Tranh Việt và hành trình thật - giả

(Tiếp theo và hết) 

Kỳ 2: Bao giờ xóa "điểm mù" thẩm định? 

Như đã đề cập, nhiều khách hàng của các nhà đấu giá nước ngoài có liên quan đến mỹ thuật Việt Nam là người Việt Nam. Thị trường, suy cho cùng, gắn chặt yếu tố lợi nhuận. Khi nguồn cầu còn thì nguồn cung vẫn sẵn sàng đáp ứng.

 Bức tranh Diễn viên chèo (bột mầu trên giấy) đang bị đặt nhiều nghi vấn về sự giả mạo
Bức tranh Diễn viên chèo (bột mầu trên giấy) đang bị đặt nhiều nghi vấn về sự giả mạo

"Công thức" của các nhà sưu tập

Trong một bài phỏng vấn, trên báo Thể thao & Văn hóa, số ra ngày 5-6-2019, ông Romain Verlomme-Fried - người được chú thích là "giám định viên chuyên đề châu Á" của nhà đấu giá Leclère, cho hay: "Chúng tôi dùng song ngữ Pháp - Việt trong cuộc đấu giá". Ðiều này cho thấy sự chiều ý khách hàng người Việt, sống trong nước, vốn có hạn chế về ngoại ngữ, của nhà đấu giá này.

Gần đây nhất, ngày 19-3-2020, trang facebook của Tạp chí Mỹ thuật - cơ quan của Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã thống kê nhanh: có sáu bức tranh của ba họa sĩ Việt Nam và hai họa sĩ Pháp vẽ cảnh và người Việt Nam từ thời Mỹ thuật Ðông Dương (Inguimberty và Alix Aymé) đã được "bê về quê", thậm chí nói rõ là "cùng một nhà ở quê" (tức là mang về Việt Nam) trong phiên đấu giá diễn ra trước đó một ngày của nhà đấu giá Lynda Trouvé, có tên tiếng Việt là Nghệ thuật Ðông Dương 1800 - 1960: Chương 8, tiếng Pháp là La Petite Indochine: Mythes et Realités 1800 - 1960: Chapitre 8. Trong số này, có cả bức được cho là của Bùi Xuân Phái, Village lacustre de Cat Ba (1974, sơn dầu, 56x80cm), được gõ búa ở mức giá 51.000 EUR (giá ước tính: 30-40.000 EUR), nhưng cũng ngay trên trang facebook này ghi nhận bình luận của người Việt trong giới về sự giả mạo hoặc nghi ngờ sự giả mạo…

Có thể nói, khách hàng "đầu cuối" chính yếu của những người được cho là sưu tập hội họa Việt Nam là tầng lớp giàu mới ở trong nước, bên cạnh việc họ mua đi bán lại trong giới với nhau. Với những người giàu mới, sau những nhà lầu, xe hơi đã quá phổ cập, họ tìm đến yếu tố mang tính văn hóa và thẩm mỹ, trong đó có việc mua tranh. Tuy nhiên, nếu như việc mua một chiếc xe hơi hạng sang dễ dàng bao nhiêu, là bởi trong lĩnh vực này, đã có định chuẩn phổ cập và nhất quán về dòng xe và giá tiền, thì việc mua một bức họa thật sự có giá trị thẩm mỹ lại không có định chuẩn nào, cũng như việc phân biệt tranh thật - giả lại chưa có định chế tiêu chuẩn nào ở Việt Nam bảo đảm mà tất cả phụ thuộc vào nhãn quan và tri thức của người mua. Ðây là "điểm mù" hấp dẫn nhất, dễ dàng lừa mị lẫn nhau giữa kẻ bán ma mãnh và người mua hướng ngoại chạy theo trào lưu - vốn chiếm phần lớn so với những người thật sự hiểu biết trong việc mua/sưu tập nghệ thuật.

Nhìn lại 10 năm qua, từ sự kiện ra mắt sách Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại, từ sưu tập của ông Tira Vanichtheeranont, người Thái-lan (Phan Cẩm Thượng - Nguyễn Anh Tuấn, Nxb Mỹ thuật, 2010) và triển lãm trưng bày sưu tập này tại Việt Nam, ông Tira Vanichtheeranont đã trở thành một hình mẫu trong cách thức mua bán tranh Việt Nam. Sau sưu tập này, ông tiếp tục áp dụng công thức tương tự, với ký họa của Tô Ngọc Vân, Tôn Ðức Lượng, Nguyễn Thụ... Thành công của ông Tira với việc sưu tập hội họa Việt Nam được đúc thành công thức: "mua mớ - làm sách và triển lãm - bán lẻ". Thành công này như một cú huých lớn, kích thích một số người Việt Nam cùng có xuất phát điểm là người buôn bán đồ cổ như ông Tira, công khai tham gia "sân chơi". Bên cạnh việc mua tranh ở trong nước, họ tham gia các phiên đấu giá ở nước ngoài.

