Tìm giải pháp “phá băng” cho sàn diễn

Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của đại dịch Covid-19, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là ngành nghệ thuật biểu diễn đã và đang gồng mình vượt thử thách. Đồng thời, các cơ quan chức năng và những người làm nghề cũng đang xoay trở, tìm kiếm giải pháp khả thi để hồi phục sức sống cho lĩnh vực đặc thù này trong trạng thái bình thường mới.

Một cảnh trong chùm các chương trình nghệ thuật online với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện.
Một cảnh trong chùm các chương trình nghệ thuật online với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện.

Đối mặt với nỗi lo kép

Gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra biết bao khó khăn, thách thức cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Những khó khăn này dường như không chỉ phản ánh qua tình trạng đóng cửa, tạm dừng hoạt động của các thiết chế văn hóa như nhà hát, rạp, trung tâm văn hóa - nghệ thuật, không gian văn hóa công cộng... Đại dịch Covid-19 đã khiến mọi hoạt động nghệ thuật như các chương trình biểu diễn, liên hoan, sự kiện văn hóa - nghệ thuật… bị tạm dừng hoặc hủy bỏ chưa biết thời điểm được hoạt động bình thường trở lại; nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, cả công lập và ngoài công lập, không thể cho ra mắt công chúng những tác phẩm nghệ thuật theo cách thức truyền thống; nhiều chuyên gia, nhà sáng tạo hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên... bị cắt giảm lương/thù lao; một lực lượng lớn nghệ sĩ, diễn viên phải duy trì cuộc sống với mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, thậm chí một lực lượng lao động trẻ, có năng lực chuyên môn phải nghỉ việc không hưởng lương… Những khó khăn trên đã tác động tiêu cực đến khả năng sáng tạo, khả năng duy trì chuyên môn, nghiệp vụ và tình yêu nghề, nhất là đối với các nghệ sĩ đang tham gia giữ gìn, bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Điều đáng nói là những khó khăn, vướng mắc của văn hóa nghệ thuật vốn đã tồn tại kéo dài trong nhiều năm nay mà vẫn chưa hề được tháo gỡ. Chính vì vậy, tác động tiêu cực của đại dịch đã giáng thêm những đòn vô cùng nặng nề đối với lĩnh vực rất đặc thù này. 

Nhận thấy những khó khăn, vướng mắc đòi hỏi cần phải có những giải pháp kịp thời để tháo gỡ, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có cuộc làm việc với 12 nhà hát thuộc Bộ, lắng nghe những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của lãnh đạo các nhà hát và nhiều nghệ sĩ tên tuổi để cùng tìm giải pháp tháo gỡ. Với tinh thần “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, trong thời dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch, sức sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên vẫn không ngừng nghỉ. Chuỗi các chương trình nghệ thuật như “Những ngôi sao bất tử” nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021) của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, chương trình “Những mùa thu lịch sử” kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, chương trình “Giai điệu Việt” của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam… và chuỗi chương trình nghệ thuật online “Kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch” được Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên của 12 đơn vị nghệ thuật trung ương và các điểm cầu trên cả nước triển khai thực hiện trên các kênh sóng truyền hình và các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội đã kịp thời truyền tải những thông điệp có ý nghĩa gửi đến lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân cả nước. Hình tượng các y, bác sĩ trong bệnh viện dã chiến hát vang bài “Quốc ca” trước lá cờ đỏ sao vàng, hay những em bé “Chiến binh nhỏ” ngơ ngác bước lên xe… được ê-kíp sáng tạo nghệ thuật hóa đã lay động mọi trái tim, mang đến cảm xúc mãnh liệt, cổ vũ người dân trên mọi miền đất nước chung tay chiến thắng đại dịch.

Cục Nghệ thuật biểu diễn đã linh hoạt tổ chức được nhiều liên hoan, cuộc thi nghệ thuật dưới hình thức thi livestream và trực tuyến và tổ chức ở nhiều điểm thi cho từng địa bàn, bảo đảm được quyền lợi cũng như điều kiện tốt nhất cho các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ.

Sửa đổi chế độ, chính sách để tạo động lực sáng tạo

Mới đây, Chính phủ đã cho phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu xây dựng Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật và Nghị định về chế độ, chính sách cho nghệ sĩ. Đây là một tín hiệu vui đối với ngành văn hóa nghệ thuật, hướng tới những giải pháp căn cơ, giải quyết hàng loạt những bất cập nổi cộm về chế độ, chính sách đối với văn hóa nghệ thuật như: tháo gỡ  vướng mắc về độ tuổi và trình độ đào tạo trong ngành văn hóa nghệ thuật, chính sách mang tính đặc thù đối với giảng viên, nhà giáo và người học ngành nghệ thuật; tháo gỡ quy định không được ký hợp đồng lao động với những người làm chuyên môn, nghiệp vụ đối với các đơn vị nghệ thuật công lập; giải quyết những bất hợp lý về tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu với những người làm nghệ thuật; nâng cao mức bồi dưỡng, ưu đãi nghề đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn… 

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó quy định hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Sự quan tâm của Nhà nước đối với lực lượng nghệ sĩ ở hạng IV là những người có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cũng là mức lương thấp nhất trong bảng lương viên chức thật sự là nguồn động viên rất lớn, giúp cho các nghệ sĩ vững tâm hơn với nghề để vượt qua mùa dịch. 

