Oscar vẫy gọi

Vài năm trở lại đây, các đạo diễn và nhà làm phim châu Á liên tiếp xuất hiện, khẳng định tài năng ở những liên hoan phim danh tiếng trên thế giới. Năm ngoái, Parasite của Hàn Quốc“càn quét” Oscar với bốn tượng vàng ở các hạng mục quan trọng. Đến năm nay, Minari cũng của “xứ sở kim chi” nhận sáu đề cử Oscar trong đó có “Best Picture” (Phim hay nhất). Nhưng Minari khó có thể tạo được bất ngờ, khi mà cả bộ phim ấy lẫn mọi ứng viên khác cho hạng mục “Best Picture” đều phải dè chừng đối thủ rất mạnh là Nomadland của một đạo diễn cũng đến từ châu Á: Chloe Zhao.

Oscar vẫy gọi

Là sự hòa quyện của nhiều nền văn hóa
 
 Mới chỉ cho ra mắt chính thức ba bộ phim từ năm 2015 đến nay, tất cả đều thuộc dòng phim độc lập kinh phí thấp, song, những tác phẩm của nữ đạo diễn này được giới phê bình đánh giá rất cao và các đồng nghiệp ngưỡng mộ. Chị vừa trở thành nữ đạo diễn thứ hai giành Quả Cầu Vàng, và cũng chính là người phụ nữ châu Á đầu tiên giành được giải thưởng cao quý này. Không chỉ dừng lại ở đó, “đứa con cưng” Nomadland của Chloe được giới phê bình đánh giá là ứng cử viên tiềm năng nhất cho giải Best Picture ở Oscar sắp tới. Vậy, người phụ nữ ấy là ai?

Oscar vẫy gọi -0
Chloe Zhao trên phim trường Nomadland. 

 Chloe Zhao sinh ra trong một gia đình khá giả ở Bắc Kinh (Trung Quốc) với tên gọi Zhao Ting (Triệu Đình). Theo Vogue, Chloe tự miêu tả mình là “một thiếu niên nổi loạn và lười biếng ở trường”. Cô gái ấy chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa nhạc pop phương Tây, đặc biệt là ngôi sao Michael Jackson, bên cạnh những bộ phim nghệ thuật của đạo diễn Vương Gia Vệ. Trong đó, phải kể đến Happy Together - bộ phim đề tài đồng tính mà cô vẫn thường xem lại như một “nghi lễ” đặc biệt khi bắt đầu thực hiện một dự án mới.
 
 Có lẽ đó cũng là lý do mà khi lên 14 tuổi, mặc dù gần như không biết tiếng Anh, cô vẫn lên đường sang Anh du học. Sau này, Chloe đến Mỹ để học khoa học chính trị. “Bốn năm là đủ để cô ấy không còn chút hứng thú nào với chính trị. Sau một thời gian “hậu đại học” làm nghề pha chế và những công việc lặt vặt, cô ấy thấy mình bị thu hút bởi con người hơn là chính sách” - theo tờ Vulture - “Chloe phát hiện ra rằng mình thích gặp gỡ mọi người và lắng nghe những câu chuyện của họ”.
 
 Nhận ra đâu mới là mục đích của đời mình, cô quyết định đến thành phố năng động New York (Mỹ) để học làm phim, bởi “nó cho chúng ta cơ hội để cùng khóc và cười với nhau, cho chúng ta cơ hội để học hỏi lẫn nhau và biết cảm thông với nhau hơn”.
 
 Là một người kể chuyện tuyệt vời
 
 Chloe từng thừa nhận rằng miền tây nước Mỹ thời xưa làm mình bị mê hoặc, từ khi còn là một đứa trẻ ở Bắc Kinh. Khi lớn lên, chị muốn kể những câu chuyện về vùng đất đó. “Ở New York suốt những năm 20 tuổi, tôi cảm thấy hơi lạc lõng. Trong quá khứ tôi luôn nói đùa rằng: Khi cảm thấy lạc lõng, bạn sẽ đi về hướng tây”, Chloe hồi tưởng. Và đối với chị, đi về phía tây, nghĩa là phía tây của New York.
 