Sức hấp dẫn của danh tiếng và lợi nhuận trong lĩnh vực này phải nói là rất lớn. Từ một người buôn bán đồ cổ, ai đó được khoác lên tấm áo rộng đẹp với ý nghĩa văn hóa to lớn: "nhà sưu tập", "người đưa tranh quý hồi hương",… Tuy nhiên, một số vụ việc, cho dù khá tinh vi, vẫn bị nhanh chóng phát hiện trong lĩnh vực này cho thấy bản chất không thay đổi của những người buôn bán kiếm lời đơn thuần. Ðiển hình là vụ việc bức tranh có ghi chú và chữ ký là của Tạ Tỵ nhưng thật ra là của Thành Chương, trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu, thuộc sưu tập của ông Vũ Xuân Chung, bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, năm 2016. Có thể nói, đây là vụ việc điển hình của sự tinh vi tìm cách che đậy nguồn gốc thật của một số bức tranh, tới mức có cả văn bản xác nhận của ông J.F. Hubert, người được xem như một chuyên gia có tên tuổi nhất về mỹ thuật Việt Nam ở Pháp. Tai tiếng của vụ việc khiến cho ông này, cuối cùng, đã bị sa thải khỏi Nghiệp đoàn cấp quốc gia của các chuyên gia Pháp (Compagnie Nationale des Experts - CNE), tháng 1-2019.

Mặt khác, thị trường sưu tập và mua bán mỹ thuật Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu được quản lý một cách nghiêm túc bởi các công cụ pháp lý hữu hiệu. Quanh sự kiện tranh bị mạo danh rõ ràng như vậy trong triển lãm của ông Vũ Xuân Chung nói trên, các cơ quan quản lý cũng đã bàn thảo nhưng cuối cùng, không có bất kỳ một biện pháp mạnh hơn nào được áp dụng sau việc đóng cửa triển lãm, khi chưa hết hạn trưng bày theo lịch ban đầu. Nhà sưu tập vẫn được mang toàn bộ trưng bày, trong đó có cả tranh giả, mạo danh, về nhà. Từ năm 2016 đến nay, sự xuất hiện của một vài nhà đấu giá ở trong nước nhưng cũng nhanh chóng vướng phải việc đấu giá tranh giả, tranh không rõ nguồn gốc, tranh bị mạo danh, đã tiếp tục cho thấy tình trạng bát nháo của lĩnh vực này. Bên cạnh đó, trong một thị trường nội địa nhỏ lẻ, manh mún như lâu nay, các nhà đấu giá mỹ thuật ở Việt Nam đương nhiên không thể so sánh, cạnh tranh được với các nhà đấu giá nước ngoài về mọi khía cạnh, từ nguồn vốn, điều kiện kinh doanh, hành lang pháp lý cho việc kinh doanh đến các yếu tố "vô hình" khác, tạo nên đẳng cấp của một nhà đấu giá - lớp điểm trang quan trọng, bảo chứng cho sự xác thực của một bức tranh, nhất là khi trị giá của nó lên đến tiền tỷ.

Tranh Việt và hành trình thật - giả ảnh 1

Bức tranh được đưa ra đấu giá, ghi là của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. (Nguồn: Catalogue Arts du Vietnam, Millon, ngày 5-5-2020).

Những tham khảo hữu ích

Trong bối cảnh "đục nước" như vậy, không có gì khó hiểu việc các nhà đấu giá nước ngoài liên đới đến mỹ thuật Việt Nam "thừa cơ thả câu", trà trộn tranh thật, giả trong các phiên đấu giá của mình. Có thể họ không cố ý nhưng rõ ràng, họ cần phải cẩn trọng hơn trong việc tiếp nhận và xác nhận thông tin về sản phẩm, để bảo đảm tính trung thực và uy tín của một nhà đấu giá. Sự sơ sài, cẩu thả trong việc cung cấp thông tin sản phẩm đến khách hàng, nếu đúng như vậy, vẫn khiến họ không thể vô can. Theo ông Laurent Colin, để làm trong sạch hơn thị trường cung cấp mỹ thuật Việt Nam, phía Việt Nam cũng không nên thụ động nữa. "Giới chức trong nước như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) hoặc Hội Mỹ thuật Việt Nam nên phản ứng một cách chính thức, gửi văn bản phản hồi tới các nhà đấu giá có dính líu đến tranh giả mạo, cũng như đến các hiệp hội chuyên gia ở nước ngoài, khi có thể hãy đưa các sự việc gian lận này ra tòa án, đặt nghi vấn và có biện pháp trừng phạt khi đại diện những nhà đấu giá gian lận ấy muốn nhập cảnh Việt Nam".

