Những mô hình truyền cảm hứng

Trong vòng 5 năm trở lại đây, việc nở rộ các lớp học, câu lạc bộ tìm hiểu, sáng tác mỹ thuật dành cho đủ lứa tuổi, từ trẻ mầm non, thiếu nhi đến người trưởng thành, ở các thành phố lớn và vùng ven đô, đã cho thấy nhiều thay đổi tích cực về nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật trong nhận thức xã hội. Đặc biệt, sự xuất hiện những mô hình giáo dục chuyên sâu về mỹ thuật thể hiện một xu hướng tiến bộ trong cách thức nhìn nhận vai trò của mỹ thuật đối với đời sống.

Ngả nghiêng. Khắc kẽm của Trịnh Minh Ngọc (Triển lãm Hồi Hải Mã của học sinh Trung tâm tư vấn và phát triển tài năng Vinschool, tháng 4 - 2021, Hà Nội).
Ngả nghiêng. Khắc kẽm của Trịnh Minh Ngọc (Triển lãm Hồi Hải Mã của học sinh Trung tâm tư vấn và phát triển tài năng Vinschool, tháng 4 - 2021, Hà Nội).

Đưa nghệ thuật đương đại vào trường phổ thông

Tháng 4 vừa qua, triển lãm giới thiệu 57 sáng tác hội họa của tám học sinh THCS và THPT do nhà trường tổ chức đã thật sự gây chú ý trong giới mỹ thuật Hà Nội. Đây có lẽ là lần đầu ở Việt Nam, một ngôi trường phổ thông đứng ra tổ chức triển lãm mỹ thuật cho học sinh của mình theo mô hình một triển lãm nghệ thuật chuyên nghiệp. Chất liệu sáng tác là sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ và khắc kim loại chứ không đơn thuần chỉ là chì mầu, phấn mầu hay bột mầu, mầu nước trên giấy nữa.

Việc làm chủ được kỹ thuật sử dụng chất liệu ở một mức độ nhất định đã giúp các em bày tỏ được thế giới quan của cá nhân một cách tự do, tự tin và sáng rõ; nhiều bức họa khiến người lớn phải ngạc nhiên khi thưởng lãm bởi chúng không chỉ chỉn chu về kỹ thuật, về khả năng xử lý không gian nhiều chiều trên một bề mặt hai chiều của tấm vóc sơn mài, tấm toan, tấm lụa mà còn bày tỏ những suy tư nội tâm phức tạp của các em về sự phân thân hay lòng trắc ẩn sâu xa...

Theo Phạm Ngọc Minh, một học sinh có tranh bày trong triển lãm, khi tham gia chương trình đào tạo này, các em không chỉ được tìm hiểu sâu về lịch sử mỹ thuật, học vẽ tranh một cách chuyên nghiệp và bài bản, mà còn được đi thưởng tranh tại triển lãm và trò truyện với các họa sĩ, nhờ đó góc nhìn nghệ thuật trở nên đa dạng và trưởng thành hơn. “Có những kiến thức thường đến bậc đại học chuyên ngành mỹ thuật mới được tiếp cận tới thì em đã được tìm hiểu”. Đây chính là tiền đề quan trọng thúc đẩy các em mơ lớn cho tương lai của mình với mỹ thuật nhưng theo một cách thức chuyên nghiệp với một ý thức rộng mở về việc học và làm việc trong lĩnh vực này ở thì tương lai. Như Phạm Ngọc Minh, ngay khi mới tốt nghiệp THPT, em đã có thể đi làm thiết kế đồ họa cho các công ty và quyết tâm đi du học về nghề curator (giám tuyển) tại Trường đại học Nghệ thuật Osaka, Nhật Bản. 

