Thách thức trên "xa lộ"

Hội nghị-Hội thảo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 8/12 cho thấy, điện ảnh Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức trong bối cảnh hội nhập và công nghệ số phát triển.

Phim Bố già, Bông sen Bạc LHP Việt Nam XXII, được chọn đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ loại Oscar 2022.
Phim Bố già, Bông sen Bạc LHP Việt Nam XXII, được chọn đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ loại Oscar 2022.

Ðiện ảnh phải tự tìm đường

Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, giai đoạn 2013-2020 là thời điểm điện ảnh Việt Nam có sự thay đổi sâu sắc. Đối lập với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các doanh nghiệp nước ngoài tham gia hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim là sự xuống cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng của các rạp chiếu phim, hãng phim nhà nước. Cùng với đó là sự gia tăng của các doanh nghiệp sản xuất phim tư nhân, với phần lớn là các bộ phim thương mại và giải trí.

Quá trình hội nhập quốc tế cũng thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Hệ thống rạp với cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng tại nhiều thành phố lớn. Số lượng phim nước ngoài chiếu tại rạp Việt Nam cũng tăng mạnh, chiếm hơn 70%. Xu hướng sản xuất phim remake phát triển, bước đầu thành công về doanh thu.

Xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ đã biến các thị trường điện ảnh quốc gia trở thành một bộ phận không thể tách rời của thị trường điện ảnh quốc tế, và cũng đòi hỏi các nền điện ảnh chủ động hội nhập toàn diện, tạo vị thế bằng bản sắc văn hóa của mình. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, phương thức phát hành và phổ biến phim truyền thống đã có nhiều thay đổi. Sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ sản xuất, phát hành và phổ biến phim, lưu trữ tư liệu hình ảnh động trên nền tảng công nghệ số đã trở thành thách thức cho mỗi nền điện ảnh quốc gia khi phải tự tìm ra con đường phát triển và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành, một thực trạng nhức nhối hiện nay là phim nước ngoài chiếm lĩnh thị trường quá nhiều, trong khi phim Việt Nam rất khó đưa vào hệ thống rạp, hoặc nếu được các rạp chiếu phim chấp nhận thì chỉ chiếu ở những giờ xem không thuận lợi và số lượng suất chiếu mỗi ngày cũng bị hạn chế.

Tuy vậy, phim Việt trong những năm qua đã tiến bộ đáng ghi nhận về nội dung và chất lượng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường điện ảnh. Số lượng phim truyện chiếu rạp của Việt Nam từ năm 2014-2020 đã đạt và vượt chỉ tiêu là 36-40 phim/năm. Nhiều phim đóng vai trò quảng bá điện ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, doanh thu 80 tỷ đồng, lập doanh thu kỷ lục cho phòng vé tại Việt Nam vào thời điểm phát hành, đồng thời làm tăng vọt lượng du khách đến Phú Yên... Năm năm trở lại đây, bên cạnh dòng phim tài trợ, đặt hàng của Nhà nước, hoạt động sản xuất phim trong khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, nhiều tác phẩm chất lượng nghệ thuật cao đã đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Đã xuất hiện những phim có doanh thu cao, cạnh tranh bình đẳng với phim ngoại nhập, đem lại tín hiệu khả quan cho công nghiệp điện ảnh như: Bố già, Hai Phượng, Cua lại vợ bầu, Mắt biếc, Em chưa 18, Gái già lắm chiêu, Lật mặt 48h...

Ðể thành ngành công nghiệp mũi nhọn

Từ năm 2011, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa không còn hỗ trợ cho điện ảnh nên việc đầu tư trang thiết bị cho rạp chiếu phim, máy chiếu lưu động, xe chiếu bóng lưu động... tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi điều kiện kinh tế, ngân sách của nhiều địa phương còn khó khăn. Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị chiếu phim kỹ thuật số cho đội chiếu phim lưu động ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế.

Đơn cử, theo tham luận của Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, hằng năm đơn vị chỉ được cấp khoảng 60-80 triệu đồng cho công tác chiếu phim tuyên truyền nhiệm vụ chính trị. Trên địa bàn tỉnh có ba đội chiếu bóng lưu động trực thuộc Trung tâm Văn hóa-Truyền thông các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang. Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị liên quan công tác chiếu phim của đơn vị và của ba đội chiếu bóng lưu động đều trong tình trạng thiếu thốn, xuống cấp, hư hỏng. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật ngày càng lớn tuổi và phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Những năm gần đây ba đội chiếu bóng cấp huyện gần như ngừng hoạt động.

Thực hiện Chiến lược Phát triển Điện ảnh đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh nội dung: thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế, phục vụ tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; từng bước phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế.

Với mục tiêu này, rõ ràng điện ảnh Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm.