Trước những hàng ghế trống

Gần như chỉ sau khi những y bác sĩ đầu tiên bước vào phòng điều trị bệnh nhân Covid-19, các nghệ sĩ nhiều lĩnh vực cũng đã phải đối diện những “cơn sóng thần” của đại dịch.

Và cũng chính ở những thời điểm đó, xã hội được cảm nhận vẻ đẹp của tài năng và nhân cách nghệ sĩ.

Rất nhanh chóng, nhiều nghệ sĩ đã chủ động kết nối và sử dụng các mạng xã hội để tạo nên những chương trình nghệ thuật đặc sắc, sáng tạo để giới thiệu tới đông đảo khán giả cả nước đang phải thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh. Cũng là họ, đã luôn lạc quan, sẵn sàng chuẩn bị những sáng tạo để phục vụ công chúng khi sàn diễn được mở lại. Với các nghệ sĩ, nhất là ở các loại hình nghệ thuật biểu diễn, sự có mặt và cộng cảm của công chúng là một thành tố không thể thiếu để tạo nên những màn trình diễn thăng hoa của cảm xúc. 

Đêm diễn Nối vòng tay lớn (26/9) mới đây, lưu lại đậm nét trong tâm trí rất nhiều người là hình ảnh gia đình ca sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu, CeCe Trương biểu diễn ca khúc Sài Gòn tôi sẽ (của thầy giáo trẻ Thái Dương) trước cửa Nhà hát Thành phố. Phía trước họ không phải là những gương mặt công chúng đầy hứng khởi, mà là khu trung tâm thành phố không một bóng người, sâu hun hút như vô tận. Đó có lẽ là một trong những hình ảnh xứng đáng được chọn cho bộ sưu tập những hình ảnh đủ sức diễn tả về đợt dịch tàn khốc này. Đầy xúc cảm và ám ảnh.

Và còn rất nhiều nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật khác, trong rất nhiều các chương trình nghệ thuật kết nối online suốt gần hai năm đằng đẵng vừa qua, trước khán phòng mênh mông những hàng ghế trống, hay đối diện với màn hình máy quay để thực hiện phần biểu diễn của mình, tôi thấy họ điềm tĩnh, và bản lĩnh. Bởi dẫu đang phải vật lộn với rất nhiều gian khó, trong họ vẫn cháy bỏng tình yêu với nghệ thuật. Và cũng bởi họ thấu hiểu, tài năng của họ, vẻ đẹp vĩnh hằng của nghệ thuật là liều thuốc rất hữu hiệu với tâm hồn xã hội trong những thời khắc đầy thử thách này. 

Cho đến thời điểm này, chưa một ai có thể biết được, khi nào các thiết chế văn hóa, nghệ thuật mới tiếp tục được sáng đèn, đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ được biểu diễn trước công chúng theo phương thức truyền thống.

Đã có những nghệ sĩ vĩnh viễn ra đi vì Covid-19. Và cũng đã có những nghệ sĩ phải nuốt nước mắt lặng thầm rời bỏ niềm đam mê cháy bỏng của đời mình. Nếu như các lĩnh vực kinh tế cần nhiều năm để có thể phục hồi, thì văn hóa, nghệ thuật sẽ cần khoảng thời gian dài hơn thế, để lấy lại sức sống và khôi phục đội ngũ. Những mất mát sẽ là không thể đo đếm được. 

Bởi vậy, lúc này, khi Chính phủ đang khởi động các chương trình phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh thích ứng với đại dịch, cũng cần dành sự quan tâm thích đáng cho các giải pháp phục hồi hoạt động văn hóa, nghệ thuật.