Thế khó của nghệ thuật tuồng

Nghệ thuật sân khấu tuồng truyền thống hiện nay ở trong một chuỗi khó khăn chưa tìm ra lời giải đáp để tháo gỡ, từ "đầu vào" là kịch bản hay, diễn viên tốt, đạo diễn giỏi đến "đầu ra" là kịch mục hấp dẫn và có đông đảo khán giả.

Một cảnh trong vở tuồng hiện đại Không còn đường nào khác của Nhà hát Tuồng Việt Nam, tháng 4/2022. Ảnh: THÙY DƯƠNG
Một cảnh trong vở tuồng hiện đại Không còn đường nào khác của Nhà hát Tuồng Việt Nam, tháng 4/2022. Ảnh: THÙY DƯƠNG

Tác giả viết kịch bản như "kim đáy bể"

Cốt lõi của bất kỳ bộ môn nghệ thuật sân khấu nào luôn là kịch bản tốt. Nhưng lâu nay, số lượng tác giả viết riêng kịch bản cho sân khấu tuồng trên cả nước có lẽ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ngay Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng không có riêng tác giả viết kịch bản. Ở miền trung, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định và Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa còn hai tác giả viết kịch bản tuồng nhưng là kiêm nhiệm vì công việc của họ gắn với sân khấu dân ca bài chòi nhiều hơn.

Thông tin từ Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, các vở diễn hiện nay của Nhà hát đều được chuyển thể từ kịch nói, chèo hoặc cải lương, chứ không có vở diễn nào được dựng từ kịch bản mới viết riêng cho tuồng. Nếu như trước kia, Nhà hát có nhiều sự lựa chọn từ các tác giả tên tuổi như Tống Phước Phổ, Kính Dân, Xuân Yến, Sơn Yến, Hoàng Đức Anh, Thùy Linh… thì giờ đây, các kịch bản viết cho tuồng cỡ như các tác giả vừa kể không kiếm đâu ra. Có thể có kịch bản nhưng không đủ sức hấp dẫn.

Thực tế, viết kịch bản cho sân khấu truyền thống lâu nay là công việc khó khăn bởi nội dung mà xưa quá hay, lãng mạn, giàu chất thơ, giàu ẩn ý thì lại không hợp với nhu cầu khán giả cũng như không gắn với vấn đề thời cuộc. Trong khi đó, riêng với sân khấu tuồng, người biên soạn kịch bản còn cần am hiểu văn học cổ. Bên cạnh đó, người viết còn cần có kiến thức sâu về các thể thức trong nghệ thuật tuồng, phải thuộc các làn điệu tuồng, bố cục, kết cấu của sân khấu tự sự... Vì vậy, để có được một soạn giả cho sân khấu tuồng là cả một kỳ công và tự thân người đó phải quyết tâm, nỗ lực là chính. Nhưng điều mâu thuẫn lại ở chỗ, yêu cầu thì cao nhưng tiền chi trả nhuận bút cho một kịch bản tuồng lại quá thấp, không xứng với công sức đầu tư của tác giả. Đã có một so sánh: với cùng khoảng thời gian, tác giả viết kịch bản cho các chương trình ca nhạc, kịch nói sẽ được nhiều tiền hơn và tên tuổi được biết tới gấp nhiều lần so với... một kịch bản tuồng. Không khó hiểu khi lâu nay, ở cái nôi đào tạo các tác giả cho nền nghệ thuật nước nhà là Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cũng chỉ đào tạo các nhà biên kịch cho điện ảnh, sân khấu kịch nói.

"Có bột mới gột nên hồ", kịch bản không có, chọn ra một vở diễn mới để dàn dựng gặp nhiều khó khăn đối với tuồng. Điều đó đã dẫn tới tình trạng các đơn vị nghệ thuật buộc phải dành trọng tâm hoạt động cho việc phục dựng các kịch bản đã cũ hoặc nếu có dàn dựng mới cũng là những kịch bản chuyển thể. Và số lượng các vở diễn được ra mắt khán giả là rất ít.

Loay hoay giải pháp

Đi tìm kịch bản đã khó, chi phí cho dàn dựng vở tuồng lại thuộc loại cao nhất trong các loại hình sân khấu, do khâu đầu tư phục trang, sân khấu yêu cầu khắt khe hơn. Thế nhưng, vở diễn lại ít có khán giả chịu bỏ tiền ra mua vé vào xem. Thói quen xem sân khấu miễn phí vẫn chưa được xóa nhòa. Chương trình biểu diễn các trích đoạn tuồng kinh điển tại rạp Hồng Hà (Hà Nội) thường chật kín khán giả, nhưng là các chương trình chỉ phát vé mời, không kinh doanh. Trong đó, khán giả trẻ chiếm đại đa số. Làm thế nào để khán giả chịu bỏ tiền ra mua vé xem các vở diễn - đây là câu hỏi mà Nhà hát Tuồng Việt Nam đang lúng túng tìm câu trả lời.

Bên cạnh đó, nguồn diễn viên cho Nhà hát cũng đã và đang là vấn đề nan giải. Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chỉ đào tạo diễn viên tuồng đến hệ trung cấp theo đề án phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam, mỗi khóa đào tạo thường cách xa nhau 10 năm, trong khi hệ đào tạo đại học cho diễn viên chèo, cải lương diễn ra hằng năm, bổ sung nguồn nhân lực dồi dào cho các nhà hát truyền thống. Chính bởi tấm bằng hệ trung cấp nên sau khi ra trường, diễn viên có mức lương khởi điểm rất thấp. Đời sống diễn viên khó khăn nên nhiều người dù đã có biên chế nhà nước cũng đành bỏ nghề để theo đuổi các công việc có thu nhập cao hơn. Mỗi năm, Nhà hát cấp quốc gia này chỉ phục dựng một vở được xếp vào hạng kinh điển để giữ gìn tinh hoa nghề nghiệp và dựng một vở mới. Kinh phí không dồi dào để dựng nhiều vở, "với lại, có dựng nhiều vở mới cũng không có khán giả" - ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam bày tỏ.

Theo lời ông Tuấn, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng nhưng đến nay, vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào được đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho Nhà hát.