 Và thế là một bộ phim được xem là tác phẩm hay nhất về miền Viễn Tây hiện đại ở thế hệ cô, ra đời. Miền Viễn Tây của Chloe không phải câu chuyện về những chàng cao bồi trên lưng ngựa hay những kẻ sống ngoài vòng pháp luật mà là những số phận con người nhỏ bé, rất đỗi bình thường trong cuộc chiến với những thử thách nghiệt ngã để sinh tồn.
 
 “Bộ phim đạt được những gì tốt nhất mà điện ảnh có thể làm được. Nó tái tạo thế giới với sự nhạy bén, trung thực và đồng cảm đến mức vượt qua những điều trần tục và chạm đến giá trị mang tính toàn cầu” - tờ Boston Globe nhận xét về bộ phim The Rider đó. Hollywood bất ngờ khi thấy một cô gái châu Á vô danh lại có thể kể những câu chuyện về miền tây nước Mỹ giàu xúc cảm và tinh tế đến thế.
 
 Chloe hiểu rất rõ: Nhiệm vụ của một đạo diễn giỏi là kể một câu chuyện thuyết phục và lay động được khán giả. Theo quan điểm của chị, khi đã hướng máy quay vào một điều gì, tất yếu là sẽ phải đưa ra một thông điệp nào đó, như điều không thể tránh khỏi, khi thêm một góc nhìn vào sự vật ấy. Nên, cách mà Zhao kể chuyện là cách mà cô nhìn nhận thế giới qua những lăng kính.
 
 Trở thành một nhà làm phim là khát vọng cháy bỏng của cả cuộc đời Chloe, bất chấp việc chị không thật sự nổi bật ở một lĩnh vực nghệ thuật nào. Với chị, đạo diễn cũng giống với một CEO, “bạn không cần phải là một bậc thầy của bất cứ thứ gì, chỉ cần là một người đa năng có thể làm được rất nhiều việc khác nhau”. Chloe thuê những người thật sự xuất sắc trong lĩnh vực của họ, sau đó kết hợp họ lại với nhau, và việc còn lại của người đạo diễn chỉ là kể một câu chuyện thật hay và duyên dáng.
 
 Và quả thật, Chloe kể chuyện rất duyên, rất sâu sắc. Chỉ sau vỏn vẹn ba bộ phim, chị đã được so sánh với Lý An, một trong những đạo diễn gốc Hoa thành công nhất tại Hollywood. Chloe cũng được so sánh với một đạo diễn - người kể chuyện bằng hình ảnh nổi danh khác - đạo diễn kỳ cựu Terrence Malick, người sở hữu những bộ phim mà nhiều nhà phê bình xem là kiệt tác. “Kết hợp giữa chủ nghĩa trữ tình và hiện thực, tận dụng ánh sáng mặt trời theo giờ trong ngày một cách ma thuật”, là những mỹ từ mà các chuyên gia nhận định về họ.
 
 Và vì theo đuổi dòng phim docudrama (tài liệu chính kịch), nên Chloe cũng đề cao tính chân thực nhất có thể trong những bộ phim của mình. Tiêu chí để chị chọn diễn viên dựa hoàn toàn trên việc Chloe luôn muốn nhân vật của mình giống với tính cách của người đó. Chị muốn mọi người đưa một phần của chính họ vào trong nhân vật.
 
 Nhiều khán giả ca ngợi chị là “nguồn cảm hứng to lớn cho các cô gái trẻ châu Á”, và sự kiện Chloe thắng giải Best Director là “chiến thắng cho nữ giới ở khắp mọi nơi”. Đạo diễn Bong Joon-ho - người vừa nhận tượng vàng Oscar năm ngoái, đã đưa tên Zhao Chloe vào danh sách những đạo diễn mới nổi triển vọng mà ông tin là sẽ khẳng định tài năng trong 20 năm tới. Liệu Chloe Zhao có thể tiếp bước nghệ sĩ đàn anh ấy, chinh phục giải thưởng cao quý nhất này và làm nên lịch sử một lần nữa tại Oscar? Câu trả lời sẽ có, vào ngày 26-4 tới.
 
 
 
 
 
 Tuấn Nghĩa