. Không ít sinh viên "vô tư" chép lại tranh của lớp đàn anh rồi rao bán trên mạng nhưng khi sự việc bị phát hiện, người chép tranh chỉ có lời xin lỗi rồi sự việc lại "chìm xuồng".

Nhìn từ một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, dù tranh chép đang là vấn đề nóng nhưng cũng không nên đồng nhất tất cả tranh chép đều xấu. Thay vào đó, Việt Nam cần và nên có tranh chép đúng luật, hoạt động chép tranh được minh bạch, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều người thích danh tác mà không thể mua bản gốc, do quá đắt hoặc họa sĩ không bán. Đây cũng là việc mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền nên lần lượt khảo sát, chuẩn hóa nguồn tranh chép trong quá khứ, để dần dà minh định đâu là bản gốc, nhất là sáng tác của các danh họa trong nước.