Ðược biết, sau phản ứng ban đầu phần nào cảm tính thông qua nền tảng mạng xã hội facebook (công khai video clip ghi hình và tiếng nói của họa sĩ Nguyễn Thụ, đã 90 tuổi, kêu cứu về việc bị mạo danh tác giả làm tranh sơn mài đậm chất mỹ nghệ), chị Nguyễn Thị Vy, người đang trực tiếp phụng dưỡng bố, đã gặp gỡ đại diện Thanh tra của Bộ VHTTDL và được hướng dẫn là kèm theo đơn, cần cung cấp thêm chứng cứ liên quan đến nguồn gốc các bức sơn mài mang chữ ký "ngthu".

Cuối năm 2018, Bộ VHTTDL đã thành lập Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Tuy nhiên, thực trạng tranh giả, tranh mạo danh tác giả vẫn tồn tại ngang nhiên, từ tranh có trị giá cao tới tiền tỷ đến tranh được đấu giá chỉ chưa đến 20 triệu đồng, từ các giao dịch trong nước đến nước ngoài rồi lại được nhập cảnh, cho thấy, khoảng cách lớn giữa các văn bản quy phạm pháp luật và phương cách giải quyết của những cơ quan liên quan với thực tiễn thị trường. Làm thế nào để rút ngắn được khoảng cách đáng sợ này? Hay nói cách khác, làm thế nào để giải quyết triệt để tình trạng này? Thiết nghĩ, thay vì chỉ cứ mãi lúng túng chạy theo sự vụ trước mắt và giải quyết nửa vời, đã đến lúc, các cơ quan quản lý cần phải khẩn trương và nghiêm túc nghiên cứu, đưa ra chế tài quản lý các tác phẩm mỹ thuật một cách minh bạch, thông qua công cụ hữu hiệu là thuế và chứng nhận trị giá cũng như chủ sở hữu tài sản. Việc lâu nay, Thái-lan đã cho phép thế chấp sưu tập mỹ thuật trong ngân hàng, như thế chấp các tài sản thông thường là nhà đất, sổ tiết kiệm, sổ bảo hiểm,... là một tham khảo cần thiết. Chính sự công nhận và minh bạch hóa nguồn tài sản là tác phẩm mỹ thuật như vậy bằng công cụ quản lý nhà nước sẽ góp phần đẩy lùi sự giả trá lâu nay, và làm gia tăng giá trị thật sự của các tác phẩm.

Khi kỳ 1 của bài viết vừa đến tay bạn đọc, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin: Ngày 5-5 vừa qua, trong phiên đấu giá trực tuyến của nhà đấu giá Millon, Pháp (www.millon.com) qua sàn Drouot, tiêu đề Arts du Vietnam (Nghệ thuật Việt Nam), có ít nhất hai bức tranh đã nhanh chóng gây tranh luận trên truyền thông xã hội ở Việt Nam, nghi vấn về sự giả mạo: bức Les Fauchage du Riz (Gặt lúa), sơn mài, 64x122cm, 1970, của cố họa sĩ nổi tiếng về tranh lụa Nguyễn Tiến Chung (1914-1976), mục đấu số 99, và bức Acteurs du Chèo (Diễn viên chèo), bột mầu trên giấy, 19,5x14,5cm, 1972, mục đấu 75, của Bùi Xuân Phái (1920 -1988). Con trai họa sĩ Nguyễn Tiến Chung thì khẳng định bức tranh đó là giả.

Tuy nhiên, trong email phản hồi tới chúng tôi, ngày 13-5, ông Jean Gauchet, chuyên gia về nghệ thuật châu Á của nhà Millon khẳng định, "Nguyễn Tiến Chung có sáng tác tranh sơn mài" cho dù "tranh lụa của ông ấy được biết đến nhiều hơn trên truyền thông". Ông cho biết, bức Les Fauchage du Riz từng được đưa vào một phiên đấu của nhà Christie’s chi nhánh Hồng Công (Trung Quốc) và ông "tin tưởng rằng họ (Christie’s) đã đánh giá tác phẩm này là thật và là của họa sĩ (Nguyễn Tiến Chung)". Nhà đấu giá Christie’s (www.christies.com) được thành lập năm 1766, ở Anh. Bức sơn mài này thuộc một sưu tập tư nhân ở Pháp. Về bức tranh của Bùi Xuân Phái, ông cho biết, nó thuộc một sưu tập tư nhân của người Pháp, từng được mua từ một phiên đấu ở sàn Drouot vài năm trước.

Kỳ 1: Mập mờ “đánh lận con đen”?