Táo bạo hơn, một hệ thống trường phổ thông liên cấp quốc tế tại TP Hồ Chí Minh còn tạo cơ hội cho học sinh sớm thực hành một phần công việc giám tuyển triển lãm nghệ thuật đương đại. Hơn 20 học sinh từ lớp 8 đến lớp 11 cùng với một giám tuyển nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á đã lựa chọn từ sưu tập mỹ thuật/ nghệ thuật đương đại của chủ đầu tư hệ thống giáo dục này một số sáng tác theo chủ đề Con người, Vinh quang, Cuộc sống sau chiến tranh, trưng bày triển lãm, từ ngày 26-3 đến 17-12-2021. Để làm được điều này, nhà đầu tư, chủ nhân của The Nguyễn Art Foundation, đã tạo ra những không gian học đường mà ở đó những sáng tác nghệ thuật được trưng bày song hành. Từ thư viện, phòng đa năng, khuôn viên ngoài trời, ở đâu, học sinh cũng có điều kiện tiếp xúc, thưởng lãm nghệ thuật đương đại với sáng tác của nhiều họa sĩ, nghệ sĩ thị giác tên tuổi của Việt Nam và quốc tế. Phụ huynh học sinh đồng thời được khuyến nghị tham gia làm quen và tìm hiểu nghệ thuật cùng với con em mình. Có thể nói, đây là bước ngoặt trong tư duy về việc đưa nghệ thuật vào nhà trường phổ thông, đem tới cho học sinh những cơ hội trải nghiệm thực tế sinh động nhất trong việc làm quen, nhận thức và thông hiểu về các xu hướng nghệ thuật đương đại ở trong và ngoài nước.

Để các mô hình tiên phong sớm trở thành xu hướng

Mỹ thuật, âm nhạc vốn được coi là các môn học phụ trong nhà trường phổ thông. Vì thế, tuy cũng có sách vở, giáo trình, giáo án đầy đủ, song thực chất việc học và dạy vẫn đang chỉ dừng lại ở mức sơ đẳng, đôi khi là “dạy và học cho có”. Trong khi thực tế cuộc sống lại đã và đang cho thấy những mô hình khác, có tính chất tiên phong, giúp học sinh tiếp cận với nghệ thuật.

Hiển nhiên, sự tiên phong này phải được dẫn hướng bởi một tầm nhìn chiến lược trong việc đưa nghệ thuật đến với thế hệ tương lai; nghệ thuật góp phần giúp các em sớm có ý thức đầy đủ hơn về cá nhân mình cũng như có cái nhìn rộng mở hơn về thế giới và con người. Đồng thời với tầm nhìn ấy phải là một nguồn lực tài chính mạnh mẽ. Được biết, một giờ dạy vẽ của một họa sĩ có tên tuổi cũng có mức thù lao tối thiểu là 500.000 đồng. Một tác phẩm nghệ thuật đương đại trong nước được sưu tập có giá đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng… Chính vì thế, trong hoàn cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay và ở tương lai gần, mô hình tiên phong trong việc giảng dạy “môn học phụ” này hẳn sẽ vẫn giữ vai trò tiên phong. Nhưng chắc chắn, hiệu quả của nó có khả năng truyền cảm hứng cho nhiều cơ sở giáo dục công lập và dân lập khác trong việc xem xét lại vai trò của “các môn học phụ”, nhất là khi cuộc sống đô thị đang ngày một mở rộng và phát triển trên khắp nước ta, ý thức cá nhân của con người trong xã hội hiện đại ngày càng được nâng cao và nhu cầu về một đời sống tinh thần đúng nghĩa ngày càng lớn mạnh. 

Hãy thử hình dung, nếu chúng ta có nhiều hơn các nhà trường đầu tư cho học sinh học và sáng tác mỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp thực thụ, hay nhiều hơn những chủ đầu tư các cơ sở giáo dục sưu tập nghệ thuật, để trước tiên, chính học sinh - khách hàng của họ được hưởng thụ, thì hẳn sẽ có nhiều hơn những cá nhân sớm tự tin xác lập con đường nghề nghiệp bài bản trong lĩnh vực này như em Phạm Ngọc Minh. Song hành với đó sẽ là những lớp công chúng tương lai có nền tảng kiến thức nghệ thuật dày dặn và gắn liền với thực tiễn đời sống, tạo đà mạnh mẽ cho mỹ thuật nước nhà phát triển.

9_1-1624069646153.jpg

Mất kết nối. Sơn mài của Phan Châu Anh (Triển lãm Hồi Hải Mã). 

9_2-1624069645621.jpg
 Ngọt đắng. Mầu nước trên lụa của Phạm Cát Tường Vy (Triển lãm Hồi Hải Mã).