Nhìn từ Festival Mỹ thuật trẻ 2020:  

Thay đổi hay dừng lại?

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 2: Mô hình và sự tương thích

Theo thông tin chính thức từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Festival Mỹ thuật trẻ được tổ chức lần đầu vào năm 2007. Nhưng, cách thức tổ chức của kỳ đầu tiên đó, có thể nói, khác hoàn toàn với các kỳ cuộc sau trên mọi phương diện.

Dự án mới (sắt hàn), Trần Văn An, giải Nhất Festival Mỹ thuật trẻ 2014.
Dự án mới (sắt hàn), Trần Văn An, giải Nhất Festival Mỹ thuật trẻ 2014.

Thứ nhất, đây là sự kiện do Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đứng ra tổ chức, người chịu trách nhiệm là họa sĩ Ðào Minh Tri, curator là họa sĩ Trần Lương. Bộ Văn hóa - Thông tin (VHTT) khi đó có vai trò là nhà bảo trợ và lập hội đồng xét duyệt tác phẩm, do Thứ trưởng Lê Tiến Thọ phụ trách.

Thứ hai, đây là sự kiện quy nạp các sáng tác có hình thức mới (nghệ thuật đương đại), chủ yếu là nghệ thuật sắp đặt, số ít là video art và trình diễn, do nhà tổ chức và curator chọn (và nhiều khi còn làm việc cùng với tác giả để hỗ trợ phát triển ý tưởng và hoàn thiện tác phẩm), tác giả được tài trợ một số tiền để làm tác phẩm. Ðây chính là yếu tố tổ chức quyết định hướng vận hành của cả quy trình sự kiện. Cần nhấn mạnh là thời điểm năm 2007, Việt Nam vẫn chưa chính thức công nhận các hình thức nghệ thuật nói trên, thông qua hệ thống văn bản pháp luật liên quan do Chính phủ hoặc Bộ VHTT ban hành mà phải đến cuối năm 2013, Nghị định của Chính phủ về Hoạt động mỹ thuật mới chính thức công nhận, phân loại và xếp chúng chung vào lĩnh vực mỹ thuật. Chính vì vậy, trước thời điểm ra đời Nghị định này, đặc biệt là trước khi có Festival Mỹ thuật trẻ 2007, các tác giả muốn trưng bày sáng tác theo hình thức nghệ thuật đương đại ở Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn về thủ tục hành chính cũng như tìm nguồn tài trợ, bởi hầu hết các hình thức nghệ thuật này mang tính thể nghiệm cao, không tương ứng với các tiêu chí của những hình thức mỹ thuật quen thuộc như hội họa, đồ họa, điêu khắc, lại càng khó có cơ hội bán - mua như một bức tranh, tượng.

Thứ ba, Festival Mỹ thuật trẻ 2007 có hơn 50 nghệ sĩ tham gia trưng bày sáng tác, không có hệ thống giải thưởng mà thay vào đó là một cuộc tọa đàm giữa nghệ sĩ, nhà tổ chức, công chúng quan tâm để bày tỏ và giải đáp các khúc mắc trên nhiều phương diện: từ cách thức tổ chức đến thực tế kiểm duyệt và trưng bày sáng tác. Cách tổ chức của Festival Mỹ thuật trẻ 2007 có thể nói là thật sự tương ứng với loại hình nghệ thuật mà nhà tổ chức muốn đưa đến công chúng.

Ðến Festival 2011, gần 1.000 sáng tác gửi đến tham dự vòng loại đã cho thấy hy vọng của giới mỹ thuật trẻ về một tụ điểm nghệ thuật mới dành cho họ. Tuy nhiên, nhà tổ chức chính thức của sự kiện này là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNATL) lại quay lại cách tổ chức như mô hình Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc: các tác giả gửi ảnh tác phẩm để Hội đồng nghệ thuật (HÐNT) sơ loại; đây cũng là hội đồng chung cho tất cả các hình thức nghệ thuật. Ngay ở kỳ cuộc này, hội họa giá vẽ đã trở lại chiếm ưu thế về số lượng gửi tham dự và được lựa chọn trưng bày: 101/158 sáng tác được trưng bày. Và cũng đã xảy ra sự việc đáng tiếc là phải gỡ bỏ một bức tranh do bị phát hiện là "đạo", "nhái" của một tác giả khác.

Càng về sau, các hình thức nghệ thuật đương đại và tinh thần thể nghiệm giàu có của tuổi trẻ đã không còn được trình hiện rõ nét trong festival này nữa.

Cho đến nay, Cục MTNATL là đơn vị đứng ra tổ chức ba kỳ cuộc triển lãm có tính chất quốc gia và định kỳ: Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (trước năm 2015 gọi là Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc) định kỳ 5 năm, Triển lãm điêu khắc toàn quốc định kỳ 10 năm, Festival Mỹ thuật trẻ chính thức được xác định định kỳ ba năm, từ năm 2011. Cả ba mô hình này đều chung một cung cách tổ chức: xác định dành cho công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không có yêu cầu về hồ sơ nghệ sĩ - nghệ thuật cụ thể để bước đầu xác định việc hoạt động nghệ thuật thường xuyên, chuyên nghiệp của người muốn tham gia; người muốn tham gia gửi ảnh tác phẩm đến ban tổ chức để dự vòng sơ loại.

Riêng với Festival Mỹ thuật trẻ, cách tổ chức nói trên đã phần nào đi ngược lại với tinh thần trẻ và tìm tòi mới - những tiêu chí mà festival hướng đến. Thêm vào đó, việc không/chưa có một không gian trưng bày triển lãm nghệ thuật thức thời, phù hợp với các yêu cầu trưng bày mỹ thuật và nghệ thuật đương đại đã khiến cho sức hấp dẫn tổng thể của một Festival Mỹ thuật trẻ càng bị sa sút.

Không có gì là mới dưới ánh mặt trời, như lời nhà triết học người Italia Umberto Eco đã nói, mô hình Festival Mỹ thuật trẻ định kỳ ba năm với mong muốn khuyến khích và thúc đẩy các tìm tòi thể nghiệm mới trong sáng tạo nghệ thuật có thể được xem là tương tự như mô hình các liên hoan nghệ thuật đương đại định kỳ hai năm (biennale), ba năm (triennial) thịnh hành lâu nay trên thế giới. Vấn đề cốt lõi là: Một khi đã hướng đến sự sáng tạo thì cách tổ chức cũng phải tương ứng với ý hướng ấy, như cách mà ban tổ chức Festival 2007 đã làm, hay như ý kiến của nhà điêu khắc Thái Nhật Minh, thành viên HÐNT của kỳ năm 2017 đề xuất phải thay đổi: "Khi trẻ, chúng ta cần phiêu lưu, mạo hiểm, khám phá, thử nghiệm nhiều hơn. Nên tôi thấy cần tập trung vào việc tìm kiếm, đề xuất, lựa chọn, giới thiệu, trưng bày và đầu tư vào mỗi tác phẩm tham dự sẽ tốt hơn là cách chúng ta ngồi chờ tác giả tự gửi đến và chấm giải cho họ".