Những khởi sắc từ sách nói

“Trong nguy có cơ”. Ðây là câu nói được nhắc đến khá nhiều trong suốt hơn một năm qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. Ít nhất, câu nói này rất đúng đối với ngành xuất bản, mà dẫn chứng rõ nhất là sự khởi sắc đến từ sách nói (audiobook). Trong các đợt thực hiện giãn cách xã hội, lượng độc giả chuyển sang nghe sách nói đã tăng lên đáng kể. Ðồng thời, việc khai thác audiobook cũng phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay. 

Nhà văn Ðông Vy (giữa) và chị Xuân Nguyễn - đồng sáng lập Fonos trong chương trình ra mắt sách nói “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”.
Nhà văn Ðông Vy (giữa) và chị Xuân Nguyễn - đồng sáng lập Fonos trong chương trình ra mắt sách nói “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”.

Những con số ấn tượng

Trong chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) mới đây, Lê Hoàng Thạch - CEO của Công ty cổ phần Công nghệ WeWe (nơi sở hữu ứng dụng sách nói Voiz FM) tham gia nhằm kêu gọi đầu tư. Số tiền gọi vốn mà anh đưa ra là 250.000 USD (5,764 tỷ VND) cho 2,5% cổ phần công ty. Mô hình mới mẻ này đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm.

Dù không thể đi đến thống nhất, nhưng khán giả xem truyền hình vẫn rất ấn tượng với những con số mà Lê Hoàng Thạch đưa ra trong phần giới thiệu về Voiz FM. Ðây là ứng dụng tiên phong trong lĩnh vực bản quyền, được ra mắt thị trường bắt đầu từ tháng 9/2019 với tôn chỉ 100% số sách có bản quyền. Chia sẻ tại chương trình, Lê Hoàng Thạch cho biết, từ lúc ra mắt đến nay, Voiz FM đã có hơn 2.000 quyển sách trên ứng dụng, 10 triệu phút được người dùng trả tiền để nghe. Năm 2020, kết quả kinh doanh của Voiz FM đạt 42.000 USD (gấp 20 lần năm 2019), dự kiến trong năm 2021 là hơn 400.000 USD GMV (tổng giá trị giao dịch).

Nối tiếp Voiz FM, ứng dụng sách nói có bản quyền khác cũng được ra mắt khoảng một năm trước là Fonos. Mặc dù ra sau nhưng ứng dụng này cũng đã sớm có mặt tại App Store và Google Play, được người dùng đánh giá, phản hồi tích cực. Ðặc biệt, ngoài mảng sách dạy làm giàu, thiền định - chữa lành... Fonos còn tập trung khai thác mảng sách văn học với những tác giả tiêu biểu trong nước như Nguyễn Ngọc Tư, Bình Ca, Ðặng Nguyễn Ðông Vy, Thu Giang, Nguyễn Duy Cần…

CEO Xuân Nguyễn - đồng sáng lập Fonos cho biết, ứng dụng Fonos có đầy đủ các tính năng cần thiết dành cho những người yêu thích sách nói như điều chỉnh tốc độ đọc phù hợp theo gu của bạn, hẹn giờ tự động tắt để tiết kiệm pin. “Tất cả các sách nói được thu âm tại phòng thu chuyên nghiệp với các giọng đọc cuốn hút của các diễn viên lồng tiếng như Khánh Hoàng, Thi Mai, Tú Trinh, Ðạt Phi... Thậm chí là có cả giọng đọc của chính tác giả cho tác phẩm của họ như cặp vợ chồng tác giả Phạm Công Luận và Ðặng Nguyễn Ðông Vy”, chị Xuân Nguyễn nói thêm.

Nhà văn Ðông Vy chia sẻ: “Tôi mới tiếp cận với audiobook mới đây, cả trong vai trò tác giả lẫn người nghe. Theo tôi, có một lượng độc giả khá lớn ở ngoài kia, họ không có thời gian để đọc sách giấy trong khi lại có khoảng thời gian phù hợp để nghe sách nói. Chính vì vậy, những đơn vị như Fonos đã đáp ứng cho một nhu cầu có thật. Sau sách giấy và sách điện tử, những tác phẩm của chúng tôi giờ đây có thêm audiobook. Ba phiên bản phục vụ cho ba nhu cầu khác nhau của độc giả nên tôi nghĩ là nó không tranh chấp hay loại trừ nhau”.

Ðón đầu xu hướng

Ngoài Voiz FM, WeWe còn phát triển thêm ứng dụng Podcast (tệp phát thanh trực tuyến), có thể xem như một dạng sách nói và là kênh đắc dụng cho việc giới thiệu sách. Lý giải về việc này, anh Lê Hoàng Thạch cho rằng, đây là cách hướng đến sự đa dạng hành vi nghe, đọc; đồng thời, tạo ra không gian mềm mại hơn cho người nghe. “Bởi vì, nghe sách một thời gian người ta sẽ có cảm giác hơi căng vì sách có văn phong khác thì Podcast đóng vai trò giúp người nghe được giải trí, thư giãn, từ đó gắn kết hành vi nghe hơn. Sắp tới, khi hệ thống tàu điện được đưa vào sử dụng, thì đây sẽ là nơi để nuôi dưỡng Social Content (sáng tạo nội dung trên mạng xã hội). Và việc nghe Podcast sẽ trở thành xu hướng, nhất là đối với thế hệ Gen Z”, anh Lê Hoàng Thạch cho biết.

Hiện tại, ứng dụng Podcast đang trở nên phổ biến và được nhiều người sử dụng, từ đó hình thành nên cộng đồng yêu đọc sách cũng như văn chương từ chính những Podcast này. Có thể kể đến một số cái tên như Trạm Radio, Tìm Ðọc Sách, Nghe Nói Là, Dear Our Community… Hay sự tham gia từ chính đơn vị xuất bản như Nhã Nam với chuyên mục “Trích đọc trước giờ đi ngủ” vào tháng 9/2020. Ðến nay, sau chưa đầy một năm ra mắt, đã có hơn 20.000 lượt nghe chỉ riêng trên Spotify, có video đạt gần 30.000 lượt nghe trên Facebook.

Có một băn khoăn hiện nay, đó là hiệu quả từ sách nói liệu có thể giúp người đọc ứng dụng dễ dàng vào đời sống, như sách giấy đã và đang làm? Trước vấn đề này, anh Lê Hoàng Thạch cho biết, từ bài nghiên cứu về mức độ tiếp thu giữa sách giấy với sách điện tử, sách nói, cho thấy là như nhau. “Cũng có nghiên cứu cho thấy đâu đó vẫn có khoảng 30% dân số tiếp thu thông tin tốt hơn qua việc nghe. Quan trọng là mình có muốn làm hay không mà thôi. Ở đây, việc nghe sách nói không phải chỉ thuần để giải trí hay giết thời gian, gọi cho đúng là tận dụng thời gian để trau dồi kiến thức”, anh Thạch bày tỏ.