Trong một tầm nhìn dài hạn, ngành văn hóa đang nỗ lực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ cho sự hồi phục của đời sống văn hóa, như hoàn thiện xây dựng Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030; chú trọng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; công tác xây dựng văn hóa cơ sở được quan tâm; hoạt động thư viện có nhiều đổi mới trong phương thức truyền thông, khuyến khích việc đọc sách trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19; các đơn vị nghệ thuật cũng miệt mài cho ra đời nhiều chương trình nghệ thuật online, đem đến “món ăn tinh thần” hấp dẫn cho người dân, tiếp thêm nguồn sức mạnh cho cộng đồng trong những ngày chống dịch.

12_1-1633021435363.jpg

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, NGUYỄN VĂN HÙNG

Tạo những liều “vaccine tinh thần” làm động lực vượt qua thử thách

Có chứng kiến những khó khăn của nghệ thuật thời gian qua mới hiểu đó là những nỗ lực vô cùng đáng trân trọng. Giới văn hóa, đặc biệt là những người làm nghệ thuật đã vượt qua giới hạn khi thắp lên ngọn lửa bằng những que diêm bé nhỏ chứ không chịu ngồi yên chấp nhận và trách bóng tối. Những tháng ngày qua, tác động của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới toàn bộ nền kinh tế của cả nước, đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch và với khối nghệ thuật biểu diễn lại càng nặng nề hơn. Lãnh đạo Bộ rất thấu hiểu với những nỗi niềm đau đáu, trăn trở và khát vọng mong chờ của văn nghệ sĩ, của nhân dân và của từng nhà hát. Đồng thời cũng xin ghi nhận những nỗ lực của khối nghệ thuật biểu diễn đã nhanh chóng thích ứng để vừa tìm ra lối thoát cho ngành, vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị góp sức cùng Đảng, nhân dân đẩy lùi dịch bệnh. Cục Nghệ thuật biểu diễn và các nhà hát đã nhanh chóng thay đổi phương thức tổ chức hoạt động bằng việc tận dụng tối ưu công nghệ thông tin để chuyển tải các tác phẩm, chương trình nghệ thuật phát sóng trên truyền hình và livestream trên các nền tảng số. Nghệ thuật đã trở thành những liều “vaccine tinh thần” vô cùng ý nghĩa động viên nhân dân trong thời điểm khó khăn này”. 

12_2-1633021435394.jpg

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND TRỊNH THÚY MÙI

Cần có sự bứt phá ngay từ việc đầu tư cho nghệ thuật 

Đầu tư cho phát triển văn hóa, nghệ thuật, cũng chính là đầu tư cho phát triển con người. Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lâu nay chưa được quan tâm chỉ đạo, đầu tư tương xứng. Trong môi trường toàn cầu hóa, cùng với sự đa dạng, phong phú các hình thức nghệ thuật và sự phát triển của công nghệ thông tin, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam đang đứng trước muôn vàn thử thách. Những khó khăn về nhân lực, tài lực khiến cho nhiều đơn vị không đủ sức cạnh tranh với chính những đơn vị cùng một hình thức nghệ thuật. Chính sách tiền lương dù đã “cải cách” vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến. Tiền lương thấp không kích thích được nghệ sĩ gắn bó với nhà nước, không thu hút được nhân tài; ngược lại, người làm việc giỏi, người có tài bỏ khu vực nhà nước ra làm việc cho khu vực ngoài Nhà nước, nơi có tiền lương và thu nhập cao, có xu hướng tăng. Vì vậy, ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các chính sách đãi ngộ đặc thù của Nhà nước đối với người nghệ sĩ.

Cần tạo điều kiện để phát triển văn hóa nghệ thuật, con người Việt Nam. Việc Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng Đề án Sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương là nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ sự phát triển lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ mới. Đây là cơ hội cũng là thách thức để cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những giải pháp chiến lược có tính chất lâu dài, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiện đại cho ngành nghệ thuật biểu diễn nước nhà. 

12_3-1633021435426.jpg

 Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND TRIỆU TRUNG KIÊN

Sửa đổi chế độ, chính sách để khuyến khích sáng tạo

Có rất nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ bởi những quy định đã quá cũ và không còn phù hợp thực tiễn. Đáng mừng là Chính phủ cho phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu đề xuất để xây dựng Nghị định về chế độ, chính sách cho nghệ sĩ. Đây là bước cơ bản giúp cho ngành tiếp tục phát huy được giá trị nghệ thuật, tạo động lực sáng tạo cho những người làm nghệ thuật biểu diễn. Các đơn vị nghệ thuật công lập đặc biệt là sân khấu truyền thống rất mong Ban soạn thảo Nghị định về chế độ, chính sách cho nghệ sĩ có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp đặc thù của ngành nghệ thuật biểu diễn, cụ thể là cho phép các đơn vị nghệ thuật công lập được ký hợp đồng với những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm xác định là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; khắc phục tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu nhân lực bằng cách giải quyết số lượng nghệ sĩ, diễn viên lớn tuổi không còn đủ sức khỏe hay ngoại hình để tiếp tục biểu diễn nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của Luật Lao động và đưa vào biên chế những nghệ sĩ trẻ, có năng lực biểu diễn với chất lượng chuyên môn cao… Chế độ, chính sách đối với những người làm nghệ thuật biểu diễn phải được chú trọng tới tính đặc thù và nếu cần phải có những quy định cụ thể cho lực lượng nghệ sĩ biểu diễn tới từng loại hình nghệ thuật khác